Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'Nên có cơ chế để dưới nói thì trên nghe'

28/10/2022 19:52 GMT+7

Chỉ ra nhiều bất cập trong các quy định, chính sách gây ra "điểm nghẽn" đối với các bệnh viện công , nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị nên có cơ chế để "dưới nói thì trên nghe".

Chiều 28.10, là đại biểu cuối cùng tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp 4 Quốc hội XV phát biểu ý kiến, ông Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM), nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, dành nhiều thời gian nói về các "điểm nghẽn" đối với bệnh viện công hiện nay.

Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội trường Quốc hội

gia hân

Ông Nhân cho rằng bệnh viện hoạt động trong điều kiện cơ chế thị trường, tuy nhiên nhiều quyết định hiện nay không phù hợp hoặc trái với cơ chế thị trường cần thay đổi.

"Ví dụ ta có Nghị định 85 năm 2012 xác định từ năm 2018 trở đi, giá dịch vụ phải phản ánh đầy đủ 7 loại chi phí, nhưng đến nay mới chỉ có 4 loại, 3 loại còn lại chưa có", ông Nhân phân tích và đề nghị phải khẩn trương bổ sung và có thể giao cho cơ sở xây dựng đủ 7 chi phí nói trên.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân: "Nên có cơ chế để dưới nói thì trên nghe"

Về đấu thầu, theo ông Nhân, chúng ta đang có quy định theo Thông tư 15 năm 2019 là giá đấu thầu được của năm nay không được cao hơn giá đấu thầu đã thắng thầu năm ngoái.

"Cái này rất phi thị trường. Giá phụ thuộc thị trường. Nếu là một nhà hàng hoặc công ty thực phẩm, đấu thầu mua gạo và thịt, yêu cầu giá gạo thịt năm nay phải thấp hơn giá năm ngoái điều đó không xảy ra. Bởi nếu giá vật tư tăng thì giá các yếu tố khác cũng tăng", ông Nhân nói và đề nghị bỏ quy định này, giá đấu thầu để thị trường quyết định, không so sánh với giá thắng thầu năm ngoái.

Ông Nhân cũng đề xuất, nhà nước phải thể hiện trách nhiệm của mình đầu tư cho các bệnh viện. Theo đại biểu, hầu hết các bệnh viện tham gia tự chủ là tự chủ chi phí thường xuyên, chứ không tự chủ chi phí đầu tư.

"Không có kinh phí đầu tư thì không mua được máy móc thiết bị mới, nên buộc phải thuê máy, đặt máy để làm dịch vụ", ông Nhân nêu.

Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị, "chừng nào chưa bố trí kinh phí 2020 - 2021 cho các bệnh viện, thì các bệnh viện tiếp tục được thuê máy, đặt máy cho đến khi có kinh phí đầu tư để việc hoạt động không bị gián đoạn".

Ông cũng kiến nghị, nên công bố kế hoạch đầu tư cho các bệnh viện một danh mục từ đây đến 2025 để chuẩn bị triển khai cho tốt.

Không cấp chi phí nhưng lại quy định mức lương được trả là bao nhiêu

Ông Nhân cũng đề xuất sớm ban hành đủ các văn bản để định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến hoạt động ngành y tế.

"Hiện nay, thống kê có 17.216 dịch vụ nhưng định mức ban hành chỉ có 1.937, chiếm 11,5% và còn hơn 6.000 hoạt động dịch vụ không có định mức; 9.190 không có định mức thì quy đổi vào 1.927 định mức đã ban hành", ông Nhân dẫn chứng, đề nghị định mức nào Bộ Y tế chưa công bố thì giao cho các thành phố lập hội đồng các giám đốc bệnh viện, sở tài chính, kế hoạch để bàn và đưa ra định mức trình chủ tịch tỉnh, thành phố quyết định. Đến khi nào bộ ban hành định mức thì theo cái của bộ,

Ông Nhân cũng đề nghị bỏ các quy định không khả thi. Ví dụ theo Thông tư 58, yêu cầu phải có đủ 3 báo giá trong hồ sơ đấu thầu. "Có những lĩnh vực có thể có 3 báo giá nhưng có lĩnh vực không thể có đủ 3 báo giá. Cái này phải tùy thuộc vào các loại thiết bị", ông Nhân nói.

Ngoài ra, theo ông Nhân, quy định lập dự toán mua thiết bị trước khi kế hoạch mua sắm cũng là "ngược, không khả thi".

Xem nhanh 20h ngày 28.10: Diễn biến mới ở Tịnh Thất Bồng Lai | Bến cóc tung hoành cửa ngõ TP.HCM

Đại biểu TP.HCM cũng cho rằng, bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên thì nên cho bệnh viện được quyết định mức thu nhập cho cán bộ y tế.

"Nhà nước không cấp chi phí thường xuyên các bệnh viện, đơn vị tự chủ nhưng chúng ta lại quy định chỉ được trả lương bao nhiêu, cơ bản không quá 2 lần quỹ tiền lương và thưởng 3 tháng thì không hợp lý. Nên để cho bệnh viện quyết định miễn làm sao giữ được người tốt, hoạt động hiệu quả", ông Nhân phân tích.

Cuối cùng, ông Nhân đề nghị: "Nên có cơ chế dưới nói thì trên nghe. Khi các bệnh viện có ý kiến thì làm thế nào mà Bộ Y tế, Chính phủ nghe, xử lý kịp thời".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.