Các dự án tại Peru, Mexico, Venezuela…
Thông tin ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVN, xin từ chức đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm đến những dự án của Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) dưới thời ông làm lãnh đạo.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có nhiều thành viên và công ty con, như Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) trong ngành xây lắp các giàn khoan, Tổng Công ty Tài chính cổ phần dầu khí (PVFC) chuyên về tài chính, thu xếp vốn. Hai thành viên này thua lỗ nặng nề dưới thời của Chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh, cũng như ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch PVN.
Song, nếu so về quy mô vốn các dự án thì Tổng Công ty thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) mới là "đại gia" số 1. Năm 2007, PVN quyết định thành lập PVEP trên cơ sở tổ chức lại Công ty Đầu tư phát triển dầu khí và Công ty Thăm dò khai thác dầu khí với ngành nghề chính: khảo sát, nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò các mỏ dầu… ở trong nước và nước ngoài.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn được ông Đinh La Thăng (Chủ tịch PVN từ 2008-2011), đưa về làm Tổng giám đốc PVEP năm 2009.
Trong giai đoạn làm Tổng giám đốc (2009-2012), ông Nguyễn Vũ Trường Sơn cùng Hội đồng thành viên PVEP được PVN giao cho triển khai hàng chục dự án góp vốn, thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài.
Ngoài mỏ Junin2 tại Venezuela, PVN và PVEP phải bỏ chạy sau khi đổ hơn 500 triệu USD có nguy cơ mất trắng, còn nhiều dự án khác tại Peru, Mexico, Congo…
Đáng chú ý là tại Cộng hoà Peru, dự án thăm dò dầu Lô 67. Năm 2012, PVN ký quyết định phê duyệt báo cáo đầu tư mua hơn 52,6% cổ phần Công ty PPL Bahamas số tiền 647,4 triệu USD của Công ty Perenco Peru Limited trên cơ sở từ đề xuất và nghị quyết của Hội đồng thành viên PVEP.
PVEP góp vốn tham gia dự án bằng doanh thu và tiền hoàn thuế giá trị gia tăng khoảng 117 triệu USD. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Thanh Niên, số tiền góp này đã không được báo cáo Bộ KH-ĐT, góp vốn vượt trên 30% so với tổng mức đầu tư ghi trong giấy chứng nhận nhưng không làm thủ tục điều chỉnh. Hiện dự án được đánh giá có nhiều khả năng rủi ro, không thu hồi được vốn; trong khi chi phí còn lại chưa phân bổ là 514 triệu USD, tương đương hơn 10.760 tỉ đồng.
Một dự án tại khác tại Cộng hoà Peru nằm ở Lô 39. Dự án này được PVN quyết định phê duyệt báo cáo đầu tư cuối năm 2011 trên cơ sở tờ trình của PVEP. Dự án được cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn 323,6 triệu USD. Tổng Công ty góp vốn tính đến thời điểm 2017 số tiền 75,5 triệu USD (trong đó 61,5 triệu USD phí tham gia 35% hợp đồng và 14 triệu USD chi phí đầu tư). Dự án hiện đang tạm dừng triển khai thực hiện, PVEP đang trình các cấp có thẩm quyền chuyển nhượng dự án cùng với Lô 67- Peru.
|
Rủi ro, nguy cơ mất vốn
Dự án khác nằm ở Lô Marine XI-Congo được phê duyệt năm 2009. PVEP thăm dò thẩm lượng dầu khí ở lô này tại Cộng hoà Congo. Giấy chứng nhận đầu tư được Bộ KH-ĐT cấp với vốn góp hơn 27 triệu USD. Tuy nhiên, PVEP đã chuyển tiền góp vốn để thực hiện dự án lên tới hơn 30,3 triệu USD.
Trong khu vực Đông Nam Á, PVEP cũng triển khai nhiều dự án quan trọng, vốn lên tới cả trăm triệu USD. Đơn cử như Dự án Lô SK305-Malaysia. Năm 2017, Hội đồng thành viên PVN phê duyệt báo cáo Đầu tư gai hạn giai đoạn thăm dò lô SK305-Malaysia và Quyết định điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư 292,2 triệu USD.
PVEP sau đó triển khai giai đoạn phát triển khai thác sớm cụm mỏ D1 (D30 và Dana), thăm dò mở rộng lô SK305. Dự án cũng được phía các cơ quan chức năng đánh giá có nhiều tồn tại, dừng khai thác 2015 nhưng chưa làm thủ tục kết thúc do PVEP chưa chuyển tiền thu dọn mỏ, số tiền còn nợ 53,5 triệu USD. Dự án không hiệu quả, Hội đồng thành viên PVEP phê duyệt báo cáo kế hoạch phát triển làm phát sinh lỗ 31,49 triệu USD.
Tại Myanmar, PVEP thực hiện dự án Dầu khí Lô M2. Dự án được bắt đầu từ cuối năm 2008. Tuy nhiên nhiều hạng mục, cấu phần khi tham gia đã không thực hiện đúng chủ trương đầu tư: chưa thực hiện đúng cam kết góp vốn, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nước chủ nhà; nợ thuế nhà thầu Myanmar; kết thúc dự án chậm, không đảm bảo thời gian quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư.
Các dự án trên hầu hết đều được triển khai dưới thời của ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVEP. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, ngoài nguyên nhân khách quan rủi ro về chính trị, các dự án của PVEP khi đi vào triển khai hoạt động thường phát sinh thêm nhiều chi phí, chậm tiến độ, sản lượng dầu không đạt. Lý do là chưa có được những đánh giá đầy đủ, tin cậy về mọi mặt đối với dự án kể từ khi lập và phê quyệt báo cáo đầu tư…
Bình luận (0)