Ông Ba Quốc nhớ lại: "Theo quy uớc, sau khi thiết lập quan hệ với ông Đàm Y, tôi phải bắt liên lạc với cấp trên. Hộp thư mật đặt tại 80 Hàng Bạc. Nhưng khi tôi đến gặp cô gái cần gặp thì có một chuyện lạ. Cô ta trông thấy tôi lập tức quay vào nhà. Tôi biết ngay là có người đang theo dõi. Hộp thư coi như bị hủy bỏ. Tôi mất liên lạc. Mà mất liên lạc, không có chỉ đạo thì tôi không biết tiếp theo phải làm gì. Suốt cả một tuần lễ tôi rủ em vợ của ông Đàm Y và người lái xe lấy ô tô của ông ta đi chơi la cà các phòng trà và quán bia, hết nơi này đến nơi khác, đi đâu tôi cũng được giới thiệu là cháu của Đàm Y ở quê ra. Mục đích của tôi là tìm người quen để nối liên lạc. Nhưng làm cách này không đựợc. Tôi làm quen một người phụ nữ làm công ở nhà Đàm Y, quan sát tôi biết người này có cảm tình với kháng chiến. Đó là bác Năm Gái. Tôi liều nói thật với bác và quả đúng như nhận định của tôi. Tôi nhờ bác ra căn cứ bắt liên lạc cho tôi. Bác đi. nhưng không hiểu sao mất tích luôn, không bao giờ trở lại nữa.
Hết cách. Cuối cùng tôi phải xin ông Đàm Y đưa tôi vào làm công an và sau đó xin làm luôn Đồn trưởng Công an Từ Sơn, với lý do là làm ở vị trí đó tôi mới có điều kiện tìm được vợ con. Ông Đàm Y rất có thế lực, nên việc của tôi được chấp nhận dễ dàng. Đây là đồn kiểm soát bắt hàng lậu trên các chuyến xe tuyến Hà Nội - Bắc Giang. Mục đích của tôi lúc này là tìm cho được người tin cậy để bắt liên lạc. Tôi quan sát, phát hiện trong xóm phía sau đồn có một cô gái, tên là Quỳ, có thể là người liên lạc của ta, nhưng không dám tiếp cận. Tôi dùng một phương pháp khác. Từ khi làm đồn trưởng, tôi lệnh cho nhân viên không được bắt hàng, tất cả hàng lậu cho đi hết. Không ai hiểu vì sao tôi làm như vậy. Dân buôn thấy tôi dễ quá, đâm ra sợ, đến mức họ phải mang hàng vào đồn bảo tôi phải làm biên bản, họ sợ tôi dễ quá sẽ bị cấp trên chuyển đi nơi khác. Thời gian này tôi tập trung nghiên cứu những tay trùm chở hàng lậu qua đây, phát hiện thấy vợ tên Đồn truởng Bảo an (đóng cách đồn của tôi khoảng 1,5 km) cũng là trùm buôn lậu. Đến một hôm, tôi ra lệnh bắt toàn bộ hàng của tên Đồn trưởng Bảo an".
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông cuời, nói tiếp: "Các anh có biết tôi làm như vậy để làm gì không? Là để tạo ra một sự cố, may ra tìm được người của mình, vì tôi đợi lâu quá. Và quả như tôi dự đoán. Hôm sau, tên đồn trưởng dẫn một tốp lính tấn công đồn của tôi. Quân của tôi chỉ có mấy người thì làm gì được nó, nên bỏ chạy hết. Còn một mình tôi, chúng đánh tôi một trận tơi bời. Tôi không chay, vì mục đích của tôi là để cho chúng đánh mà. Lúc ấy nhiều dân buôn đè lên người để đỡ đòn cho tôi, nhưng tôi cũng bị một trận đau ê ẩm, cả người bê bết máu. Khi chúng bỏ đi, cô Quỳ mà tôi đã kể ở trên đến đưa tôi về nhà, lấy lá thuốc rịt các vết thương cho tôi. Nhờ chuyện đó tôi mới biết chắc cô Quỳ là người tốt, nhưng cũng không biết chắc cô ấy có phải là người bên mình hay không. Tôi đành phải liều một lần nữa. Tôi nói với cô tôi là người của cách mạng, cần phải bắt liên lạc gấp. Tôi nhờ cô ra căn cứ tìm cách liên lạc với anh Văn Tùng, lúc đó là người chỉ huy của tôi. Cô Quỳ nhận lời đi theo đề nghị của tôi. Ba ngày sau cô trở lại, bảo tôi đến số 3 Hàng Khoai gặp người cần gặp. Tôi đến gặp anh Văn Tùng, báo cáo tình hình và nhận chỉ thị. Anh Văn Tùng yêu cầu tôi ra lại vùng giải phóng một thời gian để bàn cụ thể cách thức hoạt động lâu dài sau này, thời gian và địa điểm đón tôi được hẹn trước. Tôi giao công việc cho đồn phó, nói rằng tôi phải dành một thời gian đi đón vợ con.
Đến giờ hẹn, tôi được cậu giao thông ra đón. Lúc tôi và cậu ấy đang đi trên để Đáp Cầu của sông Đuống để ra vùng giải phóng thì phát hiện một toán lính Pháp đi tuần bên kia bờ đê. Cậu ta đưa tôi xuống vệ đê để tránh toán lính, vừa đi một đoạn thì cậu giao thông dẫm phải một quả mìn, mìn nổ làm cậu ta chết tại chỗ, còn tôi thì bị ngất đi. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy có bàn tay đụng vào người. Mở mắt ra, tôi nghe ngay giọng một cô gái: "U ơi, u ơi... Anh ấy tỉnh rồi". Tôi chưa hiểu gì cả, thì một cụ già chạy vào ôm lấy tôi khóc nức nở. "Ôi con ơi.. Con của mẹ sống rồi, ơn trời phật...". Điều gì vây ? Tôi vẫn không hiểu. Tôi có quen bà này đâu... Nhưng khi tỉnh hắn, tôi lập tức hiểu ngay, thì ra là người dân đã cứu tôi. Bà cụ biết chắc tôi là Việt Minh, nên đã nhận tôi là con, nói với bọn địch rằng con của bà ngẫu nhiên đi gần chỗ nổ mìn, không quen biết người vừa chết. Nhờ lòng dân mà tôi thoát nạn. Sau đó bà cụ đưa tôi vào bệnh viện điều trị vết thương. Một tháng sau tôi trở lại nhà ông Đàm và nói dối rằng trên đường đi tìm vợ con tôi đã bị bệnh sốt rét...".
Câu chuyện ông kể thật là giản dị. Bác Năm Gái làm công, cô Quỳ, hai mẹ con bà cụ. Họ ở khắp nơi, bây giờ kẻ mất người còn, những thế hệ kế tiếp thế hệ, tấm lòng của dân là biển cả, là thiên la địa võng, Bất kể anh là ai, hễ anh chống ngoại xâm, anh yêu nước, anh làm những chuyện ích nước lợi dân thì được đùm bọc chở che, ngược lại thì anh không có đường thoát. Dân tộc Việt Nam này là như vậy, thời nào cũng vậy. Bài học đó đã thấm tự nhiên vào máu thịt của người chiến sĩ tình báo.
Nhưng mọi chuyện chưa phải đã thuận buồm xuôi gió. Ông Đàm Y có thể tin ông, nhưng cơ quan mật vụ của Pháp thì không đơn giản. Vũ Đình Lý, Trưởng Công an Hà Nội lúc đó biết rõ ông là Việt Minh được "đánh" vào Hà Nội để hoạt động nên muốn ra lệnh bắt ông... (còn tiếp)
Bình luận (0)