Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10.1 nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo quy định. Ước tính với giá giao dịch trong phiên này, ông Quyết đã thu về hơn 1.795 tỉ đồng. Trong khi đó nếu để sang phiên 11.1 với giá sàn 19.700 đồng/cổ phiếu, vị Chủ tịch của FLC chỉ thu được hơn 1.473 tỉ đồng. Như vậy việc bán "chui" cổ phiếu này đã giúp ông Trịnh Văn Quyết nhanh tay bỏ túi mức chênh lệch hơn 322 tỉ đồng. Hiện hoạt động bán này đã bị hủy và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý vi phạm của ông Quyết.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" cổ phiếu. Mặc dù là người lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn FLC nhưng năm 2017, ông Quyết cũng đã bán "chui" 57 triệu cổ phiếu nhưng không công bố trước theo quy định. Khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Quyết 65 triệu đồng vì vi phạm này. Đồng thời khi đó, Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS - do ông Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch HĐQT) cũng bị phạt số tiền 130 triệu đồng vì hành vi dự kiến bán hơn 13,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản AMD Group (AMD) nhưng không báo cáo. Mức phạt hành chính này là quá ít so với số lãi thu được.
Hiện nay, Nghị định 156 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, quy định cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính tối đa 1,5 tỉ đồng, đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 1 tháng đến 12 tháng. Cá nhân vi phạm cũng phải nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc khoản thu trái luật có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm - Công ty Luật Nghiêm & Chính - nhận định hành vi của Chủ tịch Tập đoàn FLC đã gây ra thiệt hại lớn cho các cổ đông. Do đó các nhà đầu tư có thể khởi kiện đối với cá nhân ông Trịnh Văn Quyết. Có thể việc chứng minh thiệt hại không dễ nhưng cũng sẽ được. Đặc biệt, hành vi này của ông Quyết là tái phạm nên không thể coi là vi phạm thủ tục hành chính đơn thuần được. Do đó nếu chỉ áp dụng quy định về xử phạt hành chính dù là mức tối đa 1,5 tỉ đồng với việc vi phạm quy định công bố thông tin thì cũng không đủ sức răn đe và ngăn ngừa những vi phạm tiếp theo của ông Trịnh Văn Quyết hay nhiều cá nhân khác. Thậm chí, việc bán cổ phiếu "chui" của Chủ tịch FLC có tác động sâu rộng, để lại hậu quả nghiêm trọng hơn so với thực tế vì làm mất niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
"Tôi đồng ý với nhận định của một số chuyên gia tài chính rằng hành vi này có thể xem xét tính chất là lũng đoạn thị trường chứng khoán, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư lẫn thị trường tài chính. Vì vậy có thể xem xét truy tố về tội hình sự. Nhưng luật liên quan chưa quy định rõ nên có thể xem đây là vụ việc điển hình để cơ quan quản lý nhà nước thực thi vai trò giám sát hoặc kiến nghị điều chỉnh luật để xử lý triệt để vấn đề này, mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán", luật sư Bùi Quang Nghiêm nói.
Theo một số chuyên gia chứng khoán, hành vi bán "chui" cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết cũng có thể được xem là một trong những giao dịch nội gián do bản thân ông là người đứng đầu doanh nghiệp, đã biết trước thông tin và thực hiện bán cổ phiếu trước cổ đông.
Theo luật Chứng khoán và các hoạt động phái sinh Singapore (SFA), người vi phạm giao dịch nội gián có thể bị phạt số tiền gấp 3 lợi nhuận. Nếu người vi phạm không kiếm được lợi nhuận hoặc bị tổn thất từ hoạt động giao dịch trên có thể bị phạt tiền từ 50.000 đô la Singapore đến 2 triệu đô la Singapore. Ngoài ra, một cá nhân cũng có thể bị phạt tới 250.000 đô la Singapore hoặc bị phạt tù đến 7 năm hoặc cả hai.
Còn theo quy định của Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC), người bị kết tội là giao dịch nội gián có thể bị phạt tối đa là 5 triệu USD hoặc lên đến 20 năm tù.
Bình luận (0)