Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 32: Những người chỉ huy ở phía sau

23/03/2004 07:35 GMT+7

Trong 3 người chỉ huy trực tiếp ông Ba Quốc, ông Văn Tùng và ông Bảy Anh đã mất, riêng ông Ba Hội vẫn còn sống.

Chúng tôi vẫn không có tài liệu nào về ông Văn Tùng mà chỉ nghe ông Ba Quốc kể lại vài dòng ngắn ngủi sau đây: "Đầu năm 1956, theo quy ước tôi đến Sở thú gặp anh Văn Tùng. Sau khi trao đổi về tình hình, anh Văn Tùng dự kiến đưa tôi vào một vị trí khác để có tác dụng tốt hơn cho công tác (lúc đó ông Ba Quốc mới vào Nam, đang làm kế toán ở Nha Công an Nam phần - PV). Bữa sau, tôi lặng người đi khi đọc một cái tin trên báo: Anh Văn Tùng đã bị hạ sát bằng súng sáu trong lúc đang ngủ tại một căn nhà ở xóm Chuồng Bò cùng với mấy người khác... Trên đường tới viếng mộ anh, tôi cũng nghĩ tới bản báo cáo của tôi đưa cho anh bữa trước có thể lọt vào tay địch, nếu như vậy thì địch sẽ biết anh là cán bộ cách mạng và tất chúng sẽ bố trí để bắt những người đến tìm hiểu về cái chết của anh hoặc đến thăm mộ anh, nhưng tôi nghĩ anh chết tôi không đi đưa, mộ anh tôi cũng không dám viếng thì tôi không còn là gì nữa cả. Song tới nơi tôi cũng yên tâm vì người ta đến viếng mộ anh cũng rất đông, địch dù có phục cũng không làm gì được. Khi về, trong lòng tôi tiếc thương lo buồn lẫn lộn. Anh Văn Tùng rất thông minh và còn trẻ quá. Anh mất đi, tôi không biết liên lạc với ai nữa. Tôi thấy như đôi mắt đen láy của anh lúc nào cũng nhìn tôi...". Đó là tất cả những gì chúng tôi biết về ông Văn Tùng.

GỬI ANH GIAO Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 32: Những người chỉ huy ở phía sau - Ảnh 1.

Ảnh chụp bài báo đăng trên Thanh Niên ngày 23.3.2004

Còn ông Ba Hội, tức Trần Văn Hội, năm nay gần 90 tuổi, hiện vẫn còn sống tại Hà Nội nhưng đã rất già yếu. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là cán bộ Nha Tình báo trung ương, sau năm 1954 ông vào Nam làm chỉ huy điệp báo. Đến cuối năm 1956, ông phụ trách một cụm tình báo quan trọng gồm 18 cơ sở, nhiều lưới tình báo trong cụm của ông hoạt động có hiệu lực cao, trong đó có ông Ba Quốc. Ông bị mật vụ của Ngô Đình Cẩn bắt (năm 1958). Sau đảo chính Ngô Đình Diệm, ông được thả ra cùng lúc với ông Mười Hương vì địch không có đủ chứng cứ kết tội ông là "Việt Cộng". Ông Sáu Trí (tướng Nguyễn Đức Trí, nguyên Thủ trưởng Cơ quan tình báo miền) kể: "Anh Ba Hội là người chỉ huy tình báo rất giỏi. Anh bị bắt không quả tang, nên sau khi ra tù vẫn ở lại hoạt động trong vùng địch tạm chiếm. Nhà ảnh có mua một chiếc xe hơi, năm 1968, ta đã dùng chiếc xe hơi ấy chở biệt động đi đánh Tòa đại sứ Mỹ. Cơ quan tình báo miền thấy ảnh chắc chắn sẽ bị lộ vì địch truy lùng chủ chiếc xe ấy, nên rút ảnh ra căn cứ làm Cụm trưởng Cụm Tình báo A36. Anh Ba Quốc thuộc cụm tình báo đó. Anh Ba Hội là một cán bộ tình báo cao tuổi, anh mang cặp kính rất dày, đi với ngành tình báo từ Cách mạng Tháng Tám, đã trải qua đủ thử thách với các cảnh ngộ nghiệt ngã và luôn luôn tận tụy với công tác cách mạng, với ngành tình báo. Anh đã có công lớn khôi phục lại các lưới tình báo và cơ sở tình báo mật bị đứt sau vụ bể năm 1957-1958, có người có vị trí cao nằm trong mục tiêu tình báo, có cán bộ mật có năng lực và lập được nhiều thành tích. Trong cuộc sống, anh Ba Hội có thái độ lạc quan đặc biệt. Mỗi lần gặp anh, mọi người bao giờ cũng được nghe những câu chuyện dí dỏm để cười, cười đến đau bụng. Anh ra Bắc trước giải phóng".

Về ông Bảy Anh (tên thật là Nguyễn Văn An), thực ra không hề bị "mất tích" như ông Ba Quốc nghĩ. Sở dĩ ông Ba Quốc nói ông Bảy Anh "mất tích" là vì sau năm 1968 ông Bảy Anh không gặp ông Ba Quốc nữa mà thôi. Ông vẫn là người chỉ huy trong cụm. Chúng tôi hỏi ông Sáu Trí về ông Bảy Anh. Ông Sáu Trí nói: "Anh Bảy Anh là cán bộ quân sự rất giỏi và rất có kỷ luật, được học nghiệp vụ tình báo một cách có hệ thống. Ảnh là Cụm phó Cụm A36. Khi anh Ba Hội ra Bắc, ảnh làm cụm trưởng. Ảnh đã nhiều lần vào thành công tác, tiếp xúc trực tiếp với anh Ba Quốc và bồi dưỡng chính trị cũng như nghiệp vụ cho lực lượng mật trong nội thành. Ảnh là người đã sáng tạo ra cách viết báo cáo bằng tốc ký theo kiểu mật ngữ để bảo mật nội dung báo cáo từ cơ sở gửi về cụm, ảnh cũng tự mã hóa thông tin. Lúc anh Ba Quốc bảo anh Bảy Anh bị mất tích chính là lúc anh chuyển sang làm tình báo chiến dịch".

Chúng tôi đã kể với bạn đọc chuyện vợ ông Bảy Anh làm giao liên nội đồ cho ông Ba Quốc. Ông Sáu Trí nói thêm: "Anh chị Bảy Anh là một đôi vợ chồng kiểu mẫu. Khi anh tập kết, chị ở lại miền Nam tham gia hoạt động chính trị, bị tù đày nhưng đã giữ trọn khí tiết. Khi chồng vào Nam chiến đấu, chị đã tòng quân cùng đơn vị của chồng, làm giao liên hợp pháp cho lưới tình báo chủ lực của cụm (lưới ông Ba Quốc - PV)".

Trong câu chuyện giữa ông Sáu Trí với chúng tôi, có ông Tư Cang (Cụm trưởng phụ trách lưới tình báo Phạm Xuân Ẩn) và vợ ông Sáu Trí tham gia. Đến đoạn nói về vợ chồng ông Bảy Anh, bà Sáu Trí trở nên phấn chấn: "Hai ông bà đó tình tứ lắm nghen. Thư tình họ viết cho nhau cũng toàn bằng mật mã không hà". Còn ông Tư Cang thì tranh thủ "kể công": "Chính tui đã giúp ông Bảy Anh gặp lại vợ ổng đó. Hồi đó ổng làm cụm trưởng, tui cũng làm cụm trưởng. Trước, ở Phú Hòa Đông bị địch ruồng bố gắt gao, tui phải nhờ đường dây của ổng đưa về Sài Gòn. Sau này, ổng nhờ tui móc nối giùm vợ ổng, hồi đó ổng chưa liên lạc được với vợ. Ông đã giúp đưa tôi vào Sài Gòn, còn tôi thì giúp ổng gặp lại vợ". Kể xong, ông Tư Cang cười thật vui vẻ. Chúng tôi bỗng nhớ lại những tiếng cười của những "lão tướng" tình báo, họ đều trên dưới tuổi 80, nhưng ai cũng có tiếng cười thật trong trẻo, trong trẻo như trẻ thơ... (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.