Chiều 25.4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu Quốc hội (đơn vị bầu cử số 10) đã tiếp xúc cử tri H.Sóc Sơn (Hà Nội) trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, ông Vũ Tuấn Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn (H.Sóc Sơn), nêu một số ý kiến về công tác khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của nhân dân trên địa bàn.
Theo ông Dũng, thuộc diện bệnh viện tuyến tỉnh, đơn vị chỉ thông tuyến nội trú; việc khám, chữa bệnh thì bắt buộc phải có giấy giới thiệu của tuyến y tế cơ sở. Điều này thực hiện theo luật BHYT và các thông tư hướng dẫn khám, chữa bệnh bằng BHYT. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số tình huống.
Đó là người dân sinh sống ở xung quanh địa bàn Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, khi muốn khám bệnh ngoại trú thì phải quay về trạm xá hoặc phòng khám đa khoa ở nơi xa hơn để xin giấy chuyển đến bệnh viện. Điều này gây khó khăn trong việc đi lại của người dân.
Ngoài ra, trên địa bàn chỉ có một bệnh viện đa khoa. Người dân thì nghĩ cứ là công dân H.Sóc Sơn khi đến bệnh viện khám sẽ được hưởng các chế độ thẻ BHYT. "Khi chúng tôi căn cứ thông tin trên thẻ BHYT đăng ký, giải thích phải quay về xin giấy giới thiệu hoặc đóng phí 100% để được khám, chữa bệnh thì người dân bức xúc; cho rằng khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT thì bị bệnh viện gây khó khăn, rồi quay ra nói những câu rất khó nghe", ông Dũng nói và kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm xem xét điều chỉnh để người dân H.Sóc Sơn được khám, chữa bệnh tại bệnh viện đúng theo mức hưởng bảo hiểm của mình.
Thay mặt các đại biểu phát biểu tại hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh cho rằng, vấn đề BHYT cần có sự chia sẻ để nhìn nhận toàn diện hơn. "Thật ra, không phải Nhà nước không muốn nhưng vì liên quan phân bổ dân cư, liên quan đến quản trị xã hội", ông Thanh nói.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ví dụ, đối với trường học công lập, có trường chất lượng tốt, có trường chất lượng chưa tốt. Nếu không phân bổ theo tuyến thì với quyền được đi học, cha mẹ đều cho con đến học trường tốt, thậm chí ở Cà Mau ra Hà Nội học cũng được.
Việc khám, chữa bệnh cũng vậy, cũng liên quan đến phân bổ dân cư. "Cần nhìn bản chất vấn đề để chia sẻ chính sách chứ không phải Nhà nước cấm", ông Thanh nói.
Chia sẻ thêm với cử tri về các vấn đề khác, ông Thanh cho biết, thời gian vừa qua, Hà Nội thực hiện một số việc "có thể đúng, có thể chưa".
Trong lĩnh vực giáo dục, đơn cử như câu chuyện xin giấy xác nhận cư trú khi chuyển cấp học, theo ông Thanh, khi không có giấy xác nhận cư trú thì không hiểu sẽ quản lý thế nào. "Đông quá, bốc thăm cũng bị dân mắng, cũng tội. Bảo đi xác định cho phù hợp với tuyến, với chỗ ở thì dân cũng kêu, cũng tội. Nếu chúng ta không hiểu thấu đáo vấn đề, chia sẻ với nhau thì rất là khó", ông Thanh nói và cho biết, khi đó người dân lại sẽ nghĩ chính quyền đang gây khó khăn.
Bình luận (0)