Ông Phan Văn Mãi: 'Cần trả lời chính quyền có mấy cấp, có bỏ cấp huyện không?'

13/02/2025 14:01 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị có nghiên cứu tổng thể về mô hình chính quyền để trả lời chính quyền có 3 hay 4 cấp, có bỏ cấp huyện hay không?

Sáng 13.2, tiếp tục kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Nêu ý kiến tại tổ TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, đề nghị cần có nghiên cứu tổng thể toàn diện về mô hình chính quyền hiện nay.

Ông Phan Văn Mãi: 'Cần trả lời chính quyền có mấy cấp, có bỏ cấp huyện không?'- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HM Phan Văn Mãi

ẢNH: GIA HÂN

"Cần trả lời câu hỏi lớn là chính quyền có bao nhiêu cấp? Mỗi cấp chính quyền gồm có cơ quan nào? Từ đó mới trả lời chúng ta có ba hay bốn cấp, có bỏ cấp huyện hay không? Từng cấp như vậy có đầy đủ HĐND và UBND hay không? Hiện tại, chúng ta đang chưa rõ cái này", ông Mãi nói.

Theo ông Mãi, việc này cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đồng bộ, phù hợp với điều kiện hiện nay. Từ kết quả nghiên cứu này có thể đề xuất sửa đổi Hiến pháp và các luật liên quan.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cũng kiến nghị cần thể chế ngay chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm". Các cơ chế đưa ra làm sao để địa phương quyết đúng thẩm quyền, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra và chịu trách nhiệm trước quyết định.

Ông Mãi cho rằng, phải tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho HĐND, UBND, cho chủ tịch UBND là một trong các giải pháp để thể chế hóa chủ trương nói trên.

Ông đề nghị dự thảo luật phải sửa đổi để làm rõ thẩm quyền của HĐND, UBND. Ông cho hay, trước khi có sắp xếp, thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Nội vụ rà soát các quy định liên quan tới thẩm quyền chung và riêng của UBND và chủ tịch UBND. Kết quả cho thấy, có tới 70% quy định nằm ở thẩm quyền chung và 30% là thẩm quyền riêng.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị làm rõ quan hệ giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND và người đứng đầu các cơ quan này.

"Phân cấp, phân quyền càng rõ công việc càng hiệu quả", ông Mãi nói và nhấn mạnh đây chính là sự thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Theo Chủ tịch TP.HCM quy định hiện hành về thẩm quyền của HĐND là được quyết định nhiều chủ trương, kế hoạch, dự toán ngân sách... nhưng trên thực tế chỉ là "hợp thức hóa nhiệm vụ trên giao".

Ông dẫn chứng, năm 2025 TP.HCM được T.Ư giao thu ngân sách 509.000 tỉ đồng thu ngân sách, HĐND giao chỉ tiêu thu 520.000 tỉ đồng. Song, nếu TP.HCM thu được 550.000 tỉ đồng, tức vượt 30.000 tỉ đồng, sẽ phải làm quy trình rất mất công để sử dụng khoản vượt thu này. Thực tế năm 2022, thành phố thu vượt 100.000 tỉ đồng nhưng đến năm 2024 mới được phân chia khoản thu vượt này.

Ông Phan Văn Mãi: 'Cần trả lời chính quyền có mấy cấp, có bỏ cấp huyện không?'- Ảnh 2.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

ẢNH: GIA HÂN

Ông Mãi cho rằng, khi phường, quận TP.HCM bỏ HĐND (từ 2021) thì có vượt thu cũng không còn được sử dụng để đầu tư lại cho hạ tầng, công trình công cộng, đường sá, cầu cống như trước. Điều này đã làm mất động lực của địa phương. Ông cho rằng, với các tỉnh, thành vượt thu so với dự toán như TP.HCM, Hà Nội thì cần có "cơ chế mạnh" để tạo động lực.

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương

Cùng quan điểm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy đề xuất phân định rõ thẩm quyền chung - riêng của tập thể UBND và từng thành viên UBND theo hướng tăng thẩm quyền, tăng trách nhiệm. Việc này, theo đại biểu, sẽ nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của lãnh đạo địa phương.

"Luật nên làm rõ cả UBND thì quyết định những việc gì; việc gì thì các chủ tịch, phó chủ tịch UBND tự mình quyết định", bà Thúy kiến nghị.

Bên cạnh đó, bà Trần Thị Diệu Thúy lưu ý rằng dự thảo luật này chưa cập nhật một số quy định mới của luật Đầu tư công (sửa đổi), tạo điều kiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương chủ động quyết định.

Phó chủ tịch thường trực TP.HCM Dương Ngọc Hải thì đề nghị điều chỉnh một số nội dung giữa dự thảo luật này với dự thảo luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) để đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt của phương châm phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương.

Với TP.HCM, ông Hải băn khoăn, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM được thành lập theo Nghị quyết 98, lần này không thấy đề cập trong dự thảo luật, thì tới đây có tồn tại sở này không? "Mặc dù Nghị quyết 98 có nói nếu có quy định khác ở thời điểm ban hành nghị quyết thì thực hiện theo nghị quyết, nhưng luật này ban hành sau, vậy áp dụng pháp luật thế nào", ông Hải nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.