Theo Nikkei Asian Review, nhà máy của Panasonic tại Bangkok sẽ ngừng sản xuất máy giặt vào tháng 9.2020 và tủ lạnh vào tháng 10.2020. Nhà máy này sẽ đóng cửa vào tháng 3.2021 và một trung tâm nghiên cứu phát triển lân cận cũng sẽ bị đóng cửa. Khoảng 800 nhân viên đang làm việc tại nhà máy ở Bangkok sẽ mất việc, nhưng sẽ được hỗ trợ tìm kiếm vị trí khác trong các doanh nghiệp cùng tập đoàn.
Nikkei nhận định, với động thái chuyển sản xuất sang Việt Nam, Panasonic sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí. Nhà máy của Panasonic nằm bên ngoài Hà Nội hiện tại là trung tâm sản xuất tủ lạnh và máy giặt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, công suất sản xuất của nhà máy hiện đã vượt ngưỡng cần thiết.
Động thái này cũng phản ánh cho một giai đoạn mới trong ngành sản xuất khu vực Đông Nam Á. Từ thập niên 1970, các hãng đồ điện tử Nhật Bản đã chuyển sản xuất trong nước sang Singapore và Malaysia khi đồng yên tăng giá nhanh chóng do chính sách thả nổi tỷ giá lần đầu tiên được áp dụng và làm tổn hại đến sức cạnh tranh về giá của hàng Nhật Bản.
Sau đó, hoạt động sản xuất được chuyển sang những nước như Thái Lan bởi mức lương công nhân tại Singapore ngày càng trở nên đắt đỏ. Giờ đây, doanh nghiệp đang tìm kiếm địa điểm rẻ hơn, đồng thời cũng muốn khai thác mạnh hơn nữa những thị trường mà nhu cầu tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng tăng cao tại các nước đông dân ở Đông Nam Á như Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Panasonic đã sản xuất thiết bị gia dụng tại Thái Lan từ năm 1979. Sau khi đóng cửa nhà máy tại Thái Lan, tổng sản lượng mà Panasonic sản xuất ra ở khu vực Đông Nam Á sẽ không sụt giảm.
Hiện tại, Panasonic đang tuyển dụng khoảng 8.000 lao động tại Việt Nam. Không chỉ sản xuất những thiết bị lớn, nhà máy Panasonic tại Hà Nội còn sản xuất cả ti vi, điện thoại không dây, thiết bị thanh toán thẻ đầu cuối và thiết bị công nghiệp...
Trên thực tế, Việt Nam hiện đang nổi lên là một trong những địa điểm tại khu vực Đông Nam Á để các tập đoàn sản xuất quốc tế như Apple, Sharp, Canon... xem xét lựa chọn sau khi “bắn tin” sẽ di dời nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang thị trường khác. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, kế hoạch di dời này đang được Chính phủ thúc đẩy nhanh hơn để thiết lập lại chuỗi cung ứng toàn cầu mới.
Bình luận (0)