'Ông Phan Văn Khải lọc cọc đạp xe cả tháng chở tôi qua bom đạn'

18/03/2018 12:00 GMT+7

Giữa lúc B.52 tàn phá Hà Nội năm 1972, ròng rã cả tháng trời, cố thủ tướng Phan Văn Khải vẫn lọc cọc đạp xe đưa người bạn của mình đi chữa bệnh.

Trong suốt 70 năm hoạt động cách mạng, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp xây dựng Đảng và Nhà nước. Đằng sau vai trò của một chính khách, trong ký ức của bà Đặng Thị Hạnh (83 tuổi), một người bạn của gia đình ông Phan Văn Khải, ông còn là một người luôn hết lòng vì bạn bè. 
Đạp xe đưa bạn đi chữa bệnh dưới bom B.52
Cuối năm 1972, Hà Nội đổ nát trong những ngày trận chiến "Điện Biên Phủ trên không" diễn ra ác liệt. Khi ấy, bà Đặng Thị Hạnh sinh con gái út.
Chiến sự quá khốc liệt, bà cùng cô con gái mới sinh phải di tản nhiều nơi. Điều kiện sinh hoạt kém cùng thể trạng yếu, bà mắc bệnh thấp khớp nặng. Bom đạn liên miên nhưng bệnh nặng nên không thể bế con gái xuống hầm được. Chồng bà Hạnh lúc bấy giờ là bộ đội ở xa, ít có điều kiện về thăm gia đình.
Bà nhớ lại: “Nếu không may mà địch có thả bom xuống thì cũng chịu vì chân đau không thể đi nổi”.
Một lần, cố Thủ thướng Phan Văn Khải tình cờ tới chơi. Thấy hai mẹ con bà Hạnh nằm lăn lóc trên giường tại khu tập thể Kim Liên, ông liền về bàn với vợ đưa hai mẹ con bà Hạnh về chăm sóc.
Lúc bấy giờ, ông Phan Văn Khải được phân cho một nơi ở trong khu tập thể thuộc Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tại số 4 Thuỵ Khê (Hà Nội). Bà Hạnh chia sẻ: “Dù căn nhà nhỏ cả gia đình ông Khải chỉ có 2 phòng nhưng hai vợ chồng ông ấy sẵn sàng nhường cho mẹ con tôi một phòng, chăm sóc tôi suốt cả tháng trời.”.
Bà Đặng Thị Hạnh là bạn của cố Thủ tướng Phan Văn Khải từ năm 1953 Ảnh:Huy Việt
Bà Hạnh kể, bấy giờ điều kiện kinh tế ai cũng khó khăn, nhưng ông Khải và vợ sẵn sàng đưa tay giúp đỡ hai mẹ con bà về cả vật chất lẫn tinh thần.
Vào những ngày máy bay Mỹ dội bom thành phố Hà Nội, cố Thủ tướng Phan Văn Khải dìu bà Hạnh xuống hầm cá nhân, còn bà Sáu (vợ ông Khải) bế cô con gái út của bà Hạnh xuống hầm trú bom tập thể.
Để chữa bệnh thấp khớp cho bà Hạnh, cố thủ tướng Phan Văn Khải đạp xe ròng rã suốt một tháng trời chở bà Hạnh từ Thụy Khê ra bệnh viện đa khoa Xanh Pôn để chữa trị. Mặc dù tình thế chiến sự căng thẳng, cố Thủ tướng vẫn ngày ngày chở bà Hạnh đi, đợi bà Hạnh khám xong mới đưa bà về. Với bà Hạnh, đó là câu chuyện về tình bạn vô cùng quý giá.
Bà Hạnh chia sẻ những tấm hình kỷ niệm với cố Thủ tướng Ảnh: Huy Việt
Trăn trở tìm lại người đồng đội cũ bị mất liên lạc
Khi được được hỏi về đức tính quý giá nhất của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, bà Hạnh trả lời: “Tuy là là một cán bộ cấp cao những ông vẫn luôn quan tâm đến bạn bè, thân tình với những người bạn từ thời còn trẻ còn khó khăn với nhau”.
Bà Hạnh chia sẻ thêm rằng, cố Thủ tướng Phan Văn Khải sau khi về hưu còn đi tìm những người bạn từng hoạt động cùng Văn phòng Tỉnh ủy Gia Định (giai đoạn 1952 - 1954) “để nếu có khó khăn mà giúp đỡ được thì ông ấy sẽ giúp đỡ”.
Trong số những người bạn ấy có một người đàn ông tên Ngộ, quê cùng H.Củ Chi với cố Thủ tướng Phan Văn Khải, do được bố trí ở lại hoạt động trong lòng địch nhưng vì bị địch o ép nên không thể hoạt động được. Sau khi giải phóng, ông Ngộ không nhận được trợ cấp nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Theo lời kể của bà Hạnh, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã trăn trở nhiều năm liền vì đi tìm ông Ngộ.
Mấy năm sau khi tìm được người bạn, ông đã chia sẻ với bà rằng rằng: “Trời ơi, cái thằng Ngộ mình cất công đi tìm quá trời luôn”. Hiện tại ông Ngộ đã hơn 80 tuổi và sống bằng nghề chăn nuôi bò sữa.
Có rất nhiều câu chuyện bình dị như thế về một vị chính khách lỗi lạc để lại cho hậu thế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.