Pega eSH và Honda SH - khi ‘ông nhỏ’ chiêu trò

13/04/2020 10:35 GMT+7

Những lùm xùm giữa Pega và Honda kể từ khi hãng xe điện Việt ra mắt sản phẩm eSH nay đã đổi tên thành ESP dường như là một phần của những chiêu trò marketing hay được các thương hiệu nhỏ áp dụng.

Từ so sánh tới đổi tên

Qua ngày “Cá tháng 4”, Pega bất ngờ đổi tên chiếc xe máy điện cao cấp nhất eSH thành eSP. Việc đổi tên theo hãng xe điện Việt là dựa trên đóng góp ý kiến từ phía đại lý và khách hàng đồng thời để tránh những hiểu lầm không đáng có. Tên mới sẽ được triển khai trên những xe xuất xưởng từ trung tuần tháng 4 và sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và bán hàng từ đầu tháng.
Pega đổi tên xe chỉ sau vài tháng ra mắt có thể coi là sự kiện cực kỳ hy hữu. Nhiều khả năng liên quan đến văn bản của Honda yêu cầu Pega chấm dứt quảng cáo xe điện eSH bằng hình thức so sánh trực tiếp với SH và xóa bỏ hình ảnh xe của Honda khi không được phép. Vào thời điểm đó Pega cho rằng mọi chuyện là hiểu nhầm nhưng cũng gỡ bỏ một số hình ảnh, clip liên quan.

Màn so sánh gây tranh cãi của Pega

Không rõ Honda có tác động tới việc đổi tên của Pega eSH hay không nhưng trong văn bản của hãng xe Nhật chưa đề cập tới vấn đề tên gọi của của eSH. Dù đây có phải thỏa thuận ngầm giữa hai công ty hay sự chủ động từ phía Pega thì việc eSH đổi tên cũng giúp người tiêu dùng tránh được những nhầm lẫn không đáng có giữa hai sản phẩm có tên gọi, kiểu dáng tương đồng nhưng sử dụng công nghệ truyền động và giá bán hoàn toàn khác nhau.
Theo như chia sẻ của Pega nếu như eSH nghĩa là “electric super high class - xe điện siêu đẳng” thì tên ESP là viết tắt của “electric super Pega - siêu xe điện Pega”. Dù không còn na ná tên gọi xe ga cao cấp của Honda nhưng cái tên ESP lại trùng với dòng động cơ eSP của Honda đang được trang bị trên hầu hết các dòng xe ga đến từ thương hiệu Nhật Bản.

Kịch bản không mới

Trong sự kiện ra mắt eSH, CEO Pega không ngần ngại so sánh trực tiếp giữa eSH và SH với những từ ngữ thể hiện sự hơn kém rõ rệt nhưng cũng không kém phần chủ quan như về thiết kế. Điều này khiến nhiều người liên tưởng tới màn ra mắt chiếc điện thoại “tốt nhất thế giới” - BPhone của CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng.
Kịch bản marketing gây sốc này không mới, được nhiều thương hiệu nhỏ áp dụng triệt để. Thường trong lễ ra mắt người đứng đầu công ty sẽ so sánh trực tiếp nhân vật chính với sản phẩm tương tự đang đứng đầu thị trường với từ ngữ mạnh mẽ thể hiện sự vượt trội. Thông thường những màn so sánh này khá khập khiễng, mang nặng yếu tố chủ quan và đặc biệt là gây tranh cãi nên luôn hiệu quả trong cả kênh truyền miệng lẫn truyền thông.

Các thương hiệu yếu thế thường lấy các sản phẩm có tiếng để so sánh

Tất nhiên, không riêng gì Pega hay Bkav, các thương hiệu điện thoại, xe hơi mới nổi của Trung Quốc cũng rất yêu thích cách marketing này. Kịch bản kể trên giúp các thương hiệu yếu thế tiết kiệm rất nhiều chi phí đưa thông tin về sản phẩm mới tới tay khách hàng nhưng thường mang đến cái nhìn không mấy thiện cảm trong con mắt truyền thông và khách hàng, đặc biệt là khi chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo.
Với Pega, từ so sánh eSH cùng Honda SH tới những thông tin trả lời thông cáo của Honda và màn đổi tên đầy bất ngờ, sản phẩm mới của hãng xe điện Việt liên tục được “làm mới” trên báo chí và mạng xã hội. Trước mắt, Pega đã giải quyết được bài toán phổ cập thông tin về sản phẩm mới tới nhiều người nhất với chi phí rẻ nhất nhưng hình ảnh thương hiệu cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Ảnh hưởng tốt hay xấu còn tùy vào nhãn quan mỗi người, đặc biệt là chất lượng sản phẩm của ESP - chiếc xe điện “tốt hơn” Honda SH (!?!).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.