Sáng 22.6, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 15 ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị).
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
hanoi |
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 15 ngày 5.5.2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo ông Dũng, tại Nghị quyết 15, Bộ Chính trị nêu rõ 4 quan điểm, 2 mục tiêu lớn đối với từng giai đoạn với nhiều điểm mới để lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng, phát triển thủ đô Hà Nội trong trung và dài hạn.
Theo đó, đến năm 2030, thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Tốc độ tăng trưởng ngang GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.
Đến năm 2045, thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Tại hội nghị, các tham luận, góp ý đều khẳng định, Nghị quyết 15 có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với sự phát triển của thủ đô Hà Nội, mà còn đối với cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố trong Vùng thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Hà Nội cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch, sớm hoàn thành Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở triển khai tổ chức quản lý điều hành trong công tác đầu tư, kêu gọi đầu tư, huy động vốn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đồng hành cùng với UBND TP.Hà Nội để phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15, đóng góp vào thành công của công tác xây dựng và phát triển đô thị trên cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa thống nhất cao và coi việc thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị là trách nhiệm chính trị và sẽ thực hiện với quyết tâm chính trị trên tinh thần vì Hà Nội, cùng Hà Nội. Ông Nghĩa cho biết, trước mắt, Hưng Yên sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô với quyết tâm hoàn thành trước năm 2027 như Quốc hội đã đề ra.
Tạo chuyển biến thực sự diện mạo thủ đô
Phát biểu kết luận, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu trước hết TP.Hà Nội phải quán triệt sâu sắc nội dung nghị quyết; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với những hình thức phong phú, thiết thực, phát huy vai trò các cơ quan báo chí truyền thông; qua đó nâng cao nhận thức, thống nhất ý chí trong cán bộ và nhân dân thủ đô về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Hà Nội trong những năm tới.
Ông Võ Văn Thưởng lưu ý Hà Nội phải chọn việc có trọng điểm để hoàn thành các mục tiêu quy hoạch từ nay tới 2030 |
hanoi |
Đồng thời, huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại; xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; động lực có tính dẫn dắt lan toả đối với Vùng thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới; ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, đặc biệt là Hà Nội phải tập trung quyết liệt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nghị quyết. Phải tập trung xây dựng chương trình hành động; tạo bước phát triển rõ rệt của thủ đô. Ngay sau hội nghị, phải tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án với nội dung cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, lộ trình thực hiện, phấn đấu tạo chuyển biến rõ rệt về phát triển thủ đô; định kỳ hằng năm đánh giá việc thực hiện, kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm chỉ đạo cụ thể hóa nội dung nghị quyết, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở hành lang pháp lý phát triển thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.
“Cần lưu ý rằng, việc thực hiện nghị quyết không chỉ của riêng Hà Nội, mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước. Trong đó, các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư, các tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có liên quan nhiều đến sự phát triển thủ đô cần xác định rõ trách nhiệm của mình, chủ động phối hợp với Hà Nội để triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết”, ông Thưởng nói.
Ông Thưởng cũng lưu ý, từ nay đến năm 2030 chỉ còn 8 năm, vì thế, Hà Nội phải chọn việc trọng điểm, quyết tâm hoàn thành, làm cho bằng được, tạo chuyển biến thực sự diện mạo thủ đô, nhất là Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm trật tự an toàn đô thị, môi trường xanh, sạch đẹp, xây dựng được một số công trình văn hóa tiêu biểu, hạ tầng giao thông hiện đại tạo niềm tin cho nhân dân...
Theo ông Thưởng, giải pháp có tính quyết định trong thực hiện Nghị quyết 15 là phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thủ đô thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, đồng thời hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển quản lý thủ đô trong giai đoạn mới.
Bình luận (0)