Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 22: Mạo hiểm

13/03/2004 08:10 GMT+7

Trong những người thân tín của gia đình Nguyễn Văn Thiệu đưa về "cắm" ở Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo có Nguyễn Thành Long, cháu vợ Nguyễn Văn Thiệu. Long còn trẻ, chưa vợ, được Nguyễn Khắc Bình cho làm Giám đốc Nha Chính trị (ban Z).

Nghĩ rằng người này sẽ có vị trí cao hơn ở Phủ Đặc ủy nên ông làm thân với anh ta, hy vọng có thể khai thác được những tin tức quan trọng sau này. Long cũng rất tin tưởng ông và thường hỏi ý kiến ông về mọi chuyện. Anh ta nói thật với ông rằng anh ta đã nhờ vợ Nguyễn Văn Thiệu can thiệp cho mình được làm Đặc ủy phó hoặc phụ tá điều hành. Nhưng chức vụ phụ tá điều hành lúc đó đã được giao cho đại tá Nguyễn Phi Phụng mà Phụng là người của Trần Thiện Khiêm. Nguyễn Khắc Bình tuy là thủ hạ thân tín của Nguyễn Văn Thiệu nhưng vẫn sợ mất lòng Trần Thiện Khiêm vì ông Khiêm lúc này đang làm Thủ tướng.

Qua điều tra, ông được biết giữa vợ Trần Thiện Khiêm với vợ Nguyễn Văn Thiệu có mâu thuẫn. Nguyễn Văn Thiệu lại có tính sợ vợ, nên nhân vụ này ông xúi Nguyễn Thành Long báo cho vợ Thiệu biết chuyện Nguyễn Khắc Bình trọng dụng người của Trần Thiện Khiêm. Quả như dự đoán, vợ Nguyễn Văn Thiệu đã làm áp lục bảo chồng buộc Nguyễn Khắc Bình đưa Long thay thế Phụng. Nhưng vụ này kết quả diễn ra ngược với mong muốn của ông và của Nguyễn Thành Long. Do sự can thiệp của vợ Thiệu, Nguyễn Khắc Bình buộc phải đưa Nguyễn Phi Phụng khỏi Đặc ủy, chuyển về Tổng nha Quan thuế, nhưng lại đưa một người khác lên thay, người đó là đại tá Nguyễn Văn Tây, cũng là một người thân tín của Nguyễn Văn Thiệu. Còn Nguyễn Thành Long không những không được đề bạt mà còn bị Nguyễn Khắc Bình đưa xuống quân trường Thủ Đức.

GỬI ANH GIAO Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 22: Mạo hiểm - Ảnh 1.

Ảnh chụp bài báo đăng trên Thanh Niên ngày 13.3.2004

Trung tá Võ Thanh Phong về làm Giám đốc Nha Chính trị thay Long. Thời kỳ này dư luận chống đối Phủ Đặc ủy cho rằng phủ này là phủ "trốn tổng động viên", nên Nguyễn Khắc Bình giải thích với vợ Thiệu rằng Long còn quá trẻ, phải đưa đi "rèn luyện" một thời gian rồi sẽ rút về cho giữ chức phụ tá. Vợ Thiệu không biết nói gì, vả lại chúc vụ phụ tá lúc này cũng được giao cho người của Nguyễn Văn Thiệu nắm giữ. Trong vụ này, coi như ông Ba Quốc đã đi lạc một nước cờ.

Yêu cầu của cấp trên ngày càng khẩn trương, ngoài những tin tức thường xuyên mà ông lấy được dễ dàng từ vị trí công tác của mình, ông giữ mối quan hệ tốt với Giám đốc Nha Chính trị Võ Thanh Phong. Với cương vị là Trưởng ban Chính trị phụ trách các đảng phái, ông nắm rất chắc mọi diễn biến chính trị của các phe phái đối lập, hằng tuần ông và trung tá Phong gặp nhau để trao đổi tin tức. Ông thông báo tình hình cho ông ta vào chiều thứ sáu, sáng thứ bảy ông ta họp với Nguyễn Khắc Bình và sáng thứ hai ông ta báo lại cho ông biết về phương hướng công tác của Phủ Đặc ủy, những mâu thuẫn khó khăn trong nội bộ, những chỉ thị của Nguyễn Văn Thiệu... Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất của ông lúc này là phải tiếp tục phát hiện và lấy cho được các tài liệu về mạng lưới gián điệp của địch. Người mà ông "nhắm" vào là Nguyễn Đăng Khiêm, chủ sự kế hoạch của Nha Điệp báo (ban K).

Nguyễn Đăng Khiêm là một thầy tu xuất, không chơi bời hút xách và "kín như bưng". Ông đã "đi vào tình cảm" và trở nên thân thiết với người này qua việc cùng nhau nghiên cứu đất đai trồng trọt ở Long Khánh và bàn công việc làm ăn. Từ đó ông lái dần sang những vấn đề thời sự, rồi bàn đến những việc ở Phủ Đặc ủy. Kết quả cũng thật khả quan. Từ Nguyễn Đăng Khiêm, ông đã phát hiện 4 cán bộ của ta làm việc cho địch.

Đến tháng 5.1972, ông lại được cấp trên chỉ thị bằng mọi cách phải lấy cho bằng được hồ sơ của hai cán bộ ta làm mật vụ cho địch ở hai tỉnh. Ở trên đã biết là có hai nội gián làm việc cho địch nhưng không biết cụ thể tên tuổi, chức vụ. Với tư cách là một cán bộ nằm sâu trong mục tiêu, ông phải chấp hành chỉ thị này, nhưng đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Ông bảo, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo "áp dụng chế độ phát-xít" trong nguyên tắc bảo mật, người của nha này kình chống người của nha kia, nên việc đi lại rất phức tạp. Chấp hành chỉ thị này, ông đành phải mạo hiểm.

Thiết lập được "quan hệ làm ăn" với Nguyễn Đăng Khiêm, ông thường xuyên đến nhà Khiêm và vài ngày ông đến phòng làm việc của ông ta một lần... Ông đến phòng làm việc của ông ta mục đích là nghiên cứu kế hoạch đánh cắp tài liệu. Mỗi lần đến, ông quan sát để xác định tài liệu nằm ở tủ nào, ngăn nào, khóa gì, chìa ra sao, đồng thời quan sát quy luật đi lại, giờ giấc của Nguyễn Đăng Khiêm. Ông kể: "Sau khi nắm được quy luật, một buổi sáng tôi đột nhập vào ban K, lúc nhân viên canh gác còn đi uống cà phê. Tôi đến trước phòng làm việc của Nguyễn Đăng Khiêm lúc người tùy phái vừa làm xong nhiệm vụ mở cửa lau bàn và đã sang làm buồng bên cạnh. Tôi bước nhanh tới tủ, mở khóa. Tôi đã hai, ba lần đo khóa của ông Khiêm để làm chìa cho đúng. 

Tôi cũng thử làm như vậy để mở các tủ hành chính trong ban của tôi và mở rất tốt. Nhưng thật đáng tiếc, loại tủ Macadi trong phòng của ông Khiêm không mở được bằng khóa của tôi, mặc dù chìa khóa tôi làm rất đúng tầm, đúng cỡ. Đã không mở được mà chìa khóa còn bị kẹt trong tủ. Tôi hơi hốt hoảng, nhưng lúng túng một lát tôi cũng rút được chìa khóa và ngồi xuống ghế dành cho khách. Ngay lúc đó, trung tá Tiên, Giám đốc Nha Điệp báo từ cầu thang đi lên. Ông ta trân trân nhìn vào tôi, hỏi vào giờ này tôi tới đây có việc gì. Tôi trả lời rằng tôi đến gặp ông Khiêm hẹn ông ta chủ nhật đi Long Khánh. Trung tá Tiên yên lặng đi vào phòng làm việc của mình. 

Tôi vẫn ngồi đó, chờ cho Nguyễn Đăng Khiêm đến và rủ ông ta đi Long Khánh để chứng minh việc này là có thật. Khi ra về, tuy không lấy được tài liệu nhưng tôi yên tâm vì đã che được mắt địch. Tôi đang nghĩ đến một kế hoạch khác thì buổi chiều hôm đó đại úy Tâm, Trưởng ban An ninh của Nha Điệp báo đến gặp tôi. Đại úy Tâm trước đây là nhân viên dưới quyền của tôi thời tôi làm chỗ bác sĩ Tuyến. Anh ta báo cho tôi biết là anh ta được trung tá Tiên ra lệnh theo dõi tôi. Tôi báo cáo khẩn cấp về cấp trên, cấp trên chỉ thị ngưng không thực hiện kế hoạch đó nữa, 10 ngày sau, đại úy Tâm lại báo cho tôi biết anh ta đã được lệnh ngừng theo dõi tôi. Tôi báo về trên rằng tình hình đã yên, nhưng tôi vẫn nhận được chỉ thị thôi không thực hiện kế hoạch này. Vụ đó mãi đến sau giải phóng, khi khai thác những người chỉ huy và nhân viên Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo tôi mới nắm được danh sách hai cán bộ này, qua Nguyễn Đăng Khiêm". (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.