Nhiều người quen vẫn gọi kỹ sư Phạm Tài (Giám đốc Công ty quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng) với nickname trìu mến: “ông tiết kiệm điện” bởi nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng của ông được triển khai rộng rãi đều hướng tới mục tiêu sử dụng điện hiệu quả.
“Không tiết kiệm ánh sáng mà tiết kiệm năng lượng”, đó là phương châm của đề tài “Nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt đèn chiếu sáng ngõ xóm áp dụng công nghệ Nano phát sáng” do kỹ sư Phạm Tài làm chủ nhiệm đề tài.
Kiên trì nghiên cứu sau 4 lần thử nghiệm bị thất bại, đến năm 2009, đề tài này đã được công bố thành công, và được Bộ Khoa học - Công nghệ và Liên hiệp Hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam trao giải sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2009 (VIFOTEC - 2009).
|
Chọn các con xóm nhỏ làm nơi bắt đầu nung nấu cho sáng kiến của mình, kỹ sư Tài bộc bạch: “Mục tiêu của chúng tôi là kết hợp giữa công nghệ Nano và công nghệ phát sáng nhằm tạo ra các sản phẩm đèn LED Nano có hiệu suất chiếu sáng cao, tiết kiệm điện năng tiêu thụ”.
Ưu điểm nổi bật được ghi nhận của việc sử dụng đèn Led Nano vào thắp sáng ngõ xóm chính là tính ổn định, không thay đổi cường độ sáng dù điện áp đầu vào của những khu vực này thường không ổn định.
|
Được biết, các linh kiện LED, công nghệ lắp đặt đều được thiết kế, sản xuất, lắp ráp đều “made in Viet Nam”. So với loại đèn do Đài Loan hay châu u sản xuất, đèn LED Nano giá thành rẻ hơn nhiều lần. Hơn nữa, tuổi thọ của loại đèn này cũng khá cao, đạt gần 50.000 giờ (cao hơn đèn Compact).
Thấy được hiệu quả thiết thực của đề tài nghiên cứu trên, TP Đà Nẵng đã cấp gần 1 tỉ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học để tiến hành lắp đặt 28 ngõ xóm (tính đến cuối năm 2012) tại 3 quận Hải Châu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn,với tổng cộng 140 bộ đèn LED.
Đèn Led để bàn made in Đà Nẵng
Sau thành công với đèn Led Nano chiếu sáng ngõ xóm, đầu 2011, sản phẩm đèn để bàn sử dụng công nghệ Led “made in Đà Nẵng” của anh đã ra đời.
Đây là sản phẩm đèn để bàn công nghệ Led lần đầu tiên được sản xuất tại miền Trung và Tây Nguyên. Lần này, tiêu chí đầu tiên được chú trọng là ngoài việc tiết kiệm điện, phải đảm bảo thị giác cho người sử dụng đèn.
Sản phẩm đèn Led để bàn này gồm 3 mắt Led có công suất tiêu thụ 4,5W, cho độ rọi 500 lux (với chuẩn ánh sáng trắng ấm) ở khoảng cách 30cm (tính từ mặt bàn). Lượng điện năng tiết kiệm được từ sản phẩm này đạt trên 50% so với các loại đèn cùng độ sáng. Tuổi thọ của loại đèn trên cũng gấp 20 lần so với bóng đèn dây tóc và gấp 5 lần so với đèn huỳnh quang.
Ngoài đam mê nghiên cứu đèn LED, kỹ sư Phạm Tài còn được nhiều người biết đến khi ông và các đồng nghiệp tại đơn vị đã sử dụng phương pháp Dimming (quang thông giảm dần) dùng chấn lưu hai mức công suất trong hệ thống đèn chiếu sáng công cộng. Theo đó: Giờ cao điểm từ 18h đến 23h đèn đỏ 100% công suất, từ 23h đến 5h sáng hôm sau, công suất tự động giảm 30 đến 35%. Phương pháp này được lắp đặt thí điểm trên các đường phố Đà Nẵng. Đây là giải pháp được chọn thí điểm cho cả nước, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia tiết kiệm năng lượng. (Vũ Phương Thảo)
THÔNG TIN DỊCH VỤ
Bình luận (0)