PGS - TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp Việt giỏi chống chịu nhưng chậm lớn

19/09/2023 11:07 GMT+7

Cho rằng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất giỏi nhưng không lớn được, "tuổi thọ" rất thấp, theo PGS - TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phải khơi thông được động lực rất lớn này.

Những chia sẻ này được PGS - TS Trần Đình Thiên nêu ra tại phiên thảo luận tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực của Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 do Quốc hội tổ chức sáng 19.9.

PGS-TS Trần Đình Thiên: 4 nghịch lý bất thường của nền kinh tế - Ảnh 1.

PGS - TS Trần Đình Thiên chỉ rõ 4 nghịch lý bất thường của nền kinh tế

NGỌC THẮNG

Theo ông, Việt Nam được ví với ngôi sao kinh tế, nhưng nền kinh tế đang tồn tại nhiều điểm khác thường. Nhận diện được những điểm nghịch lý này mới biến nguy thành cơ.

Ví von nền kinh tế với “ngôi sao ngược gió”, chuyên gia này cho rằng, năm 2022 nền kinh tế có thể coi như đã lập nên kỳ tích khi tăng trưởng ấn tượng trên 8%. Nhưng nghịch lý tăng trưởng cao, lạm phát thấp lại đang gây hiệu ứng ngược, khiến nền kinh tế và các doanh nghiệp nội địa gặp khó khăn.

4 nghịch lý bất thường của nền kinh tế

Ông Thiên cũng chỉ rõ 4 nghịch lý lớn của nền kinh tế. Thứ nhất, nền kinh tế tốt nhưng động lực tăng trưởng liên tục suy giảm và kéo dài. Sau quá trình đổi mới 40 năm nhưng cách nhịp khoảng 10 năm, tốc độ tăng trưởng giảm gần 1%. Dù nỗ lực năm sau cao hơn năm trước nhưng chúng ta không thể giữ được nhịp tăng. Nguyên nhân ngắn hạn có, nhưng động lực bên trong nền kinh tế có vấn đề. Theo ông, nhiều nhà kinh tế học đã cảnh báo, phải nghiên cứu một cách thấu đáo.

Thứ 2, doanh nghiệp tư nhân là lực lượng rất giỏi nhưng không lớn được. Trên thế giới không doanh nghiệp nước nào chịu lãi suất trường kỳ kéo dài 13 - 14%/năm như Việt Nam.

“Khả năng sống còn của doanh nghiệp vô địch nhưng lại bị tận dụng quá, nên doanh nghiệp vẫn mãi nhỏ, mãi li ti. Tuổi thọ doanh nghiệp thấp, dù chưa có nghiên cứu, nhưng ở mức thấp so với thế giới. Đây cũng là phần quan trọng khiến sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp Việt thấp”, ông Thiên nêu.

Chuyên gia này cũng dẫn chứng “số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đóng cửa chiếm tới 2/3 số doanh nghiệp mới thành lập. Năm 2023, số doanh nghiệp Việt thành lập mới liên tục giảm trong khi số rút khỏi thị trường tăng mạnh. 8 tháng năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 124.700, so với số doanh nghiệp mới thành lập và gia nhập lại (149.400) đạt xấp xỉ 84%, cao vượt trội mức 68,7% của năm 2022.

“Sang năm lại thế thì hỏi bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp tồn tại được 5 năm? Đảng nói khu vực tư nhân là động lực quan trọng, nhưng suy yếu như vậy thì rất đáng quan ngại”, ông Thiên nêu.

Thứ 3, nền kinh tế thừa tiền nhưng "khát" vốn. Tiền không chạy, không biến thành vốn được. Doanh nghiệp thì kiệt sức. Thực tế hiện nay sau 3 năm Covid-19, năng lực về vốn cạn kiệt, ngân hàng cho vay khó mà người muốn vay không được vay. Kho bạc hàng triệu tỉ đồng nhưng giải ngân đầu tư công dù muốn vẫn chưa cao được. Tiền bị "nhốt", các nguồn lực không thông là mấu chốt vướng mắc của nền kinh tế.

PGS-TS Trần Đình Thiên: 4 nghịch lý bất thường của nền kinh tế - Ảnh 2.

Các đại biểu trao đổi bên lề diễn đàn sáng 19.9

NGỌC THẮNG

Đến hết tháng 8, giải ngân đầu tư công - trọng tâm của nỗ lực “bơm vốn cho nền kinh tế” của Chính phủ được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm. 

Giải ngân mới đạt 39,6% kế hoạch, cho dù Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực cao độ. Trong khi đó, ở kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%.

Nên giao tập đoàn trong nước làm metro

Thứ 4, "đầu tàu" chạy chậm hơn "toa tàu". TP.HCM, khu vực Đông Nam bộ trong 10 - 15 năm vừa rồi tốc độ tăng trưởng giảm xuống, thấp hơn nhiều khu vực khác. Nguồn lực tư nhân nội địa và FDI vào khu vực này vẫn cao nhất nước nhưng tăng trưởng suy giảm, vị thế kinh tế vẫn suy yếu. Theo ông Thiên, vốn đầu tư công cho khu vực này trong 10 năm thấp hơn Bắc bộ, vị thế giảm hơn.

Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, chuyên gia này khuyến nghị cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế xin - cho, hành chính. Đặc biệt, đảm bảo “tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống, gồm thông suốt hạ tầng, thông thoáng cơ chế và thông minh vận hành.

Cụ thể, PGS - TS Trần Đình Thiên đề xuất chuyển giá điện sang vận hành theo giá thị trường, tương tự trước đây đã chuyển giá lương thực sang giá thị trường. Ngoài ra, chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế số, kinh tế xanh.

“Thử nghiệm đặt hàng các tập đoàn kinh tế Việt nam xây dựng đường sắt, ví dụ như làm tuyến metro nối TP.HCM và sân bay Long Thành. Các tập đoàn trong nước hoàn toàn có thể làm được việc này với chất lượng không thua kém, có như thế mới phát huy được nội lực”, ông Thiên khuyến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.