Triển khai dự án điện mặt trời tổng kinh phí 650 tỉ đồng
Tại chương trình, TS Nguyễn Thị Minh Sáu, giảng viên Trường đại học Công nghệ TP.HCM đặt câu hỏi từ khi Sở An toàn thực phẩm TP.HCM chính thức vận hành đã có những hoạt động nào để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân TP.HCM.
Tiếp đó, TS Sáu cho biết, Nghị quyết 98 cho phép các đơn vị hành chính sự nghiệp công tại TP.HCM được phép lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà giúp tăng thêm nguồn điện tại chỗ, góp phần ổn định hệ thống điện và bảo đảm an ninh nguồn điện sinh hoạt cho TP.HCM. Vậy tiến độ thực hiện lắp đặt hệ thống điện này đã đến đâu?
Trả lời câu hỏi cử tri, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, hiện tại sở vẫn tiếp tục các chương trình hành động để bảo đảm an toàn thực phẩm bằng 3 biện pháp: xây thực phẩm sạch - chống thực phẩm bẩn - tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng.
"Chúng tôi đang xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn với 31 giấy chứng nhận cho các cơ sở và con số này đang tăng lên. Đồng thời, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM phối hợp Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường học sử dụng nguồn cung sản phẩm an toàn này. Từ tháng 1.2024 đến nay, các đội quản lý an toàn thực phẩm đã kiểm tra 1.503 cơ sở và thấy được tình hình tuân thủ an toàn thực phẩm vẫn giữ vững", bà Lan cho biết.
Theo bà Lan, tại TP.HCM từ đầu năm đến nay diễn ra rất nhiều lễ hội và đều an toàn về mặt an toàn thực phẩm. Về cải cách hành chính, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đứng thứ 2 toàn thành phố về chỉ số cải cách hành chính và mức độ hài lòng của người dân.
Trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm với việc thực hiện Nghị quyết 98, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực để tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng, giữ an toàn nguồn thực phẩm cho người dân TP.HCM.
Về vấn đề lắp đặt điện mặt trời tại các trụ sở cơ quan nhà nước, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết đã làm theo chỉ đạo của thường trực Thành ủy TP.HCM và đang trình lại UBND TP.HCM xem xét thông qua đề án này.
Nếu được thông qua, Sở Công thương TP.HCM phối hợp với các cơ quan liên quan cùng ngành điện để tiến hành lắp đặt. Dự kiến quy mô triển khai dự án lắp đặt ở 440 trụ sở công với công suất 43 MW. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 650 tỉ đồng cho giai đoạn 1.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài phấn đấu hoàn thành năm 2027
Tại chương trình, cử tri có câu hỏi về tiến độ thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía nam, mở ra cửa ngõ thông thương với khu vực Đông Nam Á.
Quốc lộ 22 đi qua H.Hóc Môn, H.Củ Chi (TP.HCM) là tuyến đường huyết mạch, là điểm trung chuyển quan trọng kết nối giữa vùng Đông Nam bộ - TP.HCM - Mộc Bài - Campuchia và tiểu vùng sông Mê Kông, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, đã quá chật hẹp so với nhu cầu giao thông hiện tại. Hầu như ngày nào đoạn từ ngã tư bến xe An Sương đến cầu An Hạ đều ùn ứ vào giờ cao điểm. Vì vậy, việc đẩy nhanh thực hiện tuyến đường cao tốc này là vô cùng cấp thiết.
HĐND TP.HCM cũng đã thông qua cơ cấu nguồn vốn để đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo phương thức đối tác công tư. Đây là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM và tỉnh Tây Ninh.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có tổng chiều dài 51 km, đoạn qua TP.HCM dài 25 km. Đây là dự án do Thủ tướng phê duyệt đầu tư xây dựng theo chuẩn cao tốc 4 làn xe và các đường gom dân sinh. Khi được thông xe, tuyến cao tốc hứa hẹn sẽ chia bớt lưu lượng giao thông đang quá tải trên quốc lộ 22 và tăng kết nối với dự án Vành đai 3, Vành đai 4, tiến xa kết nối vùng Đông Nam Á.
"Một năm qua, TP.HCM được giao chuẩn bị hồ sơ dự án trình Thủ tướng phê duyệt, hiện hồ sơ đang đến thường trực Chính phủ để được phê duyệt chủ trương đầu tư. Tại hội nghị hội đồng vùng Đông Nam bộ ngày 5.5 vừa qua ở Tây Ninh, Thủ tướng có chỉ đạo là sẽ phê duyệt dự án này trước ngày 15.5, tức là trong vòng tuần sau. TP.HCM sẽ khẩn trương hoàn thiện và phê duyệt dự án cụ thể trước cuối tháng 9 và sau đó tiến hành các công việc như giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư… để làm sao có thể khởi công trước ngày 30.4.2025, phấn đấu hoàn thành năm 2027", ông Mãi nói.
Nghị quyết 98 được thực hiện đi vào cuộc sống sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển của TP.HCM. Ông Phan Văn Mãi cho biết trong 10 tháng thực hiện nghị quyết, dù còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do đây là chính sách mới, quy định còn chồng chéo nhưng bước đầu đã có kết quả khá tốt.
"Tôi đánh giá khối lượng công việc đã làm, kết quả thu được từ triển khai Nghị quyết 98 có thể lớn hơn kỳ thực hiện Nghị quyết 54 trước đây. TP.HCM phải tiếp tục đeo bám với Chính phủ, với các bộ ngành Trung ương để sớm ban hành tất cả văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết này. Theo đó, hiện Chính phủ chưa ban hành 2 nghị định quan trọng về phân cấp, ủy quyền cho thành phố trong quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực và nghị định về cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái", ông Mãi thông tin.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, yếu tố rất quan trọng để đảm bảo được thành công và mang lại hiệu quả cao nhất trong thực hiện Nghị quyết 98 này là tổ chức bộ máy và đội ngũ thực hiện. Vì vậy, các đơn vị cần củng cố, phân công công việc cụ thể, theo dõi, giám sát, hướng dẫn giải quyết kịp thời những phát sinh và tiếp tục rà soát lại quy chế phối hợp.
"Đây là nhân tố quyết định cho thành công và chúng ta thực hiện được nhiều hay ít, được cao hay thấp, đó là do tổ chức bộ máy và đội ngũ của chúng ta", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Bình luận (0)