Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Báo chí cần nhận thức đầy đủ, phản biện đúng, trúng

24/12/2022 15:04 GMT+7

Đối với chức năng phản biện xã hội, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần nhận thức đầy đủ, phản biện đúng, trúng thực tiễn để đưa đường lối vào cuộc sống, tham gia khắc phục các điểm nghẽn, đưa ý Đảng đến gần với lòng dân.

Sáng 24.12, tại hội nghị báo chí toàn quốc năm 2022, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan, đơn vị chuẩn bị kỹ cho sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2025). Mục tiêu hướng đến là xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Loại bỏ hành vi núp bóng báo chí

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đánh giá các hoạt động của báo chí tác động đến mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống của người dân, làm thay đổi nhận thức. Đồng thời đề nghị báo chí cần tiếp tục làm tốt chức năng định hướng dư luận, tư tưởng, phát huy thành quả trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao.

Theo đề nghị của Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, báo chí cần bám sát thực tiễn, tiên phong đi vào những điểm mới, điểm khó, đi đến vùng sâu, vùng xa, mọi miền đất nước phản ánh sinh động đời sống xã hội. Đồng thời, tiếp tục khơi dậy và phát huy dân chủ, hướng đến nhân văn, chân - thiện - mỹ, tôn vinh sáng tạo của người dân trong thời kỳ mới.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị báo chí bám sát thực tiễn xã hội, tiên phong đi vào những điểm mới, khó

NGUYÊN VŨ

Đối với chức năng phản biện xã hội, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần nhận thức đầy đủ, phản biện đúng, trúng thực tiễn để đưa đường lối vào cuộc sống, tham gia khắc phục các điểm nghẽn, đưa ý Đảng đến gần với lòng dân. Bên cạnh đó, cần phê phán những quan điểm sai trái, không để các đối tượng cơ hội, thế lực thù địch lợi dụng chống phá. “Chúng ta phải hết sức tỉnh táo, kiên định để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ phản biện xã hội”, ông Nghĩa lưu ý.

Nêu một số nhiệm vụ trọng tâm, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư yêu cầu tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển báo chí, xuất bản, đúng chủ trương, sát thực tiễn, mang tính đặc thù. “Một tỉnh mấy trăm ngàn dân với một tỉnh 1 triệu dân đã khác nhau, tỉnh 1 triệu dân với tỉnh 3 - 4 triệu dân có khác nhau, và so với thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mười mấy triệu dân thì nền báo chí ở đó phải như thế nào, chứ không đánh đồng được”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Một vấn đề khác cần tập trung là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến báo chí đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Song song đó, cần quan tâm đến 3 nguồn lực: con người, đầu tư công nghệ và tài chính ngân sách.

Nhấn mạnh đến vai trò của tổ chức đảng và người đứng đầu của cơ quan báo chí, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cho biết đã trình Thường trực Ban Bí thư ban hành quy định về bổ nhiệm, đề bạt, kỷ luật, khen thưởng, trong đó phân cấp rõ từng loại hình cơ quan báo chí. Các yêu cầu đề ra rất cao, đòi hỏi lãnh đạo phải nghiêm túc, gương mẫu, chuẩn mực để cấp dưới noi theo.

“Trên thực tế vẫn còn tình trạng lợi dụng thẻ nhà báo, thẻ cộng tác viên, rồi có những người không còn làm nhà báo nữa, không còn làm ở cơ quan báo chí, xuất bản nữa mà vẫn mang danh nghĩa đó đi làm chuyện này chuyện khác”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư kể chuyện, khi chuyển công tác từ Quân khu 7 ra Tổng cục Chính trị, dù đang trực tiếp quản lý Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nhưng vẫn có người mang danh làm việc tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân gọi điện đề nghị mua sách. Nhận định đây là các hành vi "núp bóng", ông Nghĩa đề nghị các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý địa phương, các phóng viên chân chính và người dân cùng chung tay đấu tranh, loại bỏ.

Cuối cùng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đề nghị các cơ quan báo chí đồng hành khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tinh thần tự lực tự cường, tiếp tục phát huy thế mạnh trong công tác an sinh xã hội.

Chọn góc nhìn nhân văn khi viết báo

Trao đổi về quy hoạch báo chí đến năm 2025, ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết, TP.HCM sẽ giảm từ 28 cơ quan báo chí xuống còn 19 cơ quan, gồm 7 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí.

Theo ông Sơn, các báo sau khi chuyển đổi thành tạp chí đều có trang điện tử hoạt động với nội dung thể hiện như trước đây nhưng vướng vào tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử. Dù vậy, việc “báo hóa” tạp chí ở các cơ quan tạp chí của TP.HCM không thực sự rõ nét nhưng với quá trình cạnh tranh thông tin, nếu không có những giải pháp khác hoặc được điều chỉnh quy định cụ thể có thể sẽ trở thành những vi phạm đáng lưu ý.

Ban Tuyên giáo T.Ư tặng bằng khen cho các tập thể có nhiều thành tích xuất sắc trong lĩnh vực báo chí, trong đó có Sở TT-TT TP.HCM

NGUYÊN VŨ

Ông Sơn kiến nghị cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh các loại hình tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử nhằm khắc phục tối đa tình trạng “báo hóa” và việc lợi dụng hoạt động báo chí nhằm mục đích xấu. Trong đó, cần quan tâm việc xử lý hiện tượng trên của một số cơ quan tạp chí, trang thông tin điện tử của Trung ương đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ về góc nhìn nhân văn khi viết báo, bà Vũ Việt Trang, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, để có được góc nhìn nhân văn, người làm báo và cơ quan báo chí luôn tự đặt cho mình những câu hỏi mang tính hướng thiện, hướng tới việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Và chính các nhà báo cũng cần được sống trong một môi trường làm việc cạnh tranh lành mạnh, được đánh giá và đãi ngộ thỏa đáng.

Nêu hiệu quả của liên kết trong hoạt động báo chí, bà Đào Thị Tuyết Vân, Phó giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long cho biết, các chương trình liên kết chỉ chiếm 20% thời lượng phát sóng nhưng chiếm 46% tổng doanh thu của đài, có năm chiếm 60%, cán mốc 2.000 tỉ đồng vào năm 2016.

Bà Vân chia sẻ yếu tố quan trọng đầu tiên khi thực hiện hoạt động liên kết là giữ vững nguyên tắc đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị, cân bằng mối quan hệ giữa tăng trưởng doanh thu và chức năng, nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Để các chương trình liên kết đạt chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long luôn chọn những đối tác liên kết là những đơn vị có kinh nghiệm, có uy tín về năng lực sản xuất chương trình; đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm soát, đánh giá được các hoạt động của đối tác trong quá trình thực hiện.

Báo chí truyền cảm hứng tích cực đến người dân

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm phát động các cơ quan báo chí hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025 theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt.

“Báo chí Việt Nam cần kể nhiều câu chuyện, tấm gương truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho người dân và cho doanh nghiệp. Kể chuyện nhiều hơn, phân tích nhiều hơn, với một tâm hồn cảm thông, chia sẻ và một cái đầu bình tĩnh, sáng suốt”, ông Lâm đề nghị.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm

nguyên vũ

Cụ thể, từng cơ quan, từng lãnh đạo báo, đài, từng người làm báo không được xem nhẹ, “tầm thường hóa” vai trò, chức năng, trách nhiệm lan tỏa gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến bởi đây là một sứ mệnh lớn lao của báo chí.

“Gương người tốt, việc tốt, vượt khó, vươn lên phải được thể hiện một cách sinh động, được kể một cách hấp dẫn và thú vị hơn, để mang lại nhiều giá trị cho độc giả và có giá trị thúc đẩy xã hội”, Thứ trưởng Bộ TT-TT gửi gắm các cơ quan báo chí.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, đất nước cần một nền báo chí hướng xã hội vào việc suy nghĩ và tìm kiếm lời giải cho những vấn đề lớn, trọng đại, dù rằng tìm kiếm giải pháp bao giờ cũng khó hơn là bình phẩm, chỉ trích. Thứ trưởng Bộ TT-TT “đặt hàng” báo chí tham gia sâu, rộng hơn nữa vào hoạt động truyền thông chính sách; tăng cường năng lực phân tích, giải thích, định hướng, tạo sự đồng thuận để người dân hiểu, tin theo. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cũng cần làm tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin cho báo chí, tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí để công tác truyền thông chính sách bảo đảm hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.