Ngày 15.5, TAND TP.Hà Nội mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử 21 bị cáo về tội các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.
Từ phi vụ lừa đảo 20 tỉ đồng...
Theo cáo trạng, cuối tháng 8.2022, chị NTL (39 tuổi, trú tại Hà Nội) theo dõi nhóm Facebook "Tuyển dụng kế toán", thấy một tài khoản đăng tin tuyển dụng nhân viên kế toán online làm công việc nhập số liệu, nên nhắn tin liên hệ.
Người phụ nữ cung cấp thông tin cá nhân (tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại) rồi được một người tự xưng là nhân viên tuyển dụng của Công ty Pharmacity, hướng dẫn truy cập vào website chỉ định, dùng số điện thoại của chị L. để đăng ký tài khoản.
Sau khi đăng ký, chị L. được cấp mã số để làm nhiệm vụ. Công việc chính là nhập số liệu những đơn hàng bị thiếu hoặc nhập sai số tiền của đơn hàng mà công ty cần sửa. Mỗi ngày, cộng tác viên sẽ nhận được từ 3 - 10 đơn hàng theo các khung giờ cố định. Trước khi thực hiện nhiệm vụ, đối tượng yêu cầu chị L. nạp tiền trên website.
Chỉ trong vòng 6 ngày, từ ngày 25.8 - 30.8.2022, chị L. đã sử dụng 2 tài khoản ngân hàng để 24 lần chuyển tiền đến 15 tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp, với tổng cộng gần 20 tỉ đồng. Lần chuyển ít nhất 10 triệu đồng, nhiều nhất đến hơn 4 tỉ đồng.
Dốc cả gia tài với hy vọng kiếm thêm thu nhập, nhưng tiền "một đi không trở lại", người phụ nữ mới biết mình bị lừa nên đến Công an TP.Hà Nội trình báo.
Vào cuộc điều tra, công an phát hiện đứng sau các tài khoản ngân hàng mà chị L. chuyển tiền là một tổ chức chuyên rửa tiền cho các đường dây tội phạm xuyên quốc gia, mang tên Jinbian.
Công ty này đặt trụ sở tại thủ đô Phnompenh, Campuchia, chia làm nhiều bộ phận, trong đó có bộ phận 777pay chuyên rửa tiền tại thị trường Việt Nam do Tan Zhi Bao (38 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) làm quản lý.
Đến đường dây rửa tiền xuyên quốc gia
Hồ sơ vụ án cho thấy, để “rửa” số tiền gần 20 tỉ đồng đã chiếm đoạt của chị L., bộ phận 777pay thông qua các công ty trung gian. Trong đó, bộ phận 777pay chuyển hơn 8,2 tỉ đồng đến tài khoản của Công ty TNHH sản xuất gia công thương mại dịch vụ Minh Phúc (gọi tắt là Công ty Minh Phúc, trụ sở ở TP.HCM) quản lý. Công ty này do Phan Văn Minh (46 tuổi) làm giám đốc.
Từ năm 2009, bị cáo Minh làm nghề buôn bán tiền ngoại tệ, giao dịch tự do, mua bán cho khách lẻ và không đăng ký công ty. Đến năm 2016, bị cáo thành lập Công ty Minh Phúc, hoạt động trong lĩnh vực gia công, chế tác vàng bạc đá quý, dịch vụ cầm đồ.
Năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu đổi ngoại tệ giảm, bị cáo bắt đầu hoạt động rửa tiền cho các khách hàng thông qua hình thức mua bán đồng tiền điện tử USDT.
Bị cáo này nhờ người thân đứng tên pháp lý Công ty Minh Phúc và thuê một số nhân viên đăng ký mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền, mua USDT trên các nền tảng mạng xã hội rồi bán cho khách, hưởng chênh lệch.
Cơ quan tố tụng xác định, khi các khách hàng cần rửa tiền sẽ liên hệ với bị cáo Minh, sau đó chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng do người này hoặc kế toán chỉ định.
Mỗi ngày, bị cáo giao dịch rút tiền mặt từ 20 - 150 tỉ đồng. Quỹ duy trì hoạt động hàng ngày có trung bình từ 1 - 2 triệu USD (gồm tiền USD, Việt Nam đồng và tiền điện tử USDT).
Từ thời điểm hoạt động đến khi bị phát hiện, cơ quan điều tra xác định bị cáo Minh thường xuyên giao dịch rửa tiền cho 4 khách hàng bên Campuchia, đều là các cơ sở chuyên dịch vụ rửa tiền.
Theo chủ trương mà bị cáo đưa ra, đối với các giao dịch dưới 1 tỉ đồng, công ty sẽ thu phí 1 triệu đồng/2,3 tỉ đồng; đối với các giao dịch trên 1 tỉ đồng, bị cáo thu phí 500.000 đồng/2,3 tỉ đồng.
Chỉ tính riêng trong vụ án này, bị cáo Minh đã rửa hơn 8,2 tỉ đồng (từ số tiền chị N.T.L bị chiếm đoạt) cho bộ phận 777pay, qua đó hưởng lợi 4,1 triệu đồng tiền thu phí.
Theo dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ 15 - 19.5.
Bình luận (0)