PGS-TS Đoàn Văn Điện: 'Để giáo dục vĩ đại thì người thầy phải vĩ đại'

19/11/2022 17:14 GMT+7

Sáng 19.11, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và 67 năm ngày thành lập trường. PGS-TS Đoàn Văn Điện, nguyên Hiệu trưởng trường này, đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về giáo dục .

PGS-TS Đoàn Văn Điện chia sẻ trong buổi lễ

HÀ ÁNH

"Kiếp sau có làm người cũng xin làm nghề giáo"

Chia sẻ trong buổi lễ, PGS-TS Đoàn Văn Điện, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết trong đời, ông nhớ nhất câu nói của một thi hào, rằng giáo dục là công việc vĩ đại nhất của con người, không có giáo dục con người trở nên thô thiển, trở nên khốn cùng và trở nên bất hạnh.

"Trước khi về hưu, tôi có nói rằng nếu kiếp sau tôi có làm người thì tôi cũng xin làm nghề giáo vì đấy là điều vinh quang nhất nhưng để giáo dục vĩ đại thì người thầy phải vĩ đại. Chúng ta không tự xưng mình là vĩ đại nhưng xã hội đều coi trọng nhà giáo”, PGS-TS Đoàn Văn Điện bày tỏ.

Nhắn nhủ với sinh viên, ông Điện nói: “Học tập không có gì khó, cái khó mà chúng ta cần có để vươn lên đó là nhân cách làm người. Khi có nhân cách làm người thì bất kỳ cái gì cũng có thể vượt qua được, dĩ nhiên vượt qua trong lĩnh vực của mình”.

“Điều tôi muốn gửi gắm các em sinh viên rằng không có gì khó, trước hết rèn luyện nhân cách làm người, khi con người có nhân cách làm người thì gì cũng vượt qua được”, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM nhấn mạnh.

Cũng tại buổi lễ, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Quyền hiệu trưởng nhà trường, nói: “Ở bất kỳ thời đại nào, nghề nhà giáo vẫn không so bì được với nghệ sĩ về sự nổi tiếng, với doanh nhân về sự giàu có, với nhiều nghề khác về sự đủ đầy. Nhưng cũng ít ai giàu có hơn những người thầy về tình cảm”.

PGS-TS Hùng nhìn nhận: “Trước đây, làm thầy có nghĩa là làm bạn với bảng đen, phấn trắng. Ngày nay, hình ảnh người giáo viên đã gắn với những phương tiện giảng dạy hiện đại. Có thể ở đâu đó, những câu chuyện không hay về thầy cô gây những dư luận không hay. Tuy nhiên, người Việt Nam vẫn luôn giữ truyền thống tôn sư trọng đạo từ ngàn xưa”.

“Thật hạnh phúc cho những người thầy khi có thêm một ngày tết của riêng mình, để tràn ngập trong hoa và những lời chúc mừng. Thật vinh dự cho những người thầy khi được nhìn các lứa học sinh của mình khôn lớn trưởng thành, bay đi khắp các phương trời. Thật xúc động khi có những người thầy lớn, khi nằm xuống được các thế hệ học trò nghiêng mình trước trí tuệ và nhân cách”, Quyền hiệu trưởng này nói thêm.

Các thầy cô giáo được tri ân trong lễ kỷ niệm Trường ĐH Nông lâm TP.HCM sáng 19.11

HÀ ÁNH

"Thầy cô là người dìu dắt chúng em bước vào cuộc đời"

Bày tỏ cảm xúc trong buổi lễ, sinh viên Nguyễn Thị Hòe (năm 3 khoa nông học), nói: “Bác Hồ đã từng nói nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý vì đó là những kỹ sư tâm hồn. Cha mẹ cho chúng em cuộc sống nhưng chính thầy cô là người dìu dắt chúng em bước vào cuộc đời. Cuộc đời ấy đơn điệu hay sắc màu, ngọt ngào hay cay đắng, ích kỷ hay rộng lượng, sống biết yêu thương sẻ chia hay không chính là nhờ những người thầy-những kỹ sư tâm hồn đang hàng ngày gieo giống, ươm trồng bao yêu thương, rộng lượng, dạy chúng em sống có trách nhiệm, biết và trân quý tri thức…”, sinh viên xúc động nói.

Nữ sinh viên này nói tiếp: “Đối với chúng em, công lao của thầy cô luôn có vị trí vô cùng đặc biệt trong trái tim này. Thầy cô không chỉ là người dẫn đưa tri thức mà còn là người dạy những điều hay lẽ phải, uốn nắn, bảo ban bằng cả sự yêu thương của mình. Thầy cô đã cho chúng em biết thế nào là đỉnh cao của tri thức, cho chúng em tiếp cận những thành quả khoa học, truyền cảm hứng để chúng em không ngừng học hỏi tìm tòi nghiên cứu và ngay cả những động lực trong cuộc sống”.

Sinh viên Nguyễn Thị Hòe bày tỏ tri ân thầy cô trong buổi lễ

HÀ ÁNH

“Tuổi chúng em ấy vậy mà còn non nớt lắm. Sức trẻ ấy coi vậy mà còn nhiều thiếu sót. Nhưng niềm tin của chúng em tin vào sự định hướng đúng đắn của thầy cô. Chúng em biết rằng, chỉ với vài tín chỉ thì cơ hội tiếp xúc với thầy cô không được nhiều, hơn nữa thầy cô cũng không thể cầm tay chỉ việc như lúc chúng em còn ở phổ thông. Nhưng qua tấm gương của thầy cô, chúng em thấy được sự đam mê, cảm hứng, cũng như sự yêu thương và rộng lượng... giúp chúng em luôn cố gắng vươn lên, hoàn thiện bản thân mình hơn nữa”, sinh viên Hòe nói thêm.

Từ câu chuyện bản thân mình, nữ sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM chia sẻ: “Chúng em thực sự cảm thấy rất ấm lòng khi thầy hiệu trưởng đã từng chia sẻ không để cho bất cứ sinh viên nào phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn. Thật đúng vậy, không ở đâu xa, em chính là nhân chứng sống cho câu nói ấy. Em đã từng nghĩ bản thân mình sẽ không thể tiếp tục con đường học tập nữa vì gia đình rất khó khăn. Nhưng thật may mắn làm sao dưới sự bảo bọc che chở của nhà trường, giờ đây em đã là một trong những thành viên của đại gia đình Ký túc xá Cỏ May, nơi mà em đang được hỗ trợ từ vật chất đến tinh thần trong những ngày tháng của quãng đời sinh viên”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.