Ông Vũ Văn Diện lần thứ 2 làm Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh

30/03/2023 17:18 GMT+7

Ông Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy Hạ Long, vừa được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Sáng 30.3, kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc để thảo luận, quyết nghị một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh Quảng Ninh.

Ông Vũ Văn Diện lần thứ 2 làm Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh  - Ảnh 1.

Ông Vũ Văn Diện lần thứ 2 được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

L.N.H.

Đáng chú ý tại kỳ họp, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã bầu bổ sung chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo đó, ông Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy Hạ Long, là ứng viên duy nhất được đưa ra bầu chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và đã trúng cử với tổng số phiếu đạt 100% đại biểu triệu tập có mặt tại kỳ họp.

Ông Vũ Văn Diện (54 tuổi, quê quán xã Trung Lập, H.Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng) có trình độ kỹ sư Vật liệu xây dựng; thạc sỹ Vật liệu và Công nghệ vật liệu xây dựng.

Quá trình công tác tại Quảng Ninh, ông Vũ Văn Diện từng giữ các chức vụ: Trưởng Ban quản lý dự án công trình H.Tiên Yên; Phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ninh; Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Tiên Yên.

Tháng 12.2015, ông Vũ Văn Diện từng được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Đến tháng 12.2018, ông Vũ Văn Diện được chỉ định tham gia giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.

Tháng 2.2019, ông Vũ Văn Diện tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Tháng 2.2020, ông Vũ Văn Diện được phân công bổ nhiệm giữ làm Bí thư Thành ủy Hạ Long.

Như vậy, bộ máy lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh hiện nay gồm: ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh gồm: ông Vũ Văn Diện, ông Bùi Văn Khắng và bà Nguyễn Thị Hạnh.

Cũng tại kỳ họp, HĐND tỉnh Quảng Ninh sẽ xem xét, thảo luận, quyết nghị các nội dung về điều chỉnh, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2023; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 333; điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công.

Đáng chú ý, tại kỳ họp này HĐND tỉnh Quảng Ninh sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025 nhằm cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2023 về "nâng cao chất lượng đời sống người dân", nhất là nhóm đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo để mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo...

Quảng Ninh thu ngân sách quý 1/2023 đạt 14.800 tỉ đồng

Theo HĐND tỉnh Quảng Ninh, tăng trưởng kinh tế GRDP quý 1/2023 ước đạt 8,06%, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 14.800 tỉ đồng, bằng 27% so với dự toán, tăng 8% cùng kỳ, đứng trong tốp đầu cả nước; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 500 triệu USD.

Ông Vũ Văn Diện lần thứ 2 làm Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh  - Ảnh 2.

Trong quý 1/2023, Quảng Ninh tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt 8,06%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 14.800 tỉ đồng

L.N.H.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng hoàn thành phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời đã hoàn thành Quy hoạch chung TP.Hạ Long đến năm 2040 sau khi sáp nhập H.Hoành Bồ vào TP.Hạ Long.

Ngoài ra, Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo tiêu chí quốc gia trước 3 năm để chuyển sang giai đoạn giảm nghèo mới theo tiêu chí riêng của tỉnh; hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, bước vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị hóa, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, bên cạnh những kết quả đó, từ thực tiễn của quý 1, địa phương này tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững; khu vực công nghiệp, xây dựng là trụ cột quan trọng nhất, còn dư địa rất lớn, nhưng tốc độ tăng trưởng giảm mạnh so với cùng kỳ; ngành than chưa được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách tổng thể, căn cơ; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận vốn.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Ký, trong quý I Quảng Ninh giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế; việc phân khai vốn vẫn còn chậm. Chất lượng chuẩn bị đầu tư một số dự án trọng điểm còn chưa đạt yêu cầu; một số công trình trọng điểm chậm tiến độ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vật liệu san lấp, bãi đổ thải, thủ tục chuyển đổi đất lúa, đất rừng sang mục đích khác. Năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa, tổ chức thực thi nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của chính quyền, nhất là ở cơ sở và một số địa phương cấp huyện còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.