(TNO) Thầy giáo hỏi: Ai là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng? Cả lớp trả lời: Neil Armstrong, thầy ơi! Thầy hỏi tiếp: Ai là người... thứ hai đặt chân lên mặt trăng? Cả lớp tiu nghỉu:... ơ, không biết. Thầy giáo nói: Các con thấy chưa, không ai nhớ đến kẻ đến thứ hai!
Hình ảnh cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandy được dựng lại trong bộ phim Saving Private Ryan do Steven Spielberg đạo diễn - Ảnh: Reuters
|
Đùa chút vậy thôi, chứ tình trạng đó không hẳn luôn đúng trong phim ảnh nhé. Nói về giải Oscar dành cho Phim hay nhất chẳng hạn, danh giá nhất quả đất thật đấy, hơn 40 triệu người xem trực tiếp thật đấy, nhưng cũng chỉ là một giải thưởng do một nhóm các ông già trong Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ bầu ra mà thôi. Vì vậy không ít trường hợp phim được giải thì mấy năm sau chìm nghỉm chẳng còn ai nhớ tới, trong khi phim... hụt thì lại được bàn dân thiên hạ và các nhà phê bình lôi ra xem xét, bình luận, xuýt xoa mãi không thôi. Á hậu mà lại được hâm mộ hơn cả hoa hậu là vậy.
Nhân dịp Oscar 2015 sắp tới, cùng nhìn lại một số bộ phim được đánh giá cao cả về nghệ thuật lẫn giải trí trong khoảng năm 1990 - 2000 nhưng không thể chạm được bức tượng vàng.
Shawshank Redemption (năm 1994):
Ảnh chụp Poster phimShawshank Redemption
|
Shawshank Redemption được chuyển thể từ truyện vừa Rita Hayworth và Shawshank Redemption của nhà văn Stephen King. Phim có khởi đầu không mấy thuận lợi nhưng nhanh chóng chiếm lĩnh các bảng xếp hạng kinh điển nhờ cốt truyện và diễn xuất tuyệt vời của Tim Robbins và Morgan Freeman (kiêm dẫn truyện.) Là bộ phim chiếm vị trí số 1 trên bảng xếp hạng IMDB từ năm 2008. Shawshank Redemption có sức hút đặc biệt vì những thông điệp đơn giản mà mạnh mẽ về tình bạn, tình người, lòng can đảm, sự bền bỉ, trái tim trong sáng... Tuy phần lớn bối cảnh bộ phim diễn ra trong một nhà tù, nhưng người xem vẫn cảm nhận được niềm hy vọng tràn ngập trong Shawshank Redemption.
Pulp Fiction (năm 1994):
Năm 1994 quả là một năm của nhiều ứng cử viên sáng giá. Cùng cạnh tranh với Shawshank Redemption là bộ phim có chủ đề tội phạm Pulp Fiction của đạo diễn Tarantino. Bộ phim được coi là đã đánh dấu một cuộc cách mạng trong phim ảnh vì có mạch truyện không theo trình tự thời gian, những đoạn đối thoại rất quái, và cách Tarantino sử dụng những yếu tố của văn hóa đại chúng theo cách vừa tưng tửng vừa “nghiêm trang”. Bộ phim cũng là sự hợp tác đầu tiên giữa Tarantino và nữ diễn viên tóc vàng Uma Thurman. Pulp Fiction quy tụ một lượng fan hùng hậu và được các nhà phê bình đánh giá rất cao.
Tiếc thay, cả Pulp Fiction và Shawshank Redemption đều bị đánh bay khỏi ngôi vị Phim hay nhất bởi Forrest Gump. Về sau, nhiều người nhận xét: Khi thời gian trôi qua, chúng ta nhận ra rằng Forrest Gump là một bộ phim hay, nhưng Pulp Fiction và Shawshank Redemption mới là những bộ phim "vĩ đại".
Saving Private Ryan (năm 1998):
Giải cứu binh nhì Ryan (Saving Private Ryan) là bộ phim đề tài chiến tranh của đạo diễn Steven Spielberg, trong đó kể lại câu chuyện về một nhóm các binh sĩ đi tìm kiếm binh nhì Ryan - người con trai cuối cùng còn sót lại của một gia đình toàn liệt sĩ. Matt Damon, diễn viên đóng vai binh nhì Ryan, bị đạo diễn Steven Spielberg ra lệnh cách ly với các diễn viên khác để cảnh quay khi họ gặp nhau diễn tả được sự xa lạ một cách thật nhất. Cảnh cuối phim khi binh nhì Ryan, lúc đó là một ông già tóc bạc trắng, tới thăm mộ các đồng đội đã hy sinh cho anh được sống, có thể khiến cho những trái tim sắt đá nhất phải tan chảy.
Tuy được ca ngợi và giành vô số giải thưởng nhưng bộ phim lại ngậm ngùi thua cuộc trước Shakespeare in love. Năm này còn có The Thin Red Line, một bộ phim chiến tranh xuất sắc dù không nổi tiếng bằng Saving Private Ryan, thua cuộc.
Good Will Hunting (năm 1997)
Ben Affleck (trái) và Matt Damon cùng giơ caotượng vàng Oscarkhi nhận giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất cho phimGood Will Hunting- Ảnh: Reuters
|
Lại thêm một bộ phim nữa của anh chàng Matt Damon mặt bướng. Trong phim Good Will Hunting, cậu đóng vai một thiên tài bẩm sinh nhưng lại làm nghề... quét dọn kiếm sống ở Trường đại học MIT. Thường uống rượu và gây sự đánh lộn, cậu được một giáo sư toán bảo trợ với điều kiện tham gia các buổi tâm lý trị liệu cùng bác sĩ Sean (do diễn viên xấu số Robin Williams) thủ vai. Tuy Matt Damon và Robin Williams có rất nhiều vai diễn để đời nhưng có lẽ màn trình diễn của họ trong Good Will Hunting là xuất sắc nhất về khía cạnh tình cảm.
Bộ phim gửi gắm nhiều thông điệp sâu lắng nhưng không đao to búa lớn mà lại rất đời thường. Thật khó tin kịch bản của phim lại do hai chàng trai trẻ Matt Damon và Ben Affleck đảm nhiệm! Không may cho Good Will Hunting năm đó lại phải cạnh tranh với người khổng lồ Titanic nên chỉ giành giải kịch bản hay nhất cho Matt và Ben cùng giải diễn viên phụ cho Robin.
Goodfellas (năm 1990):
Mở đầu bằng câu nói “lạnh gáy”: “Trong trí nhớ của mình, tôi lúc nào cũng muốn làm gangster,” bộ phim Goodfellas là tác phẩm đỉnh cao của đạo diễn Martin Scorsese. Goodfellas thường được so sánh với phim The Godfather vì tính cách mạng trong việc khắc họa hoạt động tội phạm có tổ chức. Dàn diễn viên đứng đầu bởi Robert De Niro đã cống hiến một màn trình diễn kinh điển, góp phần biến Goodfellas thành một trong những phim tội phạm “chất” nhất.
Ngoài Goodfellas, Martin Scorsese còn đạo diễn những tác phẩm kinh điển như Taxi Driver, Raging Bull, Casino, Gangs of New York, Shutter Island... nhưng phải đến năm 2006 ông mới có danh hiệu Đạo diễn xuất sắc nhất cho phim The Departed.
Trên đây là điểm sơ sơ mấy bộ phim hay bị vuột mất giải Oscar, ta cùng đọc lại để nếu có lựa phim xem cũng nhớ đừng chăm chăm nhìn vào giải thưởng để chọn. Đãi cát tìm vàng rất là khó, nhưng vàng thật thì... không sợ lửa, cũng không sợ không có giải! Vì giải Oscar có đẹp cũng chỉ để trưng bày, nhìn hoài nhìn mãi cũng vậy. Còn tượng vàng lớn nhất thì nằm trong tim và trong... tủ đĩa của chính khán giả.
Trên đây là điểm sơ sơ mấy bộ phim hay bị vuột mất giải Oscar, ta cùng đọc lại để nếu có lựa phim xem cũng nhớ đừng chăm chăm nhìn vào giải thưởng để chọn. Đãi cát tìm vàng rất là khó, nhưng vàng thật thì... không sợ lửa, cũng không sợ không có giải! Vì giải Oscar có đẹp cũng chỉ để trưng bày, nhìn hoài nhìn mãi cũng vậy. Còn tượng vàng lớn nhất thì nằm trong tim và trong... tủ đĩa của chính khán giả.
Bình luận (0)