Không thể vô cảm đứng nhìn nạn nhân
Về xã Tuấn Việt (huyện Kim Thành) hỏi thăm ông Tuy cứu hộ thì các anh xe ôm không ai không biết, vì hầu hết các anh xe ôm trên đoạn đường này đều từng được ông Tuy tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT).
Năm nay đã bước qua tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng ông Tuy vẫn rất dẻo dai và minh mẫn. Hơn 30 năm làm công việc cứu người, ông Tuy đã sơ cứu cả ngàn vụ, ông chỉ mong công việc này ít dần đi để không phải chứng kiến các vụ TNGT, ai cũng được bình an trên cung đường mưu sinh.
Chuyện là, cuối những năm 1980, gia đình ông chuyển ra ven đường quốc lộ 5 đoạn km 67 sinh sống và bán quán nước. Ông Tuy không ngờ rằng khu vực này lại thường xuyên xảy ra TNGT đến thế, có ngày 2 – 3 vụ và được coi là điểm đen TNGT. Vốn chỉ là một người dân bình thường chưa có kỹ năng sơ cấp cứu nên mỗi lần thấy nạn nhân nằm sõng soài ra đường, ông Tuy rất thương xót, song không biết làm cách nào giúp họ. Cùng lắm, ông chỉ biết gọi cấp cứu và đành phải đợi nhân viên y tế đến. Mà, không phải vụ nào xe cấp cứu cũng đến được ngay, thời gian nạn nhân nằm chờ là thời gian vàng để giúp nạn nhân giảm thiểu thương tích, nếu để lâu có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Đáng nói, có vụ TNGT xảy ra, một vài người dân chỉ biết xúm lại xem, chỉ trỏ mà không có động thái hỗ trợ. Rồi thêm vài đối tượng xấu nhân cơ hội tìm cách hôi của, lấy đồ đạc của nạn nhân khiến ông Tuy vừa bức xúc vừa đau lòng. Ông Tuy bèn tự học cách sơ cấp cứu nạn nhân và bắt đầu sơ cứu nạn nhân TNGT từ năm 1992.
Kể từ đó, bất kỳ khi nào nghe tin có TNGT quanh khu vực, ông Tuy lại tức tốc bỏ lại mọi công việc chạy đến sơ cấp cứu nạn nhân. "Mưa dầm, gió rét hay nắng lửa, đêm hôm, kể cả lúc vừa bưng bát cơm lên hay trong người đang ốm, cứ nhận được điện thoại tôi đều ưu tiên việc đến sơ cấp cứu đầu tiên, khi đó nạn nhân đang rất cần mình", ông Tuy trải lòng.
Các dụng cụ y tế như nẹp, gạc, bông băng y tế… ông Tuy đều tự bỏ tiền mua, âm thầm cứu giúp nạn nhân mà không đòi hỏi họ trả ơn. Lúc đó, hai vợ chồng ông bà còn bán 2 tạ thóc đi lấy tiền mua thiết bị y tế, dù kinh tế gia đình chẳng khá giả gì.
Một số người chưa hiểu việc ông làm cứ đứng ngoài xì xào, bàn tán, cho rằng ông nhân cơ hội để "kiếm chác" và đòi nạn nhân trả công cao sau khi qua khỏi. Song, ông đều bỏ ngoài tai vì lương tri của ông luôn dành để nghĩ đến việc cứu giúp nạn nhân nhanh nhất cũng như bảo vệ tài sản cho nạn nhân, chứ không màng miệng lưỡi thế gian.
Tiếng lành đồn xa, năm 1999, Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Thành đã lập điểm sơ cấp cứu ngay tại nhà ông và ông được cử đi tập huấn lớp sơ cấp cứu. Năm 2006, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương phối hợp tổ chức dự án nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu TNGT trên quốc lộ 5, ông Tuy được chọn tham gia và tập huấn nâng cao. Ông được hội cấp cho túi bông băng và một chiếc tủ đựng. "Những ca nặng được tôi sơ cấp cứu xong rồi vẫy xe đưa họ vào bệnh viện huyện Kim Thành. Các ca xây xát nhẹ tôi đưa luôn vào nhà băng bó rồi chăm sóc thuốc thang đến họ khi khỏe lại", ông Tuy chia sẻ.
Nhận thấy cần phát triển mạng lưới sơ cấp cứu từ những người làm nghề xe ôm quanh khu vực, năm 2008, ông Tuy đã vận động được 12 người thành lập Đội xe ôm cứu hộ, do ông làm đội trưởng. Họ được ông tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu, mặc đồng phục và được phân chia địa bàn, ca kíp để nắm được thông tin sớm nhất.
Trong ký ức ông Tuy, trường hợp TNGT của anh Đào Hồng Phúc năm 2002 khiến ông nhớ nhất. Sau cú va chạm, anh Phúc hôn mê nằm tại chỗ. Nhận được tin ông Tuy đã vội đến ngay sơ cứu và bảo vệ tài sản cho anh Phúc. Sau khi khỏe lại, anh Phúc đã đến nhà thăm ông Tuy và ngỏ lời tặng ông một số tiền lớn cảm ơn nhưng ông Tuy đã từ chối và nói rằng, "tôi giúp người bằng tấm lòng, không cần trả ơn tôi!".
Ngoài ra, để nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông, ông Tuy thường dùng loa tay vận động người dân đi đúng phần đường, tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, tuyên truyền các hộ ven đường không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Hình ảnh ông lão tóc bạc trắng dẫn các em học sinh qua đường đoạn ga Phạm Xá mấy chục năm nay vẫn để lại ấn tượng đẹp với những ai từng đi qua khu vực này.
"Năm 2018, người sơ cấp cứu phải có chứng chỉ y tế về sơ cấp cứu nên chúng tôi ngừng hoạt động 2 năm. Năm 2020, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương tổ chức lại đội sơ cấp cứu, tôi có tham gia. Tôi sẽ còn làm công việc này đến khi nào sức khỏe còn cho phép", ông Tuy chia sẻ.
Chăm lo cho người khuyết tật
Không chỉ mang tấm lòng thiện lương cứu giúp người TNGT, ông Tuy còn là người năng động làm kinh tế và hết lòng hỗ trợ người yếu thế trong xã hội. Năm 2005, ông thành lập một trung tâm dạy nghề may bao bì đóng gói nông sản cho người khuyết tật. Ông đã nhận các em khuyết tật, ảnh hưởng chất độc da cam, người tai nạn lao động vào dạy nghề và làm việc.
"Người khuyết tật chủ yếu bị câm, điếc hoặc giảm thiểu trí nhớ, ảnh hưởng bởi chất độc da cam… Dạy nghề cho họ rất khó phải cầm tay chỉ việc và giữ được tinh thần vui vẻ, không cáu mắng. Chúng tôi coi nhau như người trong gia đình. Người lao động được tặng quà các dịp lễ, tết, được nghỉ phép và đi tham quan du lịch hè", ông Tuy cho biết.
Giai đoạn đầu, ông Tuy đã dạy nghề cho khoảng 100 em, một số em đến nay vẫn gắn bó với ông, một số em tay nghề khá hơn đã đi làm chỗ khác. Ông Tuy nói, để có thể giao tiếp với các em bị câm điếc ông đã đi học một lớp về ngôn ngữ ký hiệu. Đối với các cháu giảm thiểu trí nhớ, ông Tuy phải luôn dặn dò các cháu hằng ngày vì nhiều khi các cháu đang làm lại bỏ đi sang chỗ khác hoặc sai làm việc này lại làm việc kia. Hiện, nay xưởng của ông Tuy có 33 nhân công lao động là người khuyết tật và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bà Phạm Thị Phi, lao động tại xưởng chia sẻ: "Bác Tuy là người rất tốt và chân thành. Hồi 3 năm trước tôi bị tai nạn gãy mất một chân không biết làm việc gì. Sau đó, tôi được bác Tuy nhận vào làm và có thu nhập để chi tiêu sinh hoạt bản thân. Đến đây làm tôi cảm thấy rất vui và thoải mái".
Dù tuổi đã cao nhưng ông Tuy chưa vội nghĩ đến việc nghỉ ngơi. Ông bảo rằng, sẽ dựng thêm một xưởng nữa để nhận thêm các em khuyết tật vào làm giúp các em có sinh kế, ổn định cuộc sống tốt hơn. Hiện nay, con trai ông đang dần thay ông quản lý công việc tại xưởng và vẫn duy trì việc nhận và đào tạo nghề cho người yếu thế.
Với những cống hiến cho cộng đồng suốt hơn 30 năm qua, ông Nguyễn Ngọc Tuy đã nhận được bằng khen của T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, bằng khen của tỉnh Hải Dương, giải thưởng KOVA - Những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội năm 2006.
Bình luận (0)