Ông Putin: Các nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế, tính đến lợi ích của nhau

15/11/2020 15:00 GMT+7

“Tôi đồng ý với ý tưởng chủ đạo được nêu ra trong Tuyên bố Hà Nội, đó là các nước cần hợp tác hài hòa để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ", Tổng thống Nga V. Putin phát biểu.

Theo tin từ Đại sứ quán Nga, tham dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) theo hình thức trực tuyến, diễn ra tối 14.11 (giờ Hà Nội), Tổng thống Nga Putin đã đánh giá EAS là một diễn đàn uy tín để thảo luận các vấn đề cấp bách có liên quan trực tiếp đến toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như là nơi cùng tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề quốc tế cấp bách.
Điều này đã được phản ánh trong "Tuyên bố Hà Nội", văn kiện chính sẽ được thông qua tại hội nghị.
“Tôi đồng ý với ý tưởng chủ đạo được nêu ra trong "Tuyên bố Hà Nội" - đó là các nước cần hợp tác hài hòa để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác trong hàng loạt các thách thức chính trị và kinh tế. Đồng thời, điều quan trọng là phải hành động trên các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, tính đến lợi ích của nhau và bảo đảm an ninh không bị chia cắt”, Tổng thống Nga nói.
Nga kiên định trong việc thiết lập một bầu không khí hợp tác mang tính xây dựng và tăng cường sự ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả trong lĩnh vực quân sự - chính trị, nơi các nguy cơ và mối đe dọa đã gia tăng đáng kể sau khi hiệp ước INF bị huỷ bỏ, theo ông Putin.

Các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 15 dưới sự chủ trì của Việt Nam

Ảnh Ngọc Thắng

Tổng thống Nga cũng cho biết, để ổn định tình hình và tránh một cuộc chạy đua vũ trang, Nga đã đơn phương cấm triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các khu vực khác, cho đến khi nào các đối tác Mỹ cũng kiềm chế những hành động tương tự. “Chúng tôi sẵn sàng cho các cuộc đối thoại nghiêm túc về vấn đề này với tất cả các quốc gia quan tâm”, ông Putin nói.

Châu Á - Thái Bình Dương có hơn 20 triệu bệnh nhân Covid-19

Ông Putin cũng nhấn mạnh sự quan trọng của hợp tác trong đối phó với thách thức lớn nhất mà khu vực và toàn thể loài người đang phải đối mặt hiện nay, đại dịch Covid-19.
“Tôi lưu ý rằng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hơn 20 triệu bệnh nhân Covid-19, tức là chiếm gần một nửa, chính xác là 43,7%, tổng số người nhiễm bệnh trên thế giới. Trong bối cảnh này, Nga đã đề xuất một dự thảo tuyên bố chung để các nhà lãnh đạo Cấp cao Đông Á thông qua trong việc đối phó với Covid-19 và tôi hy vọng dự thảo này sẽ được thông qua hôm nay”, ông Putin phát biểu, đồng thời cho biết Nga sẵn sàng hợp tích cực hơn nữa trong lĩnh vực dịch tễ.
Cũng theo ông Putin, Nga đã phát triển vắc xin coronavirus đầu tiên trên thế giới, Sputnik V, và hiện đang sử dụng vắc xin này tại Nga. Gần đây, nước này đã đăng ký thêm một loại vắc xin khác - EpiVacCorona và sắp có vắc xin thứ ba và “hàng chục quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm trong hợp tác để cung cấp và sản xuất chung các loại vắc xin này”. “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng công dân của tất cả các nước phải được tiêm chủng miễn phí”, Tổng thống Nga nói.
Theo ông Putin, do ảnh hưởng của Covid-19, thương mại của Nga với các quốc gia EAS đã giảm 12% trong 3 quý năm 2020; do đó, Nga kỳ vọng Tuyên bố về đảm bảo tăng trưởng ổn định của nền kinh tế khu vực (do Trung Quốc đề xuất), sẽ thúc đẩy việc mở rộng thương mại, đầu tư và trao đổi công nghệ giữa các quốc gia.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc vào việc chúng ta có thể đoàn kết chặt chẽ như thế nào khi đối mặt với những thách thức và đe dọa đang nổi lên, thể hiện ý chí chính trị hợp tác vì lợi ích chung và phát triển bền vững. Cách tiếp cận như vậy chắc chắn sẽ mang lại kết quả, và phía Nga sẵn sàng đóng góp vào công việc chung”, Tổng thống Nga khẳng định.
 
Lãnh đạo EAS kêu gọi không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các khác biệt trên biển
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với ASEAN ở vị trí trung tâm, lấy đối thoại, hợp tác làm phương châm, sau 15 năm, EAS là diễn đàn chiến lược hàng đầu khu vực, là nơi các nhà lãnh đạo trao đổi về các vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến hoà bình, an ninh và thịnh vượng.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, với 4,6 tỉ dân, tổng GDP hơn 51.600 tỉ USD, EAS đã tạo ra khuôn khổ phù hợp cho các nước chia sẻ các quan tâm chung, đối thoại về mọi vấn đề và hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, EAS cũng góp phần xây dựng cách tiếp cận chung về các vấn đề đang nổi lên, đó là thượng tôn pháp luật, đối thoại chân thành, hợp tác thực chất vì hòa bình và ổn định lâu dài, thịnh vượng bền vững trong khu vực.
Tại hội nghị này, lãnh đạo các nước dành nhiều thời gian trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế. Các nước nhấn mạnh nhu cầu bảo đảm môi trường thuận lợi để kiểm soát dịch bệnh. Do đó, các nước nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, đồng thời kêu gọi kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp tình hình, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các khác biệt, mâu thuẫn trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông đề cập trong các Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN 36 (tháng 6.2020) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53 ( tháng 9.2020). Thủ tướng nhấn mạnh mọi hành vi trên biển của các quốc gia cần phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, khuôn khổ xác định các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển của các bên.
Kết thúc hội nghị, lãnh đạo các nước thông qua các văn kiện gồm Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập EAS, Tuyên bố của các lãnh đạo EAS về hợp tác biển bền vững; Tuyên bố của các lãnh đạo EAS về hợp tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực ổn định; Tuyên bố của các lãnh đạo EAS về tăng cường năng lực chung của khu vực ngăn ngừa và ứng phó dịch bệnh; và Tuyên bố của lãnh đạo EAS về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.