Pakistan - nhân tố quyền lực trong thế cuộc Afghanistan

19/08/2021 14:00 GMT+7

Pakistan là nước giữ nhiều sức ảnh hưởng trong bàn cờ chính trị ở Afghanistan, nên các ông lớn khác không thể không tính đến Pakistan nếu muốn giải quyết cuộc khủng hoảng tại đây.

Lịch sử căng thẳng

Afghanistan và Pakistan tuy là láng giềng nhưng có lịch sử căng thẳng triền miên. Nước Ấn Độ thuộc Anh, nhà nước mà Pakistan từng là một phần, từng trải qua 3 cuộc chiến tranh với chính quyền Tiểu vương quốc Afghanistan vào thế kỷ 19 và 20. Đường biên giới chung dài 2.670 km giữa hai bên được thiết lập vào năm 1893, còn gọi là Đường Durand, được quốc tế công nhận nhưng vẫn còn gây tranh cãi tại Afghanistan.
Theo báo cáo phân tích của hai nhà nghiên cứu về Nam Á Elizabeth Threlkeld và Grace Easterly cho Viện Hòa bình Mỹ (USIP), sau khi Pakistan giành độc lập năm 1947, mối quan hệ hai bên được định hình bởi nhiều yếu tố trong đó có tranh chấp biên giới, sự xuất hiện của các lo ngại an ninh chủ quyền...
Afghanistan lo ngại sự can thiệp của Pakistan thông qua các nhóm ủy nhiệm và những nỗ lực định hình chính sách tại Kabul. Ngược lại, lo ngại lớn nhất của Pakistan là việc Afghanistan từ chối công nhận Đường Durand và sự ảnh hưởng của Kabul đối với lực lượng người Pashtun Pakistan sống dọc theo Đường Durand luôn có tư tưởng ly khai khỏi Pakistan.
Sau khi Bangladesh giành độc lập năm 1971, Pakistan lo ngại về mối đe dọa ly khai của người Pashtun nên đã trang bị và huấn luyện cho các tay súng Hồi giáo Afghanistan để chống lại các phe phái ủng hộ người Pashtun tại Kabul.
Trong Chiến tranh lạnh, Afghanistan và Pakistan nằm ở hai phe đối lập. Trong khi Afghanistan chịu sự ảnh hưởng của Liên Xô, Pakistan lại đứng về phía Mỹ.

Lương duyên Pakistan-Taliban

Năm 1979, chiến tranh nổ ra giữa một bên là chính quyền Dân chủ Cộng hòa Afghanistan với sự ủng hộ của Liên Xô và một bên là các lực lượng thánh chiến. Cơ quan tình báo Pakistan ISI bằng sự hỗ trợ của Mỹ và nhiều nước được cho là đã tài trợ cho các nhóm thánh chiến Afghanistan đẩy lùi Liên Xô và kết thúc chiến tranh vào năm 1989, từ đó càng có thêm ảnh hưởng tại Afghanistan. Pakistan còn tiếp nhận hàng triệu người tị nạn Afghanistan trong chiến tranh.

Taliban là ai và vì sao muốn chiếm chính quyền Afghanistan?

Năm 1994, chỉ huy Mullah Mohammad Omar từng tham gia cuộc thánh chiến chống Liên Xô thành lập Taliban và đến năm 1996 giành được quyền kiểm soát Kabul. Taliban giữ quan hệ mật thiết với Pakistan và thù địch với Ấn Độ bởi khác biệt tôn giáo và việc New Delhi ủng hộ quân sự và tài chính cho lực lượng Liên minh phương Bắc - đối lập về chính trị và quân sự tại Afghanistan.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan tiếp phái đoàn đại diện của Taliban hồi tháng 12.2020 tại Islamabad

AFP

Pakistan muốn củng cố Taliban như là lực lượng đối chọi lại sức ảnh hưởng của kẻ thù Ấn Độ tại Afghanistan, tránh tình thế phải lưỡng đầu thọ địch. Trong thời gian Taliban cầm quyền từ 1996-2001, Pakistan là một trong 3 nước công nhận chính quyền này, bên cạnh Ả Rập Xê Út và UAE.
Sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001 tại Mỹ, Taliban bị lật đổ nhưng giới lãnh đạo của tổ chức này được cho là vẫn hoạt động từ Pakistan dù Islamabad luôn phủ nhận.
Theo tờ The New York Times, Pakistan cho phép các lãnh đạo Taliban di chuyển tự do qua biên giới và là nơi trú ngụ cho các thành viên Taliban cùng gia đình họ. Những người chỉ trích tại Afghanistan cáo buộc Pakistan ủng hộ cuộc tiến công của Taliban khi để hàng ngàn tay súng vượt qua biên giới, cáo buộc mà phía Pakistan một mực bác bỏ.

Rơi vào thế khó xử

Việc Taliban kiểm soát Afghanistan sẽ giúp Pakistan bớt lo ngại sức ảnh hưởng của Ấn Độ và mối đe dọa từ lực lượng đòi ly khai Pashtun. Tuy nhiên, việc đó có thể đi kèm những bất lợi cho Pakistan.
Trước tiên, mối quan hệ đồng minh giữa Pakistan và Mỹ sẽ trở nên phức tạp. Cố vấn an ninh quốc gia Moeed Yusuf và Giám đốc tình báo ISI Faiz Hameed trong chuyến thăm Washington D.C gần đây đã thảo luận về tình hình Afghanistan và nói Pakistan sẽ không để cho Mỹ sử dụng căn cứ để có hành động quân sự chống Taliban. Nếu Mỹ tìm được những địa điểm khác ngoài Pakistan để thực hiện chiến dịch chống khủng bố tại Afghanistan, họ cũng sẽ thoải mái hơn trong việc cáo buộc Pakistan hỗ trợ Taliban.

Người Afghanistan tại Pakistan quay về nước sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát

AFP

Mặt khác, nếu Taliban áp dụng mô hình quản trị đất nước theo luật đạo Hồi, Pakistan sẽ đối diện với những đòi hỏi từ bên ngoài như Mỹ về việc phải gây sức ép lên Taliban để thay đổi những chính sách đó. Từ trong nước, giới tăng lữ và đảng phái tôn giáo lại yêu cầu áp dụng chính sách tương tự Taliban.
Sự nổi dậy của Taliban cũng sẽ dẫn đến làn sóng tị nạn đổ về biên giới Pakistan, gia tăng sức ép về chính trị và tài chính lên chính quyền Islamabad trong bối cảnh đang phải hỗ trợ cho hàng chục ngàn người tị nạn trong nhiều năm qua dọc biên giới Afghanistan.

Taliban cam kết 'đảm bảo mọi quyền lợi của phụ nữ' trong khuôn khổ Hồi giáo

Chiến thắng của Taliban còn giúp truyền cảm hứng cho nhóm vũ trang Tehrik-i-Taliban Pakistan, còn gọi là Taliban người Pakistan (TTP). TTP bị coi là tổ chức khủng bố tại Pakistan, đã thực hiện hàng trăm cuộc tấn công lên các lực lượng an ninh Pakistan và dân thường, gồm vụ tấn công một trường học vào năm 2014 làm ít nhất 145 người thiệt mạng.
Cho đến năm 2020, TTP vẫn còn bị suy yếu do nhiều thủ lĩnh bị tiêu diệt, chia rẽ nội bộ và bị Pakistan đẩy lui về phía Afghanistan. Tuy nhiên, tổ chức này gần đây tăng cường các cuộc tấn công tại Pakistan. Dù không cùng chí hướng với Taliban, nhưng thủ lĩnh Mufti Noor Wali của TTP gần đây mô tả chiến thắng của Taliban là chiến thắng của toàn bộ người Hồi giáo. 

Trong vụ tấn công trường học tại thành phố Peshawar, Pakistan năm 2014, đa số nạn nhân là trẻ em

Reuters

Cựu Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Aftab Khan Sherpao đánh giá bước tiến của Taliban chắc chắn sẽ truyền cảm hứng và củng cố sức mạnh cho TTP. Cựu đại sứ Pakistan tại Mỹ Husain Haqqani, hiện là Giám đốc về khu vực Nam và Trung Á tại Viện Hudson (Mỹ), nhận định chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đã chia rẽ xã hội Pakistan và việc một lực lượng Hồi giáo tiếp quản quyền kiểm soát tại nước láng giềng Afghanistan sẽ chỉ khuyến khích cho các nhóm cực đoan tại Pakistan, theo đài NPR.

Sức ảnh hưởng suy giảm

Cùng với sự nắm quyền của Taliban, sức ảnh hưởng của Pakistan được dự báo sẽ ngày càng bị giới hạn. Dù Pakistan vẫn là nước ủng hộ lớn nhất của Taliban xét về lịch sử và tôn giáo, sức ảnh hưởng sẽ bị giảm đi nếu Taliban mở rộng mối quan hệ với các bên khác trên cộng đồng quốc tế.
Thực tế, trong hành trình tìm kiếm sự công nhận của quốc tế, Taliban trong những năm qua đã cố gắng tiếp xúc với các bên khác. Tháng 2.2010, phó thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar bị bắt tại miền nam Pakistan trong chiến dịch chung giữa nước này với CIA.
Vụ bắt giữ được nhìn nhận là thông điệp của Pakistan rằng không có cuộc đối thoại chính trị nào với Taliban được phép diễn ra mà không có sự liên quan của Islamabad, theo nhà nghiên cứu Kristian Berg Harpviken của Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo (Na Uy).
Có ý kiến nhận định rằng nếu tình hình ổn định, nhiều thành viên Taliban có thể đưa gia đình và công việc ra khỏi Pakistan để được tự do hơn. Việc này có thể giúp tránh những luồng dư luận tại Afghanistan rằng Taliban mang ơn Pakistan, đồng thới giúp gia tăng tính chính danh của Taliban trong nước.
Ngoài ra, dù có mối quan hệ cùng có lợi, nhiều thành viên Taliban vẫn căm phẫn Pakistan vì hợp tác với các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ, đối xử tệ với các thủ lĩnh Taliban và sức ảnh hưởng thái quá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.