Đó là chia sẻ của PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khi trao đổi với PV Thanh Niên.
Tờ trình của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM
PGS-TS Vũ Tuấn Hưng cho rằng, đối tượng quản lý nào thì gắn với chủ thể quản lý (tổ chức bộ máy, biên chế) đó nên cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho TP.HCM.
TP.HCM ảnh hưởng nặng nhất của chính sách cào bằng biên chế
* Từng tham gia đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố của TP.HCM, ông thấy mô hình quản lý có bất cập gì?
PGS-TS Vũ Tuấn Hưng: Thực tiễn cho thấy trong cùng TP.HCM nhưng có sự khác biệt giữa các quận và huyện, ngay trong các huyện cũng có sự khác biệt. Như Củ Chi có 21 đầu mối (xã, thị trấn), Bình Chánh có 16 đầu mối nhưng Nhà Bè, Cần Giờ chỉ có 7. Lãnh đạo huyện có 7 xã, thị trấn thì khối lượng công việc chắc chắn ít hơn huyện có 21 xã, tương tự là các phòng ban chuyên môn cũng vậy.
Hay trong một huyện, xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B của H.Bình Chánh có dân số bằng quy mô một quận. Như Vĩnh Lộc A, dân số 164.000 dân nhưng bộ máy, biên chế cũng quy định như xã 10.000 - 15.000 dân.
Trong vòng đời con người có nhiều thủ tục, từ khai sinh, học tập, việc làm, kết hôn, nhà cửa, đất đai… Khối lượng công việc và thủ tục hành chính của xã 164.000 dân chắc chắn phải nhiều hơn xã 15.000 dân. Nhưng cán bộ vẫn tương tự, chế độ chính sách như vậy.
Bất hợp lý này không phải do TP.HCM tạo ra mà đây là quy định chung của cả nước. Quy định chung chia đều cơ cấu tổ chức, số lượng biên chế và đầu mối làm việc chủ yếu dựa trên tiêu chí đơn vị hành chính, mà ít chú ý đến các yếu tố quan trọng khác như: đặc điểm địa bàn quản lý, quy mô dân số, diện tích và mật độ dân cư, sự sôi động của hoạt động kinh tế…
Dân số TP.HCM tăng liên tục, từ hơn 8,1 triệu người năm 2015 lên hơn 9,1 triệu người năm 2021, thậm chí nếu tính cả số người chưa đăng ký cư trú thì hiện nay ước tính khoảng 14 triệu người.
* TP.HCM có nhiều phường, xã đông dân, nhưng các tỉnh, thành phố khác trên cả nước cũng có?
Đúng vậy. Thực tiễn đô thị hóa, phường đông dân không chỉ TP.HCM mà Hà Nội cũng đang đối mặt. Tôi có cảm nhận TP.HCM đề xuất cho mình nhưng thực chất là đề xuất cho cả các tỉnh, thành phố khác nữa. TP.HCM mạnh dạn đề xuất trước, nếu ổn thì Trung ương có cơ sở áp dụng cho các địa phương khác, nếu không ổn thì điều chỉnh.
Đơn cử như việc linh hoạt điều động cán bộ, công chức tùy theo tính chất địa bàn, mức độ phát triển, dân số, khối lượng công việc là hướng đi đúng. Đối với các huyện có tốc độ đô thị hóa lớn thì cần thêm người hỗ trợ trong một khoảng thời gian nhất định để xử lý hồ sơ.
Sự linh hoạt này không tạo gánh nặng về biên chế cứng, vừa đáp ứng tinh giản ở những địa phương có công việc bình thường, và gia tăng cho địa phương có sự gia tăng áp lực về khối lượng công việc .
* Ông đánh giá 8 cơ chế mới về tổ chức bộ máy trong dự thảo nghị quyết đã thực sự thông thoáng và gỡ vướng cho TP.HCM?
Tôi cảm nhận keyword (từ khóa) chủ đạo của các cơ chế này là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để TP.HCM linh hoạt, chủ động giải quyết những bất cập. Như HĐND TP.HCM được quyền xác định chỉ tiêu biên chế, linh hoạt sắp xếp cơ cấu tổ chức, nhân sự các đơn vị trực thuộc UBND TP.HCM sẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong triển khai công việc.
Đây là cơ chế mang tính chất kích hoạt, tạo sự cân bằng, hiệu quả, khoa học, phù hợp nhất. Phân cấp là nhân tố quan trọng mà nền tảng là giao quyền chủ động cho HĐND TP.HCM trên cơ sở các quy định của Trung ương.
Biên chế có tăng có giảm
* TP.HCM được linh hoạt tăng biên chế liệu có ảnh hưởng đến chủ trương tinh giản của Trung ương?
Chủ trương tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy là chủ trương đúng đắn và hướng đến một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả, giảm gánh nặng chi ngân sách thường xuyên để có điều kiện cải cách tiền lương.
Nhưng cũng cần cân nhắc sự khác biệt ở các địa phương khác nhau, đặc biệt chú ý địa phương có dân số đông, mật độ dân số cao, công việc và độ phức tạp nhiều hơn, hoạt động kinh tế lớn, thu ngân sách lớn hơn.
Nếu TP.HCM cùng chịu áp dụng chung chính sách tinh giản biên chế ở mọi đơn vị, địa phương trực thuộc và đầu mối làm việc thì sẽ bất hợp lý, thậm chí không muốn nói là vô lý.
Tổng biên chế liên quan đến quỹ lương và các chính sách, phúc lợi đi kèm. Nhưng nếu chỉ tinh giản về mặt cơ học theo kiểu giảm số lượng công chức để giảm lương là chưa phù hợp và toàn diện. Không nên cứng nhắc chỗ nào cũng phải giảm, mà ngược lại vẫn có thể tăng chỗ cần phải tăng.
Nhưng để tránh tùy tiện, TP.HCM cần xây dựng bộ tiêu chí phân bổ biên chế trên các yếu tố về dân số, độ phức tạp địa bàn, mức độ phát triển kinh tế, nguồn thu, khối lượng công việc và thủ tục hành chính hằng năm. Như phường, xã dưới 30.000 dân thì biên chế theo khung quy định, địa phương trên 30.000 dân thì sẽ tăng thêm công chức.
* Thêm biên chế rồi nhưng cơ chế nào kích hoạt động được lòng nhiệt thành của công chức?
Nhìn chung, cơ chế hiện nay chưa thực sự kích thích được sự sáng tạo của cán bộ, công chức do thiếu động lực thúc đẩy. Cần xem xét mong muốn của công chức trên 2 yếu tố: tinh thần và vật chất.
Về tinh thần, sức ép từ khối lượng công việc lớn nên sơ suất là sai, người làm một việc thì tỷ lệ sai chắc chắn sẽ ít hơn người làm 10 việc. Ngoài rủi ro chính trị là phê bình, kỷ luật thì cán bộ còn phải đối mặt cả rủi ro pháp luật, cho dù sai sót đó bản thân họ không mong muốn.
Dù khối lượng công việc chênh lệch như vậy nhưng khi đánh giá lại cơ bản giống nhau. Bởi vậy, nếu không có cơ chế tốt, phù hợp thì sẽ dẫn đến làn sóng nghỉ việc. Công chức làm việc một số năm có quan hệ, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, nếu không không có cơ chế phù hợp, không được cân nhắc, không có hướng phát triển, thì sẵn sàng ra ngoài làm để hưởng lương cao hơn.
Đây cũng là tâm lý chung của công chức ở mọi địa phương chứ không phải chỉ riêng tại TP.HCM.
Để động viên, khích lệ, ngoài động viên tinh thần cần có sự hỗ trợ về vật chất. Động lực vật chất của công chức chính là lương. Do lương công chức áp dụng theo quy định chung nên nếu không có cơ chế linh hoạt thì sẽ khó giữ người, nhất là nơi có sự cạnh tranh thu hút lao động của thị trường lớn và chi phí sinh hoạt cao như TP.HCM.
Kích thích công chức thay đổi tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, dịch vụ, trong đó người dân và doanh nghiệp là "khách hàng", "thượng đế". Chỉ khi kích hoạt được động lực trong mỗi cán bộ, công chức, trong từng đơn vị hành chính thì mới thúc đẩy được toàn thành phố.
Không cào bằng thu nhập tăng thêm
* Nghị quyết 54 hiện hành đã cho phép chi thu nhập tăng thêm không quá 1,8 lần, liệu đã đủ chưa, thưa ông?
Việc đề xuất tiếp tục chi thu nhập tăng thêm tối đa 1,8 lần là cần thiết để đảm bảo sự ổn định. Tuy nhiên, TP.HCM cần có tiêu chí cụ thể hơn để tránh cào bằng, đánh đồng giữa các địa phương. TP.HCM có thể đưa ra định mức của từng quận, huyện rồi phân bổ xuống từng phường, xã, thị trấn hoặc các phòng ban.
Như phường giải quyết 1.000 hồ sơ/năm phải khác phường làm 500 hồ sơ/năm. Phường tạo ra nguồn thu ngân sách 1.000 tỉ đồng phải khác phường có nguồn thu ngân sách 10.000 tỉ đồng... Trên cơ sở thu ngân sách và hiệu quả công việc bằng thước đo tài chính sẽ có việc trích lại % cho địa phương để chủ động tăng quỹ để chi thu nhập tăng thêm cho công chức.
Tương tự là đánh giá KPI (năng suất) của công chức, nếu ai vượt thì cộng thêm, người làm nhiều việc khác người làm ít việc. Điều này kích thích cả địa phương phải đoàn kết, nỗ lực hoàn thành công việc để cuối năm hưởng khoản thu nhập tăng thêm phù hợp, thỏa đáng.
Quan trọng hơn là điều này kích thích công chức thay đổi tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, dịch vụ, trong đó người dân và doanh nghiệp là "khách hàng", "thượng đế". Chỉ khi kích hoạt được động lực trong mỗi cán bộ, công chức, trong từng đơn vị hành chính thì mới thúc đẩy được toàn thành phố.
Có cơ chế tốt, TP.HCM sẽ thu ngân sách cả triệu tỉ đồng/năm
* Có ý kiến đặt ra là tại sao TP.HCM được cơ chế đặc thù, các tỉnh khác thì không hoặc chỉ được một số cơ chế trong phạm vi hẹp?
Câu chuyện này cần nhìn nhận đa chiều, khoa học. Đây là TP.HCM đề xuất một cơ chế cho Trung ương áp dụng cho các địa phương, còn TP.HCM là địa phương xin mạnh dạn thí điểm thực hiện trước. Chính vì vậy, không nên đặt câu chuyện ưu đãi hay đặc quyền đặc lợi.
Nếu TP.HCM thực hiện hiệu quả, bứt phá thì cũng là hạt nhân kích hoạt cả hệ thống, các địa phương khác làm theo và khi đó Trung ương sẽ nhân rộng mô hình cho các địa phương để thúc đẩy cả nước cùng phát triển bứt phá.
Với tư duy bứt phá và mạnh dạn, sáng tạo, năng động của TP.HCM, cộng với sự quyết tâm chính trị, sự ủng hộ của Trung ương, tôi tin rằng nếu có cơ chế tốt, phù hợp, TP.HCM không chỉ nộp ngân sách 400.000 tỉ/năm mà có thể 500.000, 600.000 tỉ/năm, thậm chí cả triệu tỉ đồng/năm.
Do đó, nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sắp tới là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa cần được thể chế hóa, cụ thể hóa trong luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để khả thi trong thực tiễn đời sống!
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)