Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 19: Kỹ thuật truyền tin

10/03/2004 09:03 GMT+7

Trước khi vào phần chính của kỳ này, chúng tôi xin nói thêm vài điều về gia đình ông Ba Quốc ở miền Bắc.

Vì theo dõi thiên ký sự này trong những ngày qua, nhiều bạn đọc đã gửi thư về tòa soạn bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với ông Ba Quốc và khâm phục sự hy sinh của những người trong gia đình ông, đồng thời cũng nêu một vài thắc mắc liên quan đến chính sách. Một bạn đọc tên là Jeff Nguyễn, ở Canada, trong e-mail gửi về tòa soạn có nêu vấn đề về những người thân của ông Ba Quốc ở miền Bắc: "Tôi thắc mắc là không biết sau chiến tranh họ có được Nhà nước đền bù cho những thiệt thòi to lớn mà họ phải gánh chịu một cách oan uổng hay không?". 

Chúng tôi định sẽ đề cập những vấn đề đó trong những kỳ sau vì thiên ký sự này vẫn chưa kết thúc. Nhưng để giải tỏa nỗi bức xúc của bạn đọc, chúng tôi xin thông tin như sau: Sau ngày thống nhất đất nước, gia đình ông Ba Quốc ở miền Bắc đã được Đảng, Nhà nước cũng như cơ quan tình báo quân đội chăm lo thực hiện chính sách một cách chu đáo. Bà Phạm Thị Thanh được chuyển hộ khẩu về Hà Nội, được cấp một căn hộ để ở và được hưởng chính sách theo chế độ chung. Gia đình hai người con đều có công việc thuận lợi, hạnh phúc và thành đạt. Riêng người con trai đã được đào tạo thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

GỬI ANH GIAO Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 19: Kỹ thuật truyền tin - Ảnh 1.

Ảnh chụp bài báo đăng trên Thanh Niên ngày 10.3.2004

Trở lại nội dung chính của kỳ này. Cho đến nay, có thể khẳng định các điệp viên của "Việt cộng" hoạt động ở Sài Gòn rất ít khi dùng điện đài, trừ việc phục vụ các chiến dịch lớn. Trong khi người Mỹ sử dụng những thành tựu khoa học hiện đại nhất và phương tiện kỹ thuật tối tân nhất cho hoạt động tình báo thì "Việt cộng" lại sử dụng các phương tiện truyền tin thô sơ nhất. Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, rõ ràng là các phương tiện hiện đại nhất của CIA đã hoàn toàn bất lực trước các phương tiện "dân dã" nhất của tình báo "Việt cộng". Chúng tôi tò mò hỏi anh con trai thứ ba của ông Ba Quốc: "Anh có biết bố anh chuyển phim ảnh và tài liệu lên chiến khu bằng cách nào không?". Anh cười: "Biết chứ. Tôi cũng thường giúp bố tôi làm chuyện đó mà. Đối với tài liệu viết bằng nước trà trên những tờ giấy dầu màu vàng thì dùng những tờ giấy đó... gói đồ, hoặc dán lại thành cái túi đựng đồ. Còn phim thì làm theo hai cách. Một là mua một đôi dép chapeau, lột lớp phía trên ra, rồi lấy dao cắt rỗng miếng xốp trong đế dép, phim cắt ra từng khúc nhét vào đó rồi dán lại. Một chiếc dép chứa được 1/4 cuộn phim, một đôi được 1/2 cuộn. 1/2 cuộn còn lại cũng cắt ra, cuộn nhỏ lại, nhét vào đồ chơi trẻ em. Tất cả đựng vào cái túi bằng giấy dầu màu vàng nói trên, cả vỏ cả ruột đều là tài liệu. Ông đem cái túi đó để vào cốp xe vespa rồi mang đi gặp giao liên nội đô". Chúng tôi được biết, theo nguyên tắc, ông chỉ gặp giao liên nội đô thôi. Người giao liên nội đô sau khi nhận tài liệu của ông, ra khỏi thành phố sẽ chuyển cho giao liên có vũ trang mang tài liệu về căn cứ.

"Một tập Hồ sơ trận liệt mà anh chụp hình có bao nhiêu trang?". "Một tập ít nhất là trên 100 trang giấy A4, nhiều nhất là hơn 200 trang, cứ 3 ngày bố tôi mang về một tập". "Anh có biết nội dung trong đó là gì không?". "Biết chứ. Tôi vẫn còn nhớ ngoài bìa ghi là Hồ sơ trận liệt cộng sản Bắc Việt. Trong đó có ghi phiên hiệu các sư đoàn và đơn vị quân đội, trang bị vũ khí hỏa lực, nơi đóng quân, tên cấp chỉ huy, tinh thần cán binh và những diễn biến trên chiến trường". "Hồ sơ đó ông bắt đầu đem về nhà từ bao giờ và đến bao giờ thì hết?". "Tài liệu Hồ sơ trận liệt thì bắt đầu từ năm 1971, suốt cho đến ngày bố tôi bị lộ. Trước năm 1971 ông chỉ viết trên giấy dầu thôi, từ năm 1971 trở đi vừa viết trên giấy dầu vừa chụp phim, riêng giấy dầu thì ngày nào ông cũng viết".

Được biết, vào năm 1971, do quen biết với trung tá Vũ Văn Nho, Trưởng phòng 2 (tình báo) của Bộ Tổng tham mưu, ông đã biết được tin địch phát hiện ra đường dây 559 của ta suốt dọc dãy Trường Sơn. Tài liệu này ông lấy được nguyên bản và đó là bản Hồ sơ trận liệt đầu tiên mà anh con trai thứ ba của ông đã kể. Từ đó, thông qua một sĩ quan phụ trách in ấn của Bộ Tổng tham mưu ông lấy được tất cả các tài liệu nguyên bản Hồ sơ trận liệt, cứ 3 ngày một tập như trên đã nói. Những tài liệu đó cho thấy địch đã phát hiện nhiều bí mật của ta trên chiến trường, thông qua điệp báo và do thám. Có những hồ sơ cho thấy địch còn theo dõi được những diễn biến, sự thay đổi về quân số, hỏa lực, nơi đóng quân và cấp chỉ huy của từng sư đoàn của chúng ta vào những thời điểm khác nhau. Những tài liệu mà ông gửi về đã giúp ích rất nhiều cho việc điều chỉnh, đối phó, ngăn ngừa được tổn thất trên chiến trường, đồng thời cảnh giác, phát hiện được các hoạt động gián điệp của kẻ địch, vì vậy với những tài liệu đó ông đã góp phần lặng lẽ nhưng rất đáng kể vào thắng lợi của các hoạt động quân sự. Biết địch biết được những gì về ta cũng là một trong những yêu cầu của công tác tình báo.

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những phần việc "làm thêm" của ông. Vì như đã biết, vị trí của ông không phải ở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn mà ở Đặc ủy Trung ương tình báo. Mặc dù vậy, việc "làm thêm" này được ông thực hiện một cách hết sức khôn khéo và mẫn cán, đến mức nhiều khi ông có trong tay những tập tài liệu đó trước khi nó được đưa đến Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn. Và thật đáng tiếc, chính vì những tập Hồ sơ trận liệt này mà ông đã bị lộ, vợ con ông bị bắt... Nhưng đó là việc sau này, chúng tôi sẽ đề cập chi tiết hơn trong những kỳ cuối của thiên ký sự. Còn lúc đó, trong những năm Nguyễn Văn Thiệu cầm quyền, trong nhiệm vụ trọng tâm của mình, ông vừa lập được chiến công ngoạn mục vừa có những hành động mạo hiểm cũng ngoạn mục không kém... (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.