Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 24: Mật vụ và chính khách

15/03/2004 08:22 GMT+7

Sau việc "xúi" Nguyễn Cao Kỳ đảo chính Nguyễn Văn Thiệu không thành công, khi phong trào chống Thiệu bùng phát dữ dội, ông Ba Quốc bảo ông lại xáp vào làm một cuộc vận động nữa nhưng cũng thất bại. Ông rút kinh nghiệm và điều chỉnh lại các hoạt động.

Năm 1972 là năm có nhiều biến cố quan trọng. Nếu năm 1971 quân giải phóng mới tiêu diệt địch "dã ngoại" thì năm 1972 đã tiêu diệt địch ở những cứ điểm rắn nhất, giải phóng Quảng Trị, đánh đường 13 bao vây An Lộc... Mặc dù quân đội Sài Gòn được Mỹ yểm trợ không quân và hải quân với quy mô chưa từng thấy, mặc dù Mỹ điên cuồng ném bom dữ dội xuống Hà Nội và Hải Phòng cuối năm 1972, nhưng đây cũng là năm Mỹ phải chấp nhận thất bại, buộc phải ký Hiệp định Paris vào đầu năm 1973. Đây cũng là năm mà các phái đoàn quân sự từ Mỹ, Pháp, Thái Bình Dương... qua Sài Gòn nghiên cứu đồng nhất, cũng là năm mà các tướng tá quân đội Sài Gòn dao động chưa từng thấy. Lúc này ông Ba Quốc đã mở rộng thêm được nhiều mối quan hệ.

Về quân sự, từ năm 1971 ông lợi dụng mâu thuẫn giữa Đặc ủy trưởng Nguyễn Khắc Bình với Tổng tham mưu trưởng quân đội Cao Văn Viên để lấy cắp các tài liệu của Bộ Tổng tham mưu mà người cung cấp chỉ biết ông lấy cho Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo. Ông còn thân thiết với Giám đốc Trung tâm Tình báo hỗn hợp Bộ Tổng tham mưu Vũ Văn Nho, với nhiều phòng ban của Bộ Tổng tham mưu, rồi mở rộng quan hệ với chuẩn tướng Vũ Văn Giai (Quân đoàn I) và trung tướng Ngô Du (Quân đoàn II), với Phó đại sứ Mỹ Comer, với các sĩ quan Mỹ trong cơ quan MACV... Ông không chỉ lấy được những tài liệu nguyên bản về hồ sơ trận liệt suốt từ năm 1971 đến 1974 mà còn báo những tin quan trọng về tình trạng suy sụp của Quân đoàn 2 và kế hoạch sử dụng địa phương quân của Ngô Du, về mức độ tan vỡ của hai binh chủng Dù và Thủy quân lục chiến, về việc Lonnol gặp Nguyễn Văn Thiệu chuẩn bị thành lập các trung đoàn hỗn hợp dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, thông tin xung quanh việc Mỹ ném bom B52 ở Hà Nội...

GỬI ANH GIAO Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 24: Mật vụ và chính khách - Ảnh 1.

Ảnh chụp bài báo đăng trên Thanh Niên ngày 15.3.2004

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ một mặt ồ ạt đổ chiến cụ vào miền Nam, mặt khác tiếp tay cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vi phạm hiệp định, đẩy mạnh bình định lấn chiếm. Lúc này ngoài tin tức về quân sự, ông Ba Quốc được chỉ thị đi sâu vào các tổ chức chính trị và các phe phái đối lập. Ông kể: "Kinh nghiệm cho thấy tôi có nhiều khả năng cố vấn những âm mưu chống lại chính quyền bao nhiêu thì càng khai thác được nhiều tin tức bấy nhiêu.

Chẳng hạn, tôi "gà bài" cho dân biểu Vũ Công Minh (Vũ Công Minh, người của Hòa Hảo, trước đây dẫn đường cho ông gặp Trịnh Quốc Khánh hồi ông còn làm ở Sở Nghiên cứu chính trị, nên thân với ông từ đó - PV) thì không những tôi khai thác được tin tức của các phe phái Hòa Hảo mà còn sử dụng ông ta điều tra các phe phái tay chân của Mỹ hay của Nguyễn Văn Thiệu trong Hạ viện. Góp ý với Thái Lăng Nghiêm (thượng nghị sĩ) cách chống Nguyễn Văn Thiệu, tôi có thể sử dụng ông ta điều tra bàn tay của Mỹ, của Thiệu hay của Công giáo trong Thượng viện... Còn đối với linh mục Hoàng Quỳnh, lúc đó muốn thành lập Mặt trận nhân dân đòi hòa bình, tự do dân chủ với chủ trương muốn Chính phủ của Thiệu nói chuyện với Hà Nội còn mặt trận của ông ta nói chuyện với Mặt trận dân tộc giải phóng. Linh mục Quỳnh đã liên lạc được với Cao Đài, Hòa Hảo, nhưng chưa liên lạc được với Phật giáo Ấn Quang. Âm mưu của người Mỹ là sử dụng linh mục Hoàng Quỳnh để thành lập "mặt trận liên tôn" chống cộng, nên phải lôi kéo Phật giáo tham gia, vì nếu Phật giáo không tham gia thì các tôn giáo khác sẽ không theo. Tôi hứa với linh mục Quỳnh liên lạc với Phật giáo. Và khi gặp người của thượng tọa Trí Quang, tôi biết ông Trí Quang nắm rõ âm mưu của Mỹ nên không bao giờ hợp tác với Hoàng Quỳnh...".

Ông Ba Quốc kể tiếp: "Để có thể nắm được sát âm mưu của địch trong việc thi hành hiệp định và để nếu chính phủ ba thành phần được hình thành thì tôi đã nằm được trong phe cực hữu, tôi bắt đầu tham gia vào các tổ chức chính trị. Đầu tiên tôi gia nhập lực lượng nhân dân kiến quốc của luật sư Lê Trọng Quát với cương vị Ủy viên Trung ương phụ trách Tổng bộ chính trị. Tiếp đó, trước khi Nguyễn Văn Thiệu đi Mỹ gặp Nixon, ông ta liên lạc với Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Đảng Công nông, Nguyễn Ngọc Huy, Tổng thư ký Tân Đại Việt và Lê Trọng Quát yêu cầu lập mặt trận rộng rãi vừa để hậu thuẫn cho ông ta gặp Nixon vừa sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh chính trị để củng cố quyền lực. Sau nhiều ngày họp tại trụ sở Tổng liên đoàn Lao công, "Mặt trận quốc gia xã hội" được thành lập, gồm Đảng Công nông, Tân Đại Việt, Lực lượng nhân dân kiến quốc Việt Nam Quốc dân Đảng (nhóm Nguyễn Đình Lương), Việt Nam Dân chủ xã hội Đảng (nhóm Hòa Hảo của Lâm Thành Nguyễn) và Đảng Xã hội của Trương Lương Thiện (Cao Đài). Tôi tham gia mặt trận này với cương vị Ủy viên Trung ương phụ trách Tổng bộ Lao động".

Việc tham gia hoạt động chính trị như vậy cũng là "chức năng" của ông ở Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo, vì phủ này cũng cần đưa mật vụ vào nắm giữ các vị trí trong các tổ chức chính trị, bởi vậy coi như ông làm một công đôi việc. Bên cạnh các tin tức quân sự, tin tức chính trị ông gửi lên cấp trên trong thời kỳ này là nhiều nhất... (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.