Ông Vũ Trọng Kim: 'Thanh niên xung phong không phải chỉ vác đất đá'

25/12/2020 16:13 GMT+7

Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị định triển khai luật Thanh niên , ông Vũ Trọng Kim cho rằng, thanh niên xung phong phải đi vào việc mới, việc khó, chứ không phải chỉ làm việc tay chân, vác đất đá như trước.

Sáng 25.12, T.Ư Đoàn và Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị định triển khai luật Thanh niên với sự chủ trì của anh Bùi Quang Huy, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu nguyên là cán bộ Đoàn.
Hội nghị lấy ý kiến phản biện về 2 nghị định, gồm: Nghị định Quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Nghị định Quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong và thanh niên tình nguyện.

Phát huy chất xám của thanh niên

Góp ý về chế độ chính sách đối với thanh niên xung phong và thanh niên tình nguyện, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong, cho rằng chính sách dành cho 2 đối tượng này phải ưu việt và đủ sức hút thanh niên, nhưng dự thảo nghị định vẫn mang tính chất hô hào, chưa định lượng cụ thể.
Ông Kim nói: “Quy định kinh phí thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong do Nhà nước đảm bảo một phần, một phần là bao nhiêu, luật chưa có định tính nào cụ thể thì làm sao kêu gọi thanh niên được. Khi chưa cụ thể hóa thì chỉ là hô hào thôi”.

Ông Vũ Trọng Kim nêu ý kiến tại hội nghị

Ảnh Trịnh Lý

Đặc biệt, ông Kim cho rằng, các dự án, chương trình để thanh niên xung phong tham gia phải cụ thể và cần có các dự án về khoa học công nghệ để phát huy chất xám của thanh niên.
“Thanh niên xung phong phải đi vào việc mới, việc khó, chứ không phải chỉ làm việc tay chân, vác đất đá như trước. Có thể thanh niên chỉ ngồi ở Hà Nội nhưng tập hợp nhóm làm một dự án về khoa học công nghệ, cần thời gian ngắn để hoàn thành. Sao chúng ta không nghĩ đến chất xám của thanh niên? Tôi đề nghị có quy định thanh niên xung phong trong lĩnh vực công nghệ, để phát huy được trí tuệ của thanh niên”, ông Kim nhấn mạnh.

Phải có chính sách đủ thu hút, khuyến khích thanh niên

Tại hội nghị, ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng cho rằng nghị định phải quy định chi tiết, mới thực sự động viên, phát huy được thanh niên, chứ không lại chỉ mang tính chất hô hào, không đi vào cuộc sống.
“Thanh niên xung phong và thanh niên tình nguyện không chỉ là sáng tạo của Đảng, của Bác trong lịch sử, mà là sứ mệnh, trách nhiệm của thế hệ sau. Hiện hai lực lượng này không chỉ có giá trị lịch sử mà trong giai đoạn mới, màu áo xanh tình nguyện và xung phong là phương thức hoạt động hiệu quả của Đoàn thanh niên.
Vì vậy, muốn phát huy được lực lượng này, thì Nhà nước phải có chính sách đủ thu hút khuyến khích thanh niên. Đó là trách nhiệm của Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành địa phương”, ông Hạ đánh giá.

Ông Tạ Văn Hạ phát biểu tại hội nghị

Ảnh Trịnh Lý

Ông Hạ cũng cho rằng, thanh niên xung phong trong dự thảo nghị định mới chỉ thể hiện làm việc cơ bắp, chân tay. “Thanh niên phải xung kích vào lĩnh vực tinh hoa, và phải có chính sách thu hút thanh niên xung phong vào trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, vì thời đại 4.0 rồi. Chính sách phải bắt nhịp xu thế phát triển của thời đại, có sự chuyển mình theo xu thế của xã hội. Thanh niên bây giờ không giơ nắm đấm lên trời như trước đây, mà đầu chổng ngược xuống đất, chân giơ lên trời rồi”, ông Hạ ví von.
Ông Hạ cũng nhấn mạnh, mỗi chính sách phải đánh giá tác động đa chiều để khi ban hành ra không ở trên trời, mà đi vào cuộc sống.
“Chính sách phải cụ thể chi tiết, mạnh dạn để thu hút thanh niên. Họ xác định vào những lĩnh vực khó là để có công ăn việc làm, có lương, có chế độ chính sách… nên phải ban hành chính sách thu hút người giỏi vào lực lượng này. Họ xung kích đi vùng sâu, vùng xa, khi về phải được đề bạt, quy hoạch như thế nào, chứ cứ “tiết kiệm” như thế này thì không thu hút, khuyến khích được đâu”, ông Hạ phân tích.

Phải thay đổi tư tưởng, cách nghĩ về tuổi trẻ

Góp ý dự thảo Nghị định về đối thoại với thanh niên, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết: “Chúng ta phải thay đổi tư tưởng, cách nghĩ về tuổi trẻ. Không phải tổ chức đối thoại là vì thanh niên, mà đối thoại là vì mình, vì Chính phủ và vì tương lai của dân tộc”.

Ông Nguyễn Viết Chức bày tỏ quan điểm tại hội nghị

Ảnh Vũ Thơ

Ông Chức cho rằng, quy định của nghị định phải thoát ra khỏi tư tưởng ban phát cho thanh niên. “Trong dự thảo nghị định tư tưởng không lột ra được. Thanh niên không phải là chủ thể mà là đối tượng được cho cái này, cái kia. Phải là cơ chế tôi làm, tôi chịu trách nhiệm. Việc ưu ái, ưu tiên cũng phải “đập đầu ra” để suy nghĩ cho phù hợp”, ông Chức nói.
Đồng thời, ông Chức nhấn mạnh việc phải đổi mới tư duy trong ban hành chính sách. Chính sách là phải được cái gì, chứ không phải ai làm cái này, cái kia, đấy là tư tưởng ban phát. “Gặp làm gì, đối thoại để làm gì, người đứng đầu cần thanh niên chứ không phải thanh niên cần người đứng đầu. Chúng ta phải thay đổi tư duy, nếu không đổi được, đất nước sẽ tụt hậu”, ông Chức nói.
Cùng quan điểm này, PGS - TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó trưởng khoa Pháp luật, Trường đại học Luật Hà Nội, cũng cho rằng quy định về đối thoại với thanh niên còn chung chung, mang tính chất hô hào.
“Nhà nước đảm bảo kinh phí để đối thoại với thanh niên, nhưng kinh phí gì, ra sao, mỗi năm bao nhiêu tiền, thì không rõ, nên ít tính khả thi”, ông Tuyến nói. Đồng thời, ông Tuyến cho rằng, cần có quy định đối thoại phải dân chủ và xem xét tiếp thu, nếu không chỉ mang tính hình thức.
Sẽ tiếp thu nghiêm túc toàn bộ ý kiến
Nêu quan điểm sau khi nghe các ý kiến tại hội nghị, ông Doãn Đức Hảo, Phó vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, cho biết dự thảo nghị định đang được xin ý kiến thẩm định.
“Hội nghị này đã mở ra rất nhiều ý kiến và sẽ được tiếp thu nghiêm túc toàn bộ. Chúng tôi xác định ban hành nghị định là để thanh niên được chăm lo, tạo điều kiện tham gia vào đời sống xã hội và phát triển”, ông Hảo khẳng định.
Kết luận hội nghị, anh Bùi Quang Huy đánh giá, các ý kiến tại hội nghị rất xác đáng và tâm huyết, là cơ sở cho quan trọng cho Bộ Nội vụ tiếp thu, xây dựng nghị định trở thành một chính sách thiết thực, mang hơi thở cuộc sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.