Thuế và phí là lĩnh vực "phiền hà nhất"
Ngày 11.4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Báo cáo chỉ ra một số xu hướng cải thiện về chất lượng điều hành cấp tỉnh, nhưng cũng phản ánh thủ tục hành chính tại một số lĩnh vực nhạy cảm còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế gia tăng từ 33,8% (2021) lên 54,5% (2022).
Theo VCCI, để thực hiện báo cáo PCI 2022, VCCI đã khảo sát hơn 11.300 doanh nghiệp. Trong đó, có 10.000 doanh nghiệp tư nhân và 1.300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết điểm tích cực ghi nhận được từ kết quả PCI 2022 là chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục được cải thiện theo thời gian, với điểm trung bình đạt 65,22 điểm (tăng năm thứ sáu liên tiếp).
Báo cáo PCI 2022 cũng chỉ ra cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng điều hành kinh tế các tỉnh. Cụ thể, PCI 2022 đạt 65,67 điểm, cao hơn 0,37 điểm so với báo cáo PCI 2021 (65,37 điểm).
Các doanh nghiệp cũng thẳng thắn cho biết tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực chủ chốt. Phiền hà nhất là thuế, phí (35% lượt doanh nghiệp lựa chọn), giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy chữa cháy (13%) và xây dựng (13%).
Trong số các thủ tục hành chính thuế, số doanh nghiệp cho biết gặp vướng mắc tại khâu quyết toán thuế chiếm tỷ lệ lớn nhất và lên tới 49%. Tiếp đến là khâu đề nghị miễn, giảm thuế (29%) và hoàn thuế (21%).
Báo cáo còn cho biết số giờ bình quân mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra về thuế trong năm 2022 là 9 giờ và tăng so với kết quả năm 2021 và 2020 (lần lượt là 5 giờ và 8 giờ).
Đặc biệt, có đến 53,8% doanh nghiệp chia sẻ rằng "thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh", trong khi tỷ lệ này của năm 2021 là 47,6%. Đáng lo ngại hơn là 54,5% doanh nghiệp cho biết có trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế, tăng từ mức 33,8% của năm 2021.
Nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục là phổ biến
Cũng theo báo cáo PCI 2022, về cải thiện chất lượng thực thi chính sách ở cấp sở, ngành, huyện thì tình trạng trên bảo dưới không nghe có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể trong năm 2021, khoảng 31,9% doanh nghiệp đánh giá các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành. Năm 2023 thì 45,2% doanh nghiệp phải lên tiếng về điều này.
Bên cạnh đó, tình trạng trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm, song vẫn có tới 42,6% doanh nghiệp cho biết đang phải chi trả các chi phí này.
Đáng lo ngại là theo báo cáo PCI 2022, có 71,7% doanh nghiệp đồng ý với nhận định "tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến", trong khi tỷ lệ này trong năm 2021 là 57,4%.
PCI 2022 cũng chỉ ra việc tiếp cận đất đai tiếp tục là điểm nghẽn lớn, gây nhức nhối trong cộng đồng. Báo cáo kiến nghị chính quyền cấp tỉnh cần cải cách vấn đề này quyết liệt hơn.
Cụ thể, phiền hà trong thực hiện thủ tục đất đai duy trì ở mức phổ biến, với 42,9% doanh nghiệp cho biết khó khăn với thủ tục đất đai khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2022. Trong đó, thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với quy định là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp gặp nhất (60,8%).
Những vướng mắc khác gồm mất nhiều thời gian để xác định giá trị quyền sử dụng đất (30% doanh nghiệp gặp phải), quy trình giải quyết hồ sơ đất đai không đúng so với quy định (29,3%) hoặc không nhận được hướng dẫn đầy đủ từ cán bộ giải quyết thủ tục hành chính (29,2%).
Bình luận (0)