Một chén ớt chuông thái nhỏ chứa chưa đến 30 calo nhưng lại cung cấp đến 120 mg vitamin C, 1,28 gram protein cùng vitamin A, E, kali, magiê, canxi và nhiều dưỡng chất khác, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Một trong những dưỡng chất có lợi nhất trong ớt chuông là chất chống ô xy hóa. Những chất chống ô xy hóa này giúp bảo vệ tế bào khỏi tác động của các gốc tự do có hại, nhờ đó giúp giảm nguy cơ ung thư.
Trong một nghiên cứu công bố trên chuyên san Antioxidants, các nhà khoa học phát hiện chất chống ô xy hóa carotenoid có tác dụng bảo vệ tế bào tim, giúp giảm nồng độ cholesterol "xấu" LDL và chất béo trung tính. Lợi ích này xuất hiện ở mọi loại ớt chuông, bất kể màu sắc.
Trong khi đó, một nghiên cứu công bố trên chuyên san Advances in Nutrition phát hiện tác nhân chủ yếu giúp ớt chuông giảm cholesterol trong máu là nhờ hàm lượng chất xơ hòa tan. Khi vào ruột, chất xơ hòa tan sẽ liên kết với cholesterol, nhờ đó ngăn ruột hấp thụ cholesterol.
Lượng chất xơ hòa tan này còn có tác dụng cải thiện quá trình tiêu hóa, giúp ngăn ngừa táo bón và duy trì sự cân bằng lợi khuẩn trong ruột. Ngoài ra, ớt chuông cũng giàu vitamin A và beta-carotene. Đây là hai chất có tác dụng bảo vệ mắt và ngăn ngừa các vấn đề về mắt như thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể.
Vitamin A cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe da. Một số bằng chứng nghiên cứu còn cho thấy ớt chuông chứa một số dưỡng chất có tác dụng bảo vệ da trước tác động của tia cực tím, ô nhiễm, đồng thời kích thích sản xuất collagen, giúp da mịn màng và duy trì sự đàn hồi.
Khi chế biến ớt chuông, mọi người cần bỏ hạt và cuống ớt. Đây là những phần có thể gây khó chịu hoặc khó tiêu. Cách loại bỏ hạt và cuống rất đơn giản, chỉ cần cắt ớt chuông làm đôi rồi dùng dao để lấy hạt, cuống ớt ra.
Ngoài ra, một điều cần lưu ý là vitamin C trong ớt chuông rất nhạy cảm với nhiệt. Để tránh vitamin C bị mất, mọi người nên chế biến ớt chuông bằng cách xào sơ hay ăn tươi, theo Healthline.
Bình luận (0)