Ông quản thủ thư viện trên vỉa hè Đà Lạt

11/02/2024 18:33 GMT+7

Ký ức những người sống ở Đà Lạt từ thời bao cấp đến cuối thập niên 1990 vẫn còn in đậm hình bóng một ông cụ người Hoa, dáng gầy nhưng tinh anh và quắc thước, ngồi bán sách báo cũ vỉa hè bên cửa tiệm thuốc đông y Con Cua, trước chợ Đà Lạt.

Nhiều người biết ông là Huỳnh Quan Lâm, từng làm quản thủ thư viện Đà Lạt giai đoạn 1958 - 1966.

Một người Hoa ở Đà Lạt

Ông Lâm sinh năm 1924, người gốc Quảng Đông (Trung Quốc); theo gia đình di tản sang Chợ Lớn trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Hồng Kông, Quảng Châu. Ông được học và tốt nghiệp trung học tại trường Lĩnh Nam rồi làm nghề thuốc cao đan hoàn tán ở các nhà thuốc Đại Đức và Huỳnh Thạch Công. Có 2 năm ông Lâm sang Phnom Penh (Campuchia) lập đại lý phân phối thuốc cho cả hai nhà thuốc trên. Sau đó, ông trở về Việt Nam và quyết định lên Đà Lạt lập nghiệp vào đầu thập niên 1950.

Ông quản thủ thư viện trên vỉa hè Đà Lạt- Ảnh 1.

Ông Huỳnh Quan Lâm phục vụ độc giả mượn sách tại Thư viện thành phố Đà Lạt năm 1958

NVN khảo cứu từ TTLTQG 2, TP.HCM

Vợ ông, bà Dương Quế Chi, là con gái trong một gia đình quân phiệt ở Thượng Hải (Trung Quốc). Chiến tranh đã dẫn đến thảm cảnh suy vi, ly tán. Thuở thiếu thời, bà Chi đã được cha mẹ gửi cho một gia đình ở Quảng Đông. Ông bà gặp nhau ở Quảng Đông, quen biết và lớn lên cùng nhau trong cộng đồng Hoa kiều Chợ Lớn trước khi thành đôi trọn đời ở Đà Lạt.

Vào thời Hoàng triều cương thổ, để được lên lập nghiệp Đà Lạt, gia đình ông cùng nhiều Hoa kiều khác được nhà buôn Mạch Kiến Sanh (chủ hiệu Vĩnh Hòa, khu Hòa Bình) làm thủ tục bảo lãnh.

Ban đầu, vợ chồng ông Huỳnh Quan Lâm ở Trại Mát, làm buôn bán nhỏ, chừng một năm thì chuyển vào Đà Lạt thuê nhà ở số 4 Ngô Quyền, sau đó chuyển qua số 7 Phan Đình Phùng (nay là nhà từ đường họ Huỳnh). Chuyển vào trung tâm Đà Lạt sinh sống, vợ chồng trẻ vừa xin làm nhân công ở tiệm thuốc đông y Con Cua, vừa dạy chữ Hoa ở trường Trung Hoa (từ 1956 đổi tên thành trường Tân Sanh).

Ngoài giờ làm, ông dành thời gian đọc nhiều sách và bắt đầu có giao du với giới trí thức, nhân sĩ trong thành phố.

Cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960, dưới thời thị trưởng Trần Văn Phước, Đà Lạt nổi lên như một đô thị đặc khu tri thức và văn hóa. Cần phải kể đến sự kiện khánh thành Thư viện thành phố Đà Lạt ngày 15.8.1958.

Ông quản thủ thư viện trên vỉa hè Đà Lạt- Ảnh 2.

Ông Huỳnh Quan Lâm (phải) và ông Huỳnh Thạch Công tại Campuchia trong thời kỳ ông Lâm làm đại lý thuốc đông y ở Phnom Penh

Gia đình cung cấp

Được sự tiến cử từ Ty Thông tin, ông Huỳnh Quan Lâm trở thành người quản thủ thư viện thành phố ngay khi cơ quan này chính thức hoạt động. Từ một nhân viên nhà thuốc đông y, một thầy giáo tiếng Hoa, một thành viên trong hội đồng quản trị ngôi trường cấp một, ông tự mày mò tìm hiểu cách hệ thống, sắp xếp, biên mục sách vở đến nghiệp vụ phục vụ độc giả để làm tốt phần việc của một quản thủ.

Ông sống đời công chức làm việc 8 tiếng/ngày, trong kho sách lớn của thư viện thành phố. Vợ ông ở nhà lo nội trợ và dạy dỗ các con nhỏ để chồng chuyên tâm công việc. Thời kỳ này, các con ông không nhớ gì ngoài "bệnh nghề nghiệp" của cha: luôn nhắc nhở siêng năng đọc sách, và đọc tất cả những gì có thể, từ truyện tranh, truyện tiếng Trung của Kim Dung, Quỳnh Dao cho đến các sách Việt ngữ, Anh ngữ... Ông cũng khuyến khích con cái giải trí bằng cách nghe nhạc, nhất là nhạc Hò Quảng, Việt kịch... Khi nghe nhạc, ông giải thích cho bọn trẻ các điển tích để hiểu về nguồn gốc và lai lịch gia đình.

Công việc quản thủ thư viện của ông Lâm kéo dài gần 10 năm, từ khi thư viện Đà Lạt thành lập và trải qua các thời thị trưởng Trần Văn Phước, Trần Ngọc Huyến, Đinh Văn Đệ. Năm 1966, ông thôi việc. Hai năm sau, ông mở thư quán Quan Lâm, một hiệu sách nhỏ cho thuê truyện, bán sách báo tiếng Hoa và tiếng Việt (ở đường Phan Đình Phùng, gần trường Tân Sanh) để tự do trong niềm đam mê gắn bó với sách vở.

Khi mới mở thư quán Quan Lâm, ông phải xuống Chợ Lớn, Sài Gòn chọn nguồn sách; sau thì có sách mới, bạn hàng tự phân phối. Nhiều người Hoa ở Đà Lạt quen thuộc với thư quán Quan Lâm. Nhưng thư quán Quan Lâm chỉ tồn tại từ năm 1969 đến 1972 thì đóng cửa.

Sau đó, ông được ban trị sự trường Hiệp Đức (Ka Đô, Đơn Dương) mời về làm hiệu trưởng. Ông rời trường Hiệp Đức vào đầu năm 1975, khi tình hình chiến sự phức tạp.

Người năm cũ trên hè phố

Vợ chồng ông Huỳnh Quan Lâm có 7 người con. Sau ngày đất nước thống nhất, các con ông Lâm có người đã trưởng thành, người vẫn còn theo học trường phổ thông. Ngay trong cuộc chuyển đổi chính trị xã hội, ông Lâm được cộng đồng người Hoa đề bạt lên làm hiệu trưởng trường Tân Sanh. Ông chỉ ngồi ghế hiệu trưởng trong một học kỳ thì có người thay vì thay đổi chương trình giáo dục.

Ông quản thủ thư viện trên vỉa hè Đà Lạt- Ảnh 3.

Ông bà Huỳnh Quan Lâm sum họp cùng con cháu trong dịp tết năm 2000

Gia đình cung cấp

Vào khoảng những năm đầu thống nhất đất nước, có nhiều người Hoa giàu có ở TP.HCM lên Đà Lạt phối hợp làm tổ hợp khai thác đá (tổ hợp này trực thuộc Công ty Cầu đường, Sở Giao thông tỉnh Lâm Đồng). Ông Lâm lúc bấy giờ nhận nhiệm vụ là tổ trưởng của tổ hợp.

"Trong những chuyển đổi xã hội, đời sống, cha tôi là người tri túc, thiểu dục (biết đủ, không nhiều mong cầu), không đặt nặng sĩ diện. Việc gì ông cũng cố gắng làm tốt, chu đáo trách nhiệm và tìm được niềm vui", anh Huỳnh Diệu Vinh nói.

Khoảng năm 1985, khi mô hình tổ hợp kinh tế thuộc hợp tác xã đã xong vai trò lịch sử của nó, ông dọn ra một chiếu sách vỉa hè ngay cửa tiệm thuốc Con Cua, trước chợ Đà Lạt, bán sách báo cũ kiếm đồng ra đồng vào.

Hằng ngày, ông Lâm dọn ra vỉa hè khoảng 8 thùng sách (loại thùng thuốc lá lúc bấy giờ), sách mỏng thì treo, sách dày thì trải ra tấm bạt nilon.

Với nghiệp vụ của một quản thủ thư viện thành phố năm xưa, với kinh nghiệm 3 năm làm nhà sách cho thuê truyện, ông sắp xếp ngăn nắp gian hàng sách lề đường của mình: sách tiếng Anh, sách tiếng Pháp, sách tiếng Trung, sách nghiên cứu, văn học, giáo khoa, báo chí... một cách mạch lạc, ngay ngắn. Thời gian này, nhiều tủ sách gia đình trí thức ở Đà Lạt phải đẩy ra vỉa hè vì nhiều lý do, ông mua và phục chế rồi bán lại cho khách cần đọc, lưu trữ.

Sách trên vỉa hè cũng được ông nâng niu chăm chút như sách trong thư viện.

Hình ảnh mấy ông trí thức thời cũ của Đà Lạt ngồi bên tiệm sách vỉa hè trước chợ trung tâm, mời nhau ly rượu nhạt, bàn luận thế sự, chữ nghĩa... rồi lặng lẽ chìm vào sương khói trong những năm tháng đó làm nên một góc Đà Lạt đẹp và thanh tao nhưng đầy khắc khoải. Có thể thường gặp ở đó những nhân sĩ còn ở lại với thành phố này: học giả Nguyễn Bạt Tụy, nhà thơ Việt Trang - Phạm Gia Triếp, nhà giáo Phạm Thái, Phạm Phú Thành...

Gian hàng của ông Lâm ngoài sách ra thì vào trung thu còn có bán lồng đèn, Noel có bán thiệp và Tết thì bán lịch gia đình tự làm thủ công. Thỉnh thoảng ông còn viết câu đối tặng khách nên nhiều người Đà Lạt coi ông là "ông đồ già" của thành phố.

Ông Lâm bán sách cũ vỉa hè đến năm 2000 thì nghỉ vì tuổi cao sức yếu.

Ông mất năm 2008 trong thanh thản, khi các con đã trưởng thành, có công việc và cuộc sống ổn định tại Đà Lạt. Căn nhà số 7 Phan Đình Phùng mà vợ chồng ông thuê từ trước 1975, bây giờ là nhà từ đường để con cháu thường xuyên trở về sum họp, nhang đèn mỗi dịp lễ tết.

Trong hoàn cảnh nào người quản thủ thư viện nổi tiếng đọc rộng cũng vui vẻ thích nghi hoàn cảnh. Nhờ vậy, ông trôi qua một cuộc đời khá êm đềm sau nhiều dâu bể thời cuộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.