Trong thời gian ở Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo chế độ Sài Gòn, có lúc ông làm trợ lý cho Cục trưởng Cục Tình báo quốc nội, có lúc làm Trưởng ban Đoàn thể phụ trách các đảng phái chính trị. Ông tìm hiểu khá kỹ thực chất hoạt động của từng bộ phận của Phủ Đặc ủy. Thông qua một sĩ quan phụ trách bộ phận ra tin của Ban R, ông biết 2/3 tin tức do Ban R sản xuất là tin công khai của báo chí và phát thanh, 1/3 là tin lấy cung từ các tù binh. Những tin tức của Cục Tình báo quốc ngoại cũng tương tự, có những tin tức có giá trị cũng chủ yếu là tin của "cảm tình viên", không phải là "nội tuyến". Chỉ có Cục Tình báo quốc nội là nơi ông có thể khai thác những tin tức cần thiết để phục vụ cho yêu cầu của cấp trên.
Lúc đó, cấp trên yêu cầu ông "bằng mọi giá" phải lấy cho được toàn bộ hồ sơ về mạng lưới gián điệp của đối phương. Bởi vậy, thông qua Lê Liêm, ông ngày càng bám sát Nguyễn Văn Giàu. Ông biết Nguyễn Văn Giàu giữ cái tủ tài liệu còn "kỹ hơn giữ cái đầu của mình".
Sau câu chuyện coi tướng cho vợ Lê Liêm, ông đã tận dụng triệt để mối quan hệ này. Nhưng để có chuyện mà bàn với Lê Liêm, ông lại phải tận dụng thông tin từ những chính khách đối lập đủ mọi khuynh hướng, trong đó có những người ông tạo mối quan hệ thân tình ngay từ khi mới vào Nam hoặc trước khi vào Nam. Những tin tức đó được ông xử lý rất thận trọng trên một tầm hiểu biết vừa rộng vừa sắc sảo. Ông nói với Lê Liêm: "Mặt trận Khe Sanh (lúc đó quân giải phóng đang đánh lớn ở Khe Sanh) có nguy cơ trở thành một Điện Biên Phủ thứ hai. Người Mỹ có đang nhiều tính toán để gỡ bí. Một trong những toan tính của người Mỹ là làm một cuộc đảo chính, thay chính quyền quân sự bằng một chính quyền dân sự để thương thuyết với cộng sản, nếu không có lối thoát về quân sự". Ông cũng kể cho Lê Liêm nghe về hoạt động bí mật của đại tá Mỹ Malwin trong chính giới Sài Gòn. Ông chứng minh với Lê Liêm rằng ông đủ khả năng theo dõi những âm mưu này và có thể báo trước nếu có đảo chính xảy ra. "Nghe tôi nói, Lê Liêm ngẩn người như tỉnh ngộ", ông nhớ lại. Ông đề nghị cho lập một phòng tình hình, ông hứa sẽ lo tin tức từ phía Mỹ. Nhân đó ông cũng đề nghị phục hồi lại cho ông cấp bậc mà Nguyễn Khánh đã tước khi làm đảo chính Ngô Đình Diệm (lúc đó ông mang quân hàm đại úy). Lê Liêm yêu cầu ông bám sát các hoạt động của Mỹ và yêu cầu hằng ngày gặp ông vào 9 giờ sáng tại nơi làm việc. Cần biết, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngày càng trở thành công cụ để bảo vệ người cầm quyền mà mối đe dọa lớn nhất lúc đó là các âm mưu đảo chính. Mà các cuộc đảo chính đều có bàn tay của người Mỹ. Cho nên Mỹ cũng là đối tượng của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo.
Ông kể: "Từ đó tôi gặp Lê Liêm hằng ngày. Một buổi sáng tôi không tới, ông ta gọi điện tìm tôi, gọi không được ông ta gọi điện bảo Nguyễn Văn Giàu đi tìm. Nguyễn Văn Giàu yêu cầu tôi nếu có đi đâu thì báo cho ông ta biết để nếu Lê Liêm gọi thì ông ta biết chỗ mà tìm". Như đã nói, mục đích của ông là mở cho được cái tủ tài liệu của Nguyễn Văn Giàu và ông đang "mượn thế" của Lê Liêm để tiến tới mục đích đó. Ông kể tiếp: "Hằng ngày, 7 giờ 30 sáng Giàu tới phòng mở tủ ra làm việc, 9 giờ 30 đi uống cà phê, 10 giờ 30 trở về nhận tin hay tiếp xúc với các trưởng SOC (Sở Giao dịch dân sự), ký các giấy tờ công văn... cho đến hết ngày. Sáng thứ bảy ông ta tiếp cố vấn Mỹ Tom Barret, chiều thứ bảy nghỉ... Một buổi sáng, tôi cầm một semi giấy tờ lên phòng ông ta, đến trước của tôi dừng lại. Ông ta biết ý, bảo: Chắc anh cần làm việc riêng cho ông Lê Liêm, anh cứ vào bàn giấy của tôi ngồi làm việc, tôi đi uống cà phê một lát không sao. Ông ta biết buồng làm việc của tôi đông người, không tiện ngồi làm những việc hết sức quan trọng của sếp. Tôi cám ơn và ngồi vào bàn của ông ta. Khi ông ta đi, tôi mở tủ và phát hiện thấy trong đó có các hồ sơ STAY BEHIND IN NORTH VIET-NAM. Đó chính là những hồ sơ mà cấp trên yêu cầu tôi phải lấy cho được bằng mọi giá".
"Ông làm sao lấy được những tài liệu đó?", chúng tôi hỏi. "Tôi lấy tài liệu trong tủ ra ngồi chép lại". "Ông làm sao chép hết được?". "Hôm đó tôi chép được một ít thôi. Từ bữa đó trở đi, cứ mỗi lần tôi nhìn thấy tủ của Giàu hé mở là tôi vác đồ lên, ông ta biết ý lại vội vàng xếp đồ vào cặp rồi nhường chỗ cho tôi. Khoảng nửa tháng, tôi chép sạch hết 35 bộ hồ sơ kế hoạch của 35 ổ gián điệp cài ở miền Bắc". "Trong thời gian đó ông hoàn toàn không bị phát hiện?". "Chỉ có một lần tôi bị một nữ thư ký đánh máy tài liệu mật tên là Nguyễn Thị Lệ lên bắt gặp tôi đứng cạnh tủ tài liệu của Nguyễn Văn Giàu, nhưng cô ta không hề tỏ thái độ ngạc nhiên. Tôi nghĩ là cô ta thường thấy tôi ngồi làm việc tại bàn giấy của ông Giàu nên coi việc tôi đứng trước tủ hay ngồi ở bàn cũng không có gì lạ". "Còn Nguyễn Văn Giàu? Ông ta không lúc nào về trong khi ông chép tài liệu?". "Không. Thứ nhất là tôi chỉ chép trong khoảng thời gian ông ta uống cà phê, trước khi ông ta về tôi cẩn thận đem tài liệu để lại đúng chỗ. Thứ hai, vì ông ta biết tôi đang làm những việc tối quan trọng cho Lê Liêm, nên trong khi tôi làm việc ông ta không bước vào phòng, vì ông ta phải giữ ý tứ". Đó là khoảng thời gian sau Tết Mậu Thân 1968. Những ổ gián điệp đó, theo lời ông Mười Nho, đã bị "tóm gọn" hết. (còn tiếp)
Bình luận (0)