Ông ấy ăn ở luôn tại nhà tôi, ngoài thời gian đi làm còn dạy thêm cho mấy đứa em tôi học. Ông ấy bảo với bố mẹ tôi là ông ấy đã có vợ con, nhưng vợ con bị thất lạc, kiếm hoài không được. Tôi chỉ biết có vậy. Ông bà Đàm Y ngỏ ý muốn "xin" tôi cho ông ấy. Ban đầu bố mẹ tôi rất băn khoăn, nhưng thấy ông ấy hiền, dạy các em tôi rất chu đáo, nên cuối cùng bố mẹ tôi đã đồng ý. Sau Hiệp định Genève, tôi vào trước ở với gia đình ông Đàm Y trên đường Tự Đức, hai tháng sau ông ấy vào, chúng tôi đi thuê nhà ở. Cuộc sống của chúng tôi lúc mới vào Sài Gòn khó khăn lắm, phải làm việc rất nhiều. Tôi đi lên chợ Sài Gòn lấy sợi về đan thành những cái túi xách tay (dùng để đi chợ) bán cho người ta kiếm tiền. Sau này ổng làm ở Sở Nghiên cứu chính trị, rồi Phủ Đặc ủy tình báo, tiền lương của ông ấy cũng không phải dồi dào, lúc ấy lại có đông con, tôi phải đi lấy len ở mãi đồng ông Cộ về làm thêm kiếm sống...".
Trong suốt 20 năm sống ở Sài Gòn, ông phải dành một phần đáng kể tiền lương của mình cho việc "gây dựng cơ sở" hoặc sau này cho những người cung cấp tài liệu cho ông ở Bộ Tổng tham mưu (quân đội Sài Gòn cũ). Vợ ông phải cất giấu dành dụm để có tiền nuôi con, đề phòng trường hợp ông bị bắt. Vì vậy cuộc sống gia đình quá thiếu thốn. Ông Ba Quốc bảo hồi đó ông sống "kham khổ như một nhà tu".
Như đã biết, làm ở Sở Nghiên cứu chính trị xã hội của Trần Kim Tuyến ông nhất thiết phải vào đạo Công giáo. Nhưng ông không vào đảng Cần lao. Vào đảng Cần lao lúc đó có thể có khả năng "thăng tiến" nhanh, nhưng sẽ không an toàn nếu thời thế thay đổi. Và thực tế chứng minh ông đã lựa chọn đúng. Cả nhà ông đi nhà thờ, các con ông học trường của Công giáo. Người con thứ ba của ông nói rằng hồi ấy anh đi nhà thờ, đi học Trường Lasan Đức Minh, Kinh Thánh thì "đến bây giờ vẫn còn thuộc", nhưng ông không cho các con ông tham gia các hội đoàn Công giáo. "Anh biết bố anh hoạt động cho cách mạng từ lúc nào?". Người con trai của ông kể: "Chúng tôi đi học về, ông bắt ở nhà, không cho giao du với ai hết. Mục đích duy nhất của chúng tôi chỉ là học thôi. Ông rất ghét Mỹ nên trong nhà không bao giờ xài đồ Mỹ. Buổi tối xem ti vi, ông chỉ cho chúng tôi coi phim hoặc văn nghệ, đến chỗ Nguyễn Văn Thiệu phát biểu hay các chương trình về quân đội ông tắt máy không cho coi. Một hôm tôi đã nhìn thấy ông viết tài liệu lên những tờ giấy dầu màu vàng, viết bằng nước trà. Viết nước trà lên giấy đó không nhìn thấy chữ, sau này tôi biết là phải dùng hóa chất mới đọc được. Mẹ tôi dặn tuyệt đối không được nói với ai chuyện này. Năm đó tôi 12 tuổi".
"Anh có giúp gì cho bố anh không?". "Năm tôi 13 tuổi, một hôm ông đem một máy chụp hình hiệu Canon về kèm theo một hộp tráng phim và thuốc tráng phim. Tôi còn nhớ hôm đó ông đem tập tài liệu "hồ sơ trận liệt" về hướng dẫn tôi chụp từng trang một. Ông lấy một thùng carton, kẹp tài liệu trên thành đứng của nó, máy ảnh đặt trên ba chân chống, ống kính cách tài liệu 40 cm, một bóng đèn rọi vào tài liệu từ phía sau. Bé Hạnh, em gái tôi, lấy hai tay căng tờ giấy cho thẳng ra, tôi chụp xong tờ nào thì bé Hạnh rút ra tờ đó, cứ thế chụp cho đến khi nào hết tập tài liệu... Chụp xong, ông hướng dẫn tôi cách tráng phim". Liên quan đến tính cẩn thận của ông Ba Quốc, anh con trai kể tiếp: "Lần tráng phim đầu tiên, tôi nhớ đó là ngày thứ bảy, tài liệu chưa gửi đi, ông bảo tôi kiểm tra độ nét của tài liệu mà chúng tôi chụp. Ông lấy tấm thẻ quân nhân của ông cậu tôi, bảo tôi chụp, rồi cắt phim mang ra tiệm chụp hình Chí Mỹ ở đường Hai Bà Trưng coi thử có rõ không. Ông chủ tiệm là ông Nguyễn Chí Bửu, có một con trai học cùng lớp với tôi tên là Nguyễn Chí Xuân, anh ta có một đứa em gái tên Nguyễn Thị Thu, tôi chơi rất thân với cô Thu. Tôi đem phim ra nhờ cô Thu rọi, thì đọc được, nhưng hơi mờ. Tôi nghĩ tấm thẻ đó chữ in lớn mà còn mờ, chắc là tài liệu chụp xong sẽ rất khó đọc. Nghĩ vậy nên trưa hôm đó, tôi cắt một đoạn phim chụp tài liệu mang đến tiệm Chí Mỹ, tôi cùng với cô Thu vào rọi trong phòng tối. Khi cô Thu sấy hình, đang đợi cho khô, thì bố tôi đi vespa chạy tới, bảo tôi thu lại tất cả mang về, không để ai nhìn thấy. Hôm đó phim chụp đọc được, nhưng hơi nhòe. Ông phải mua thêm một ống kính... Đến giờ tôi vẫn còn nhớ cái tiệm chụp hình đó. Sau giải phóng ông Nguyễn Chí Bửu về Tây Ninh, cũng mở tiệm chụp hình lấy tên Chí Mỹ, có thời gian vướng phải chuyện rắc rối, cô Thu có gửi thư cho tôi. Thời gian đó bố tôi đi công tác xa. Đến năm 1990, bố tôi về lại thành phố, nhắc lại tiệm chụp hình Chí Mỹ, ông hỏi bây giờ họ ở đâu để ông lên thăm...".
Anh con trai thứ ba này của ông Ba Quốc chuyện gì cũng nhớ, anh nói chuyện này thì liên tưởng đến chuyện kia, chuyện gì cũng có tình người. Anh không những nhớ tới cô Thu mà còn nhớ hồi học lớp năm, lớp tư, lớp ba (lớp 1, lớp 2, lớp 3 bây giờ), khi ấy ông Hoàng Ngọc Điệp (Phó giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị, "cha đỡ đầu" của ông Ba Quốc) không có vợ con, nuôi hai người cháu, một người tên là Hảo, một người tên là An, học chung lớp với anh, hằng ngày ông Điệp cho lái xe đưa ba anh em đi học, những năm đó anh thường xuyên lui tới nhà ông Điệp. Anh nhớ tới người quản gia của ông Điệp là cô Lý, thỉnh thoảng vẫn dúi tiền cho anh ăn quà. Ông Điệp thì đã chết, hình như vào năm 1976, còn cô Lý, Hảo, An không biết giờ đây đang ở đâu.... (còn tiếp)
Bình luận (0)