Giới quan sát đặc biệt chú ý chuyến thăm lần này của ông Tập bởi một số nước châu Âu thời gian qua lo ngại về "mối đe dọa" từ Trung Quốc, đồng thời trong nội bộ những nước này có sự khác biệt rõ ràng về cách giải quyết bất đồng với Bắc Kinh trong khía cạnh an ninh lẫn kinh tế. Trong khi đó, không thể phủ nhận thực tế một số nước khác có xu hướng sẵn sàng chào đón sự hợp tác với Bắc Kinh. Sau Pháp, ông Tập sẽ thăm Serbia và Hungary.
Thương mại là trọng tâm
Pháp là một trong những nước dẫn đầu Liên minh châu Âu (EU) nên chủ đề chính có thể được thảo luận tại Paris là căng thẳng thương mại gần đây giữa EU và Trung Quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những người thúc đẩy EU điều tra nhằm vào xe điện Trung Quốc hồi tháng 9.2023 về nghi vấn Bắc Kinh trợ cấp để mang lại lợi thế cho các hãng xe nội địa. "Chúng tôi tiếp tục thúc giục Trung Quốc cung cấp nhiều cam kết hơn về vấn đề thương mại", Reuters dẫn lời cố vấn Điện Elysee cho biết trước chuyến thăm của ông Tập.
Tại Pháp, ông Tập cũng sẽ có cuộc gặp 3 bên với Tổng thống Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ngoài xe điện, thiết bị y tế và tua bin gió của Trung Quốc cũng "vào tầm ngắm" điều tra của EU. Bắc Kinh khẳng định những cuộc điều tra thương mại của khối châu Âu mang động cơ chính trị, và người chịu thiệt duy nhất trong căng thẳng thuế quan chính là người tiêu dùng, theo The Guardian. Trung Quốc cũng đáp trả bằng cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu brandy từ châu Âu (chủ yếu là từ Pháp).
Pháp cũng sẽ tìm cơ hội kêu gọi Bắc Kinh tạo điều kiện cho nông sản Pháp được vào thị trường 1,4 tỉ dân, cũng như giải quyết quan ngại của các hãng mỹ phẩm Pháp về quyền sở hữu trí tuệ. Các vấn đề nóng quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, bao gồm tình hình Ukraine, cũng nằm trong chương trình nghị sự.
Theo CNN, giới quan sát cho rằng những vấn đề mâu thuẫn nhất giữa hai bên khó đạt đột phá, trừ khi có sự nhượng bộ bất ngờ.
"Chúng ta cần Trung Quốc"
Bất chấp lập trường cứng rắn của ông Macron về vấn đề thương mại, vị tổng thống này vẫn bảo vệ vai trò của châu Âu như một khu vực cân bằng, và muốn Bắc Kinh góp mặt trong những cuộc thảo luận toàn cầu. Trước khi ông Tập tới Paris, ông Macron thúc giục Pháp "cập nhật" quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhằm đảm bảo tốt hơn an ninh kinh tế.
"Tôi không đề xuất chúng ta xa rời Trung Quốc. Cho dù là vấn đề khí hậu hay an ninh, chúng ta cần Trung Quốc", Bloomberg dẫn lời ông Macron nói.
Một mặt, Pháp dẫn đầu cuộc điều tra về xe điện Trung Quốc, mặt khác ông Macron cởi mở với kế hoạch chào đón công ty Trung Quốc xây dựng nhà máy chế tạo xe điện ở Pháp. Bà Marie-Pierre Vedrenne, nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu và là đồng minh thân cận của ông Macron, nói: "Tổng thống Pháp không phải người ủng hộ Trung Quốc hay chống đối Mỹ. Ông ấy là người thân châu Âu và muốn tập trung vào lợi ích của châu Âu".
Thiện chí của Tổng thống Macron
Tổng thống Macron dự kiến mời Chủ tịch Tập Cận Bình thăm đỉnh Pic du Midi, thuộc dãy núi Pyrenees, nằm ở biên giới Pháp và Tây Ban Nha, nơi ông Macron thời trẻ thường đến chơi cùng bà mình. Điện Elysee coi đây như động thái "đáp lễ" khi trong chuyến thăm Trung Quốc năm ngoái, ông Tập đã mời ông Macron đến thưởng trà tại dinh thự dành cho tỉnh trưởng Quảng Đông, chức vụ mà cha ông Tập Cận Bình từng nắm giữ.
Theo báo South China Morning Post, nhà lãnh đạo Pháp kỳ vọng xây dựng được mối quan hệ cá nhân với ông Tập khi thảo luận tại Pyrenees, qua đó thuyết phục Bắc Kinh dừng vận chuyển các loại hàng hóa có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự cho Nga, điều mà phương Tây cáo buộc là gây leo thang căng thẳng tại Ukraine còn Bắc Kinh phủ nhận.
Bình luận (0)