Việc ký kết này là bước đi đầu tiên trong chiến lược tham gia vào nông nghiệp của Thaco.
Trách nhiệm dấn thân
Theo nội dung ký kết, LS Mtron sẽ chuyển giao công nghệ cho Thaco xây dựng nhà máy sản xuất các loại máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp với tỷ lệ nội địa hóa đến 50% và phân phối độc quyền tại VN mang thương hiệu Thaco vào tháng 10.2017. Giai đoạn 2 sẽ liên doanh mở rộng sản xuất tại VN để xuất khẩu. Ông Trần Bá Dương cho biết để sản xuất các máy móc nông nghiệp có công năng phù hợp, sử dụng hiệu quả mang lại năng suất cao, Thaco sẽ tham gia quy hoạch và thiết kế lại quy mô canh tác theo hướng công nghiệp hóa, đồng thời sẽ nghiên cứu, sản xuất các máy móc thiết bị chuyên dụng theo chuỗi giá trị từ khâu canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, chế biến và phân phối. "Hướng phát triển của Thaco là đa ngành, trong đó lấy cơ khí và ô tô làm chủ đạo, nên việc tham gia phát triển ngành sản xuất nông nghiệp VN là trách nhiệm của chúng tôi. Nhất là trong bối cảnh ngành chủ đạo của nền kinh tế VN là nông nghiệp đang cần thay đổi theo hướng công nghiệp hóa ứng dụng công nghệ cao để tiếp tục phát triển trong thời gian tới" - ông Trần Bá Dương nói.
Trả lời câu hỏi việc "rẽ trái" sang nông nghiệp có phải chạy theo trào lưu mấy năm gần đây của nhiều "đại gia", ông Trần Bá Dương khẳng định, ý tưởng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã có từ vài năm trước, xuất phát từ gợi ý của ông Nguyễn Xuân Cường (hiện là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) về một nền nông nghiệp Việt phát triển như nhiều nước. Sau gợi ý đó, ông đã suy nghĩ, tìm hiểu và quyết tâm bắt tay vào làm. Ngay trong năm nay, Thaco sẽ xây dựng mô hình trồng lúa công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến tại một tỉnh phía bắc. "Tại sao không phải phía nam hay ĐBSCL, nơi được gọi là "vựa lúa" của cả nước với rất nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện mô hình này?". Ông Dương giải thích, đúng là cây lúa trồng ở miền Nam rất thuận lợi, đạt năng suất cao. Nhưng chính vì trình độ chuyên canh cây lúa của miền Nam cũng đã đạt một mức độ nhất định, cao hơn miền Bắc nên ông sẽ bắt đầu với dự án trồng lúa của mình ở miền Bắc và sẽ áp dụng công nghiệp nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng hạt lúa ở đây. "Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm dấn thân" - ông nói.
Cơ giới hóa nông nghiệp
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhận định: “VN là một quốc gia nông nghiệp, có nhiều sản phẩm từ nông nghiệp chủ lực với tổng giá trị xuất khẩu năm 2016 là hơn 32 tỉ USD, đồng thời cung cấp cho hơn
90 triệu dân tiêu dùng nội địa. Mặc dù vậy, tỷ lệ lao động thủ công trong nông nghiệp vẫn còn rất lớn. Vì vậy, việc Thaco và LS Mtron hợp tác sản xuất phân phối sản phẩm máy nông nghiệp là sự kiện hết sức ý nghĩa”.
Theo GS Võ Tòng Xuân, máy móc cho nông nghiệp ở VN không thiếu, trong đó, rất nhiều máy móc nông cụ do chính người nông dân chân đất chế tạo ra. Tỷ lệ nội địa hóa của các loại máy này cũng khá cao. Đơn cử như máy cày tỷ lệ nội địa hóa cũng tới 40%. Ngoài mô tơ, hộp số chưa sản xuất được thì bánh lòng và các chi tiết khác chúng ta đều làm được hết. Với máy gặt lúa cũng tương tự, mô tô, bánh xích, hộp số làm không được còn mấy thứ khác các "kỹ sư chân đất" của ta cũng tự chế tạo được, thậm chí còn làm tốt hơn các máy cùng loại của Trung Quốc.
“Tuy nhiên người nông dân chân đất mình làm ra máy nhưng cái máy trước dở hơn cái máy sau, cái máy sau dở hơn cái máy sau nữa. Vì sau khi làm ra rồi đưa vào sử dụng "ổng" lại rút kinh nghiệm, lại sửa một chút nên không cái nào giống cái nào. Thậm chí ngay Viện Cơ khí nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp cũng không làm ra được cái máy nào nông dân họ chấp nhận. Còn Trường Hải là tập đoàn có thế mạnh về cơ khí, họ có đầy đủ máy móc, thiết bị để chế các chi tiết máy nên có thể sản xuất ra số lượng lớn, đồng nhất nhau. Giờ họ kết hợp với công ty sản xuất nông cụ hàng đầu thế giới thì quá tốt, họ sẽ khắc phục được những hạn chế hiện nay của chúng ta. Nhất là khi VN đang chủ trương tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa nông nghiệp. Nếu chủ động được máy móc, nông cụ là điều rất tốt, rất thuận lợi”, GS Xuân nói.
Nhận xét về việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề tham gia vào nông nghiệp, một chuyên gia trong lĩnh vực này phân tích, đây là một điều rất đáng mừng vì ứng dụng khoa học công nghệ đóng góp đến 80 - 90% vào giá trị của sản phẩm nông nghiệp thì tại VN, tỷ lệ này chỉ mới khoảng 30%. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đang và sẽ là xu hướng tất yếu, và các "đại gia" là người có đầy đủ tiềm lực tài chính, công nghệ, thị trường để thực hiện việc này.
Cuộc rẽ trái sang nông nghiệp của các đại gia lớn như Vingroup, Trường Hải, Hòa Phát, FPT... được đánh giá là sẽ thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp VN trong thời gian tới.
Bình luận (0)