PV: Người dân khi nhận xét về nhiệm kỳ Chủ tịch UBND tỉnh vỏn vẹn có 3 năm (từ tháng 6.2018 - 6.2021), của ông, đã đúc kết súc tích từ "nhặt một cọng rác" đến "cuộc di dân lịch sử", ông nghĩ gì về nhận xét này?
Ông Phan Ngọc Thọ: Phải nói rằng người dân nhìn nhận như vậy là một nhận xét rất thú vị và cô đọng. Nói thì ngắn gọn vậy nhưng đó là cả một quá trình. Từ một chuyện nhỏ nhất là “nhặt rác” đến chuyện lớn nhất là cuộc di dân lịch sử với hơn 4.500 hộ dân, để giải phóng mặt bằng, trả lại hiện trạng cho Kinh thành Huế.
Để làm được từ chuyện nhỏ nhất đến chuyện lớn nhất đó, nhiệm kỳ của tôi có được 4 chữ đồng: chính quyền đồng tâm, nhân dân đồng thuận, Trung ương đồng cảm và báo chí đồng hành.
Ban đầu, khi thấy tôi phát động phong trào Chủ nhật xanh với thông điệp “Nhặt một cọng rác bạn sẽ làm cho Huế đẹp thêm”, nhiều người rất hoài nghi. Có người còn cho rằng ông Thọ này làm màu, nhưng rồi sau 3 năm, phong trào Chủ nhật xanh ở Huế đã thành nếp sống, lan tỏa; trở thành niềm tự hào của người dân Huế về một xứ sở cố đô văn hóa gắn với môi trường sống sạch sẽ. "Quyết liệt, đồng bộ và kiên trì", người lãnh đạo, người đứng đầu chính quyền phải thật sự vào cuộc và "làm gương" chứ "không làm thay". "Ngày Chủ nhật xanh" không chỉ đơn thuần là thu dọn rác, tạo cảnh quan môi trường, mà phong trào còn hướng đến thay đổi nhận thức của người dân. “Nếu bạn nhặt rác thì sẽ có một người nhặt rác cùng bạn và bớt đi một người xả rác”.
Từ nhặt rác rồi đến phong trào “Thành phố 4 mùa hoa”, phong trào “Mai vàng trước ngõ”… Những chuyện nghe ra tưởng như hô hào nhưng mà chúng tôi đã làm thật. Thứ bảy, chủ nhật tuần nào tôi cũng đi kiểm tra. Chủ tịch tỉnh đích thân kiểm tra, đôn đốc, anh em ở công trường vừa như được khích lệ và vừa áp lực để phải làm việc. Nói thế chứ đích thân chủ tịch tỉnh đến đó, anh em đâu dám làm dối.
Bây giờ, diện mạo Huế từ công viên 2 bờ sông Hương được chỉnh trang, hình thành con đường đi bộ hai bên bờ, phía bờ bắc nối dài lên đến chùa Linh Mụ… Mỗi con đường, hàng cây cho đến mọi xóm làng, thôn bản, đi đâu cũng thấy sạch sẽ, đi đâu cũng thấy hoa nở…
Thông qua phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, nhiều vấn đề về môi trường tại các địa phương đã phần nào được giải quyết; nhiều điểm đen về ô nhiễm môi trường đã giảm bớt. Thừa Thiên - Huế trở thành điểm sáng trong toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường và nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen. “Làm lãnh đạo, sự kiên trì là quan trọng. Cái gì mình đã đề ra rồi mà không kiên trì làm đến cùng thì sẽ không bao giờ thành công”.
PV: Còn cuộc di dân lịch sử?
Ông Phan Ngọc Thọ: “Cuộc di dân lịch sử với việc di dời hơn 4.500 hộ, với 20.000 người đang sinh sống ở khu vực I, trên Kinh thành Huế là bài toán nan giải. Để thực hiện được, chính sách đền bù phải xây dựng trên cơ sở nhân văn, tất cả đều vì lợi ích của người dân. Bản thân tôi, tranh thủ diễn đàn Quốc hội, các cuộc họp Chính phủ đã không ngừng thuyết phục, bảo vệ, chuẩn bị đề án trình Quốc hội, Chính phủ để tạo sự ủng hộ về cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng, chủ trương, kinh phí từ Trung ương, tạo được lòng tin của người dân... Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giai đoạn 1, dự án đã di dời tái định cư cho hơn 700 hộ dân tại khu tái định cư Hương Sơ (TP.Huế). Riêng với các hộ nghèo không có điều kiện xây dựng nhà ở, chúng tôi đã kêu gọi, vận động các “nhà hảo tâm yêu Huế” chung tay xây dựng và đến nay có gần 30 hộ nghèo đã được bàn giao nhà ở khang trang tại khu tái định cư.
Tuần nào tôi cũng đi kiểm tra, gặp gỡ, đối thoại với dân. Tôi đã cùng bà con ra xem nơi ở mới, người dân rất phấn khởi. Đêm giao thừa, tôi đến ăn bữa cơm với bà con Thượng thành. Tôi hứa: "Sẽ không có người dân nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc di dân lịch sử này; Chính quyền sẽ cố gắng hết sức để bà con được đến một nơi ở mới khang trang, tiện nghi và xanh - sạch - sáng hơn nơi ở cũ".
Qua cuộc trò chuyện gần gũi đó, nhiều cụ ông, cụ bà đã nói với tôi rằng: “Vì sao ông Thọ lo cho người dân di dân đến vậy mà bản thân họ lại không có đóng góp gì. Người dân nhận thấy việc di dời là trách nhiệm chung, trong đó chính bản thân họ cũng phải có trách nhiệm đóng góp. Bây giờ dự án di dân Kinh thành Huế đã đi được nửa chặng đường và chắc chắn sẽ tiếp tục, vì mọi quy trình thủ tục đã hình thành, chỉ có thời gian và thực hiện nữa thôi.
"Cùng với cuộc di dân lịch sử, tôi đã trực tiếp đăng ký làm việc với Quân khu 4, với nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng Ngô Xuân Lịch để đề nghị di dời cơ sở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh để trả lại cho di tích Mang Cá lớn và Mang Cá nhỏ. Tôi nhớ, trong cuộc làm việc đại tướng Ngô Xuân Lịch, nói: "người dân đã trả lại đất cho di tích lịch sử được thì không lý gì quân đội không di chuyển để trả lại sự nguyên vẹn Kinh thành Huế". Đến nay, Chính phủ cũng đã đồng ý sẽ di chuyển toàn bộ cơ sở quân sự đến địa điểm mới để trả lại đất cho Di tích cố đô Huế. Nếu cuộc di dân là lịch sử thì cuộc di dời Bộ chỉ huy quân sự tỉnh là lịch sử của lịch sử" - Ông Phan Ngọc Thọ, cho biết thêm.
PV: Kinh nghiệm gì mà ông rút ra được trong thời gian 3 năm làm chủ tịch nhưng để lại rất nhiều dấu ấn?
Ông Phan Ngọc Thọ: “Kinh nghiệm cho thấy, tư duy phát triển của lãnh đạo cần xác định đúng tầm nhìn và chiến lược phát triển. Từ đó đề ra chính sách, chương trình dài hạn. Còn nếu chỉ làm từng việc thì nhiệm kỳ sau có thể người ta không làm nữa. 3 năm làm chủ tịch, việc quan trọng nhất đó là tạo đà để Huế có thể tiếp tục phát triển. Có 3 nơi mà tôi đã quyết tâm và làm được, đó là trả lại không gian đồi Vọng Cảnh, cồn Dã Viên và khu vực Thiên An - Hồ Thủy Tiên sẽ trở thành không gian cho cộng đồng, ở đây chỉ định hướng xây dựng công viên. Cùng với đó là những đề án đã được phê duyệt như giải tỏa, chỉnh trang khu vực Ngự Bình, chỉnh trang 2 bờ sông Phổ Lợi (từ Phú Thượng xuống Thuận An)… Tất cả đều đã phê duyệt, chỉ còn thời gian thuận lợi để bắt tay làm nữa mà thôi.
Có những chuyện rất khó, ai cũng thấy mà không ai dám làm, ví dụ như di dời hiện vật chiến tranh khỏi di tích Quốc tử giám triều Nguyễn. Tôi đã quyết tâm làm và phải làm cho bằng được, tôi chịu trách nhiệm, tôi đã họp và kết luận trong thời gian 15 ngày phải di dời xong. Nhưng khi bắt tay vào làm, mới 8 ngày đã di dời xong. Phải quyết tâm như thế anh em mới vững tin, ra sức làm và làm được, bây giờ di tích Quốc tử giám đã được trả lại nguyên trạng để có thể bảo tồn phát huy giá trị di sản.
PV: Trước khi rời “ghế” chủ tịch, còn điều gì ông thấy tiếc nuối vì chưa làm được?
Ông Phan Ngọc Thọ: Những việc mà tôi đã làm chỉ là khởi đầu. Tôi mong muốn sẽ mở cửa trụ sở UBND tỉnh cho người dân vào xem nơi làm việc của chính quyền vào dịp cuối tuần. Người dân phải có quyền biết được chủ tịch cùng bộ máy chính quyền làm việc như thế nào, quy trình làm việc ra làm sao…Còn rất nhiều câu chuyện mà Huế cần phải tiếp tục…
PV: Còn “Giấc mơ Huế” thì sao?
Ông Phan Ngọc Thọ: “Giấc mơ Huế” được tôi nhắc đến đầu tiên trong bức thư gửi thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh trong toàn tỉnh nhân ngày khai giảng năm học mới 2019-2020.
Bức thư đó từ trăn trở, Huế phải giữ lại nét cổ kính, phải tìm lại được vị thế của mình là xứ sở Cố đô. Huế đã từng sang trọng trong dĩ vãng, Huế phải giàu có trong hiện tại. Làm sao người dân Huế ít thất nghiệp nhất, làm sao để con em Huế có nhiều việc làm nhất, làm sao thu nhập bình quân đầu người của Huế phải cao hơn? Vì vậy Huế phải phát triển nhanh trên nền tảng của kinh tế tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa. Huế phải thay đổi từng ngày, bắt kịp với đà phát triển của khoa học công nghệ…
Huế bây giờ được biết đến là một "Kinh đô áo dài", là "Kinh đô ẩm thực"; là "Thành phố 4 mùa hoa", “Mai vàng trước ngõ”; đặc biệt vừa qua Huế là địa phương đầu tiên trên cả nước khôi phục và đưa môn Kỹ năng gia chánh vào giảng dạy thí điểm trong nhà trường; ra mắt "Tủ sách Huế" - nơi hội tụ giá trị tri thức Huế qua các thời kỳ, kho tàng vô giá của muôn đời viết về Huế, nghiên cứu Huế qua các thể loại ấn phẩm để lưu giữ giá trị văn hóa Huế.
Con người Huế thanh lịch; học sinh ở Huế hiếu học và có khát khao cống hiến cho quê hương; Huế là một địa phương có chính quyền thân thiện, phục vụ, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu; đến Huế mọi người cảm giác được bình an, thân thiện, hội nhập với dịch vụ đô thị thông minh tiện ích, thuận lợi cho người dân qua chuyển đổi số mạnh mẽ và hệ thống Hue-S từng bước hình thành nền tảng một mạng xã hội của Thừa Thiên - Huế.
Một luồng sinh khí mới đã đến với Huế trong đổi mới tư duy phát triển, trong huy động nguồn lực, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy tinh thần cống hiến đã làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân. Thừa Thiên - Huế định hướng phát triển nhanh trên nền tảng tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, lấy văn hóa du lịch là kinh tế mũi nhọn, y tế là ngành kinh tế quan trọng, giáo dục đào tạo làm nền tảng, CNTT là đột phá. Huế vẫn kiên định không tăng trưởng bằng mọi giá mà phải tăng trưởng xanh, phát triển trong sự tiếp nối giữa bảo tồn và phát triển, truyền thống và hiện đại, nông thôn và thành thị, trầm lắng của Cố đô với sôi động của đổi mới sáng tạo. Huế đã từng sang trọng trong quá khứ và phải giàu có trong hiện tại và tương lai. Giấc mơ Huế, không có gì xa vời, đó là xây dựng một xứ sở hạnh phúc, ở đó cuộc sống của người dân sung túc, xã hội bình yên và chính quyền thân thiện… một xứ Huế yên bình, không xô bồ nhưng luôn đổi mới để có một mức sống cao.
Giấc mơ Huế là của của mọi người dân xứ Huế và cũng là kết tinh của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh đã gầy dựng, tôi chỉ là người tiếp nối và đúc kết lại. Giấc mơ Huế là giấc mơ của những người lao động bình thường nhất, những người lao động phổ thông, là những học sinh, những cụ già, những em bé... không phân biệt lứa tuổi, tôn giáo, tất cả mọi người đều tạo ra một giấc mơ Huế, giá trị Huế.
PV: Ông nghĩ gì về thế hệ lãnh đạo kế cận?
Ông Phan Ngọc Thọ: "Công tác cán bộ của Thừa Thiên - Huế đã được chuẩn bị chu đáo, công phu, đội ngũ kế cận sau này sẽ là những đồng chí có đủ độ tuổi, trẻ trung, có đủ năng lực, có đủ phẩm chất để kế thừa những công việc mà các nhiệm kỳ vừa qua đã triển khai. Cũng như tôi đã kế thừa, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, kết quả của các nhiệm kỳ trước cũng như các thế hệ tiền bối, với hoài bão xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trực thuộc trung ương, hướng tới làm cho người dân có cuộc sống ấm no, chính quyền thân thiện, xã hội bình yên", ông Phan Ngọc Thọ tin tưởng.