Ông Kỳ viết: "Cuộc đảo chính do đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu, một sĩ quan của quân nhảy dù mà doanh trại nằm bên cạnh căn cứ không quân do tôi chỉ huy. Sáng sớm tinh sương ngày 11.11.1960, 3 tiểu đoàn nhảy dù của ông ta chiếm phần lớn các vị trí then chốt ở Sài Gòn, kể cả căn cứ không quân, làm tôi trở thành người tù của họ. Chính lúc bấy giờ Thi đã phạm phải một sai lầm tai hại. Cuộc tiến công sơ khởi không bao giờ được tiếp diễn nữa vì chiều ngày hôm ấy Diệm đã hứa với Thi là ông ta sẽ từ chức và để cho Thi thành lập một chính phủ "đoàn kết quốc gia". Đối với Thi điều đó có vẻ như là chiến thắng hoàn toàn và sáng hôm sau, Thi công bố kế hoạch của ông trên đài phát thanh do ông kiểm soát. Cùng lúc đó - chắc là do đề nghị của Nhu, con người xảo quyệt - Diệm âm thầm đưa quân trung thành từ phía Bắc và phía Nam vào thủ đô. Ngay trước khi Thi ý thức được điều gì đang xảy ra thì các lực lượng của Diệm đã chiếm lại được nhiều vị trí then chốt ở Sài Gòn. Cuộc đảo chính đã tan vỡ.
Còn ông Trần Văn Đôn, cựu trung tướng chế độ Sài Gòn cũ, cũng trong một cuốn hồi ký xuất bản ở nước ngoài đã miêu tả khá sinh động về cuộc đảo chính này. Ông Đôn viết: "Sáng ra tôi đến nhà gia đình vợ tôi ở Chợ Lớn theo dõi tin tức trên đài phát thanh, khoảng 10 giờ tôi nghe tiếng đại tá Nguyễn Chánh Thi kể tội gia đình nhà Ngô... Nghe đại tá Thi lãnh đạo cuộc đảo chánh, tôi hơi ngạc nhiên vì tôi biết ông Diệm cưng quý ông Thi lắm...". Ông Đôn còn cho biết, chỉ huy cuộc đảo chính này còn có trung tá Vương Văn Đông và trung tá Nguyễn Triệu Hồng, hai người này là anh em bạn rể.
Cũng theo ông Đôn: Quân nhảy dù đã vô được hàng rào của Dinh Độc lập, còn cách 50 mét nữa là xâm nhập vô dinh. Lúc đó ông Diệm và ông Nhu lo sợ. Ông Diệm ký ngay sắc lệnh cử thiếu tướng Nguyễn Khánh làm Tổng tư lệnh toàn quyền vì ông Khánh đang có mặt trong dinh. Tình hình nguy ngập, họ định nhượng bộ quân đảo chánh. Bà Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu) không chịu, bà ta đòi chống cự. Nguyễn Khánh tức giận nói: "Nếu bà chỉ huy, thì tôi xin rút lui. Bà rút lui tôi mới chỉ huy". Ngô Đình Diệm phải dàn xếp, nói với bà Nhu: "Thôi bà mệt, bà vô nghỉ đi, để chúng tôi lo...". Quân nhảy dù ở ngoài không tiến thêm, vì lúc đó ông Võ Văn Hải, Chánh văn phòng đặc biệt đã đề nghị Ngô Đình Diệm bảo Nguyễn Khánh ra nói chuyện với quân đảo chính. Nguyễn Khánh ra gặp trung tá Vương Văn Đông. Khánh hỏi: "Mấy anh muốn gì?". Vương Văn Đông trả lời: "Chúng tôi muốn thay đổi chánh phủ, chánh phủ hiện tại làm việc không hữu hiệu...". Khánh vào trình lại với Ngô Đình Diệm. Hai anh em ông Diệm bàn với nhau rồi đồng ý chấp thuận. Khoảng 4 giờ chiều, ông Diệm tuyên bố qua đài phát thanh giải tán chính phủ... Trong lúc đó, Nguyễn Khánh đề nghị với ông Diệm gọi điện thoại đến đại tá Trần Thiện Khiêm - Chỉ huy trưởng Sư đoàn 21 đóng tại Cần Thơ, phối hợp với đơn vị thiết giáp do thiếu tá Lý Tòng Bá chỉ huy đang đóng ở Mỹ Tho lên giải cứu Dinh Độc lập...
Ông Đôn cũng kể rằng, đến buổi chiều ngày 12.11, các sĩ quan làm đảo chính biết mình đã thua, để rút lui cho chắc chắn, họ đến bắt trung tướng Thái Quang Hoàng, Tư lệnh biệt khu thủ đô đem ra phi trường Tân Sơn Nhất đưa lên phi cơ C-47 Dakota bay sang Campuchia. Nguyễn Khánh ra lệnh cho hai máy bay khu trục bay theo "xem họ đi đâu". Hai khu trục bắt kịp chiếc C-47 Dakota đang tới biên giới Campuchia, gọi về xin chỉ thị. Đứng bên cạnh nghe thấy, bà Nhu la lên: "Hạ chiếc máy bay đó, giết hết tụi nhảy dù phản nghịch đó". Nguyễn Khánh bực mình: "Tôi là tổng tư lệnh ở đây, quyền là của tôi". Rồi Nguyễn Khánh ra lệnh cho hai máy bay khu trục bay về.
Thuật lại chuyện đó, ông Đôn cho rằng sở dĩ Nguyễn Khánh không cho bắn hạ chiếc máy bay vì muốn chứng tỏ rằng "mình có quyền quyết định". Về vai trò thực sự của đại tá Nguyễn Chánh Thi trong cuộc đảo chính này, ông Đôn viết: "Theo phúc trình sau này cho thấy nhóm chủ trương đảo chính đến nhà trung tá Ngô Xuân Soạn kêu gọi tham gia đảo chính, trung tá Soạn không chịu nên bị giết. Nhóm này đến nhà mời mọc Nguyễn Chánh Thi nhập cuộc và đưa ông Thi đến Dinh Độc lập. Lúc này dân chúng và sinh viên học sinh tụ tập rất đông, khi thấy Nguyễn Chánh Thi và các sĩ quan đến, họ hoan nghênh nhiệt liệt, Nguyễn Chánh Thi cũng đưa tay hoan nghênh theo".
Trên đây là những tư liệu sơ lược về cuộc đảo chính ngày 11.10.1960. Người cầm đầu thực chất của cuộc đảo chính không phải là Nguyễn Chánh Thi mà là Vương Văn Đông, lúc đó là Chỉ huy quân dù ở Sài Gòn. Vì sao Vương Văn Đồng tiến hành đảo chính? Trong vụ này có bàn tay của ông Ba Quốc. Lúc đó ông vẫn còn làm việc ở Sở Nghiên cứu chính trị xã hội của Trần Kim Tuyến.
Ông Ba Quốc kể: "Sau khi làm tổng thống, củng cố được chính quyền, Ngô Đình Diệm bắt đầu thay dần số sĩ quan do Pháp đào tạo bằng các sĩ quan do Mỹ đào tạo. Biết rõ điều đó, tôi phải tìm cách kích động số sĩ quan do Pháp đào tạo chống lại Diệm. Tôi đến gặp ông Lê Thanh Cảnh, nguyên là Chánh văn phòng của Bảo Đại khéo léo nói rõ chuyện đó cho ông ta biết. Ông Cảnh bảo tôi đến gặp Vương Văn Bách, anh ruột của trung tá Vương Văn Đông, lúc đó đang chỉ huy lực lượng dù ở Sài Gòn. Vương Văn Đông là sĩ quan do Pháp đào tạo. Nhân vụ đại úy Không Le làm đảo chính ở Lào, tôi lại đến kích động Vương Văn Bách, tôi nói anh em Ngô Đình Diệm dự kiến sẽ thay hết các sĩ quan do Pháp đào tạo và nói lại ý kiến của ông Lê Thanh Cảnh. Vì tôi là người trong Cơ quan mật vụ Phủ tổng thống nên thông tin này rất quan trọng đối với anh em Vương Văn Bách. Vương Văn Đông vốn đã bất mãn với anh em Ngô Đình Diệm, đặc biệt là Ngô Đình Cẩn, không những không cất nhắc mà còn kỳ thị với mình. Nay biết tin đó, Đông càng trở nên tức tối.
Chỉ một tuần sau, Vương Văn Đông sẵn có quân trong tay, đã liên kết với một số sĩ quan khác, đưa lực lượng dù đến bao vây Dinh Độc lập. Ngô Đình Diệm xin đầu hàng. Nhưng bọn Vương Văn Đông lúng túng không biết làm gì tiếp theo nên đã bị viện quân của Diệm kéo về dẹp tan".
Ông Ba Quốc mô tả thêm về cuộc đảo chính này: "Vương Văn Đông cùng các sĩ quan toa rập với nhau để lật Diệm cho... bõ ghét, còn lật Diệm rồi thì làm gì thì họ không biết. Đến phút chót, Nguyễn Triệu Hồng mới đưa ông cậu vợ là Hoàng Cơ Thụy và thông qua ông Thụy gọi thêm mấy người như Phan Bá Cầm, Bùi Lượng ra bàn kế sách, nhưng chỉ loay hoay cãi nhau như mổ bò... Họ giằng co mãi thì Diệm đã kịp đem viện binh về giải cứu rồi".
Sau vụ đó, bác sĩ Tuyến giao cho ông Ba Quốc tiến hành điều tra cuộc đảo chính. Yêu cầu của Trần Kim Tuyến là phải điều tra xem trong vụ này có bàn tay của người Mỹ không, nếu có thì thực chất người Mỹ muốn gì… (còn tiếp)
Bình luận (0)