Thầy của Văn Hậu, ông Park Hang-seo và các cộng sự đang phải đối mặt với một năm “không có thời gian để thở”, bởi một loạt những giải đấu lớn đã phải dời sang năm sau, gồm vòng loại World Cup 2022, AFF Cup. Chưa kể vòng loại U.23 châu Á vào tháng 10.2021 rồi ngay sau đó là SEA Games 31 đều trên sân nhà. Chưa kể nếu Việt Nam thi đấu thành công ở vòng loại thứ 2 World Cup, sẽ lọt vào vòng loại thứ 3 cũng dự kiến thi đấu vào năm 2021 hoặc cùng lắm là chuyển sang đầu năm 2022.
|
Ông Park đã trên một lần chia sẻ về những áp lực mà ông đang phải gánh chịu: “Đã là HLV thì rất khó tránh khỏi cảm giác bị stress. Tôi ít nhiều bị sức ép và đôi lúc cảm thấy khá căng thẳng. Nhưng tôi xác định rõ con đường tôi đang đi. Sẽ rất thử thách và chông gai. Song tôi luôn muốn đạt được những kết quả tốt, đem lại sự hài lòng cho người hâm mộ. Năm 2020, do đại dịch Covid-19 mà một loạt kế hoạch của tôi đã bị xáo trộn, thay đổi. Năm 2021, các đội tuyển do tôi dẫn dắt sẽ thi đấu rất nhiều giải nhưng ưu tiên số 1 của tôi vẫn là vòng loại World Cup 2022”.
Bình luận viên Ngô Quang Tùng phân tích: “Với những nền bóng đá khát danh hiệu như bóng đá Việt Nam, áp lực dành cho HLV càng lớn bởi chỉ cần thất bại thì sẽ có hàng triệu “HLV” chỉ trích. Ông Park thấu hiểu điều đó. Là một người trực tính, chân thành, không che đậy, ứng xử thành thật, ông Park bày tỏ trọn vẹn những gì ông ấy suy nghĩa. Ông Park nói lo, nghĩa là lo thật. Ông Park nói căng, nghĩa là căng thật. Ông Park nói áp lực, nghĩa là áp lực thật. Không vòng vo. Và ông Park đang từng bước giải quyết những nỗi lo ấy, áp lực ấy bằng cái cách của riêng mình”.
|
Bình luận viên Ngô Quang Tùng nói tiếp: “Áp lực của ông Park không chỉ là về thành tích mà có lẽ điều ông nói đến là áp lực về thời gian. Năm 2021, các giải chồng lên nhau, gối lên nhau. Buộc ông Park phải có những tính toán sao cho phù hợp.
Theo tôi, ông Park vẫn sẽ kế thừa từ chính mình phong cách và phương án huấn luyện các đội như năm 2019. Đó là tập trung thành nhiều đợt để từ đó có cơ sở sàng lọc, chọn lựa đội hình ưu tú nhất, tránh việc bỏ sót nhân tài.
Nhưng có lẽ, dưới góc nhìn của tôi, ông Park cũng cần chuẩn bị một số phương án khác nhau như phương án 2, phương án 3 để đề phòng sự quá tải. Chẳng hạn như vòng loại U.23 châu Á hay SEA Games 30, đội U.22 nên có một đội hình rưỡi hay hai đội hình để cáng đáng. Nếu chỉ tập trung một nhóm cầu thủ, gồng mình cho hai giải đấu nối đuôi nhau này, sẽ khó đảm bảo được thành tích.
Thực tế đã chứng minh, năm 2007, đội tuyển do HLV Riedl dẫn dắt đã thi đấu thành công tại Asian Cup nhưng vẫn đội hình đó dự SEA Games 25 thì lại "bong" hoàn toàn. Cũng chính ông Park cũng từng vấp phải câu chuyện quá tải, vừa giành huy chương vàng SEA Games 30, đội U.22 lại thất bại tại vòng chung kết U.23 châu Á vào đầu năm nay".
|
Cũng theo bình luận viên Ngô Quang Tùng: "Về nhân sự, có những cầu thủ không nhất thiết phải gánh tất tần tật mọi sự kiện bóng đá trong năm. Trên thế giới, những cầu thủ đã lên tuyển, thì không quay trở lại đá cho đội trẻ nữa, dù còn tuổi đi chăng nữa. Bóng đá Việt Nam dĩ nhiên có những đặc thù khác nhưng cũng nên tạo điều kiện cho những cầu thủ trẻ khác nữa.
Ở đây, tôi muốn nói đến Văn Hậu, cậu ấy không nhất thiết phải đá cả vòng loại U.23 châu Á lẫn SEA Games 31. Nếu lấy mục tiêu phải bảo vệ tấm huy chương vàng SEA Games 31 làm trọng thì có thể để Hậu dành sức cho sân chơi này còn vòng loại U.23 châu Á thì nhường cho lứa cầu thủ cùng thế hệ. Ở những vị trí chịu nhiều sức ép, tranh chấp khốc liệt như vị trí hậu vệ, trung vệ, nếu để quá tải sẽ không tốt. Hậu còn phải gánh vác nhiệm vụ đội tuyển tại vòng loại World Cup 2022, giải đấu mà ông Park ưu tiên số 1”, bình luận viên Ngô Quang Tùng bày tỏ.
Bình luận (0)