Câu chuyện khởi nghiệp của anh bắt đầu từ khi nào, trải nghiệm từ một nhà khoa học trở thành một doanh nhân ra sao?
-Tôi tiếp cận với lĩnh vực cơ khí từ rất sớm vì gia đình tôi có truyền thống về cơ khí, ô tô, và từng định sau khi tốt nghiệp ĐH sẽ về mở doanh nghiệp để nối nghiệp gia đình. Tuy nhiên, sau đó tôi lại quyết định đi làm việc khác, rồi về Trường ĐH Sao Đỏ làm giảng viên. Cơ duyên với nghề nhà giáo cứ như vậy đã gắn bó với tôi trên 20 năm. Ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tôi thường xuyên kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh để gắn kết chặt chẽ quá trình đào tạo, nghiên cứu với thực tế sản xuất.
Dự định khởi nghiệp trong tôi đã khởi sinh từ lâu, nhưng quả thực khi dấn thân vào con đường này thì mới thấy vẫn còn rất nhiều bỡ ngỡ. Vì vậy, khi nhận được sự tài trợ từ Quỹ Đổi mới sáng tạo của Tập đoàn Vingroup (Quỹ VinIF) trong một dự án khoa học và công nghệ với định hướng ứng dụng rất rõ ràng, nhóm nghiên cứu chúng tôi (cả trong nước và nước ngoài) mới manh nha ý định khởi nghiệp để tạo nên một dòng sản phẩm mới, công nghệ mới cung ứng cho thị trường.
Đến giờ, chúng tôi có thể nói là đã rất nỗ lực vượt khó để có thể có sản phẩm đưa ra thị trường. Nhóm thành lập được một công ty là Dreamweldtech đặt tại Vương quốc Anh do TS. Nguyễn Văn Anh (ĐH Cranfield) làm đồng sáng lập và đồng chủ nhiệm dự án. Đồng thời, nhóm cũng đang hướng đến đa giải pháp, trong đó có hợp tác với một số doanh nghiệp mạnh về cơ khí chế tạo tại Việt Nam để nhanh chóng đưa sản phẩm phát triển tại thị trường trong nước.
Nghề giảng dạy của anh có sự tương tác thế nào với khởi nghiệp?
-Gắn bó với nghề sư phạm và tiếp xúc với sinh viên, tôi càng lúc càng tâm đắc một câu nói, đó là khi tiếp cận với thế hệ trẻ sẽ làm mình trẻ ra, và tôi cảm nhận được điều đó rõ nét. Nhà giáo là một nghề đặc biệt khi càng nhiều tuổi thì lại càng được tiếp xúc với nhiều thế hệ trẻ, từ đó con người, tâm hồn, tư duy của người thầy cũng trẻ ra. Tư duy trẻ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, đó có lẽ cũng là một trong các động lực nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp của tôi và nhóm nghiên cứu.
Những ý tưởng sáng tạo trong nghiên cứu khoa học giống và khác trong khởi nghiệp thế nào?
-Công sức và trí lực của các nhà khoa học thường tập trung cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Nhưng làm sao đưa được các sản phẩm từ phòng nghiên cứu ra được thị trường nhiều khi lại là công việc hoàn toàn khác. Doanh nghiệp chỉ dựa trên các kết quả nghiên cứu và sản phẩm ban đầu, sau đó luôn luôn cần có quá trình thay đổi, cải tiến sản phẩm thì mới đáp ứng được sự kỳ vọng của khách hàng. Một sản phẩm phù hợp với thị trường không chỉ đồng nghĩa với việc sản phẩm cao cấp hay giàu chất xám, mà chỉ đơn giản là phù hợp người dùng. Cũng vì tính đặc thù như thế nên các sản phẩm nghiên cứu có thể thương mại hóa ngay là rất ít.
Nhưng sự tách bạch giữa sản phẩm nghiên cứu với sản phẩm thương mại lại cũng là tương đối vì giữa nghiên cứu với thương mại hóa sản phẩm luôn có mối quan hệ hữu cơ. Nên trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chúng ta luôn cần có sự chung tay giữa khối óc của nhà khoa học với tính nhạy bén thị trường của doanh nhân.
Theo thống kê thì có 90% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại chỉ trong 3 năm đầu. Anh có bị áp lực?
-Thực tế bản thân tôi trải nghiệm thì thấy rằng tỷ lệ là lớn hơn 90%. Khởi nghiệp để thành công khi đi từ con số 0 là cả một vấn đề nan giải. Một trong những vướng mắc đó liên quan đến việc phân định bản quyền, lợi ích của các bên liên quan để đảm bảo quyền lợi cho họ. Bên cạnh đó, nếu cơ chế, chính sách không có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp khởi nghiệp thì tỷ lệ thất bại có lẽ còn cao hơn nữa.
Khi cùng với nhóm nghiên cứu phát triển sản phẩm, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng về nhu cầu của thị trường, các phương án, cách thức tiếp cận khởi nghiệp... để tránh không đi vào vết xe đổ và cố gắng đạt được thành tựu nào đó.
Anh có những lời khuyên nào dành cho các bạn sinh viên đang có hoài bão start-up?
-Nếu chúng ta luôn nghĩ trong đầu về con số tỷ lệ trên 90% start-up thất bại thì quả thực nhiều người sẽ không dám khởi nghiệp, nhất là các bạn sinh viên, khi kinh nghiệm và nguồn lực kinh tế chưa có. Nhưng nếu nghĩ theo chiều hướng tích cực, khi sinh viên là thế hệ trẻ với tư duy rất trẻ, nhanh nhẹn, sáng tạo, thì các bạn luôn cần phát huy tư duy đổi mới sáng tạo đó, cần coi đó là cốt lõi giúp các bạn thành công.
Việc chuyển hóa một sản phẩm nghiên cứu thành sản phẩm thị trường cần những điểm cốt yếu gì, theo anh?
-Đầu tiên, cần có sự phân tích đánh giá thị trường về sản phẩm mình dự định tạo ra. Đối với khởi nghiệp, chúng ta không tự nhiên nghiên cứu một sản phẩm bất kỳ nào đó mà phải dựa trên nguyên tắc chung là sản phẩm dự định tạo ra có phải là sản phẩm mà thị trường đang và sẽ cần hay không. Bên cạnh đó, phải có một sự liên kết giữa các lĩnh vực khác nhau để tạo ra sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu thực tế.
Cần xây dựng mục tiêu, chiến lược rất cụ thể cho từng giai đoạn và nhanh chóng nghiên cứu phát triển sản phẩm để sớm đưa được sản phẩm ra thị trường. Tôi nói nhanh chóng bởi vì, nhiều khi chỉ sau vài tháng hoặc một năm, đánh giá của thị trường về sản phẩm đã có sự thay đổi, khác biệt so với thời điểm đã khảo sát.
Cần một chiến lược kinh doanh, marketing hay nói chung là truyền thông để khách hàng có thể tiếp cận được thông tin về sản phẩm. Đây là một trong những bước rất quan trọng, không kém gì việc thiết kế, chế tạo, định hướng sản phẩm ban đầu.
Cần tìm được những doanh nghiệp, khách hàng sẵn sàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ do mình cung cấp. Một sản phẩm mới để cho khách hàng sẵn sàng sử dụng là rất khó khăn, để chiếm trọn được lòng tin của khách hàng lại càng khó. Cuối cùng, khi sản phẩm của mình đã được tin dùng, các phản hồi từ phía khách hàng là một kênh thông tin rất tốt để mình tự đánh giá sản phẩm của mình, qua đó có phương án xử lý khắc phục các lỗi, sự cố, hay nâng cấp, phát triển sản phẩm để có các phiên bản ngày càng tốt hơn.
Dự án nghiên cứu về công nghệ hàn tấm mỏng của anh có điểm gì đột phá?
-Dự án có tên đầy đủ là "Nghiên cứu phát triển công nghệ hàn mới, thiết kế chế tạo hệ thống hàn tự động ứng dụng hàn nối các tấm mỏng và siêu mỏng vật liệu đồng chất hoặc không đồng chất trong các ngành sản xuất mũi nhọn", được Quỹ VinIF tài trợ. Khởi nguồn của dự án là từ việc trước đây chúng ta đã phát triển công nghệ hàn tấm dày và dần dần làm chủ công nghệ này. Bài toán đặt ra là nếu hàn tấm mỏng và siêu mỏng thì sao? Hàn cùng chất liệu và khác chất liệu thì sẽ thế nào? Đó là bài toán khó khăn mà tất cả các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp vì hàn tấm mỏng không hề đơn giản và nó có sự khác biệt rất nhiều so với hàn tấm dày.
So sánh với sự phát triển công nghệ hàn quốc tế, chúng tôi đã khẳng định được năng lực của đội ngũ các nhà khoa học trẻ Việt Nam khi đã làm chủ công nghệ hàn tấm mỏng có vật liệu tương đồng hoặc khác nhau; hiện nay trên thế giới chỉ có một số ít viện nghiên cứu của Nhật Bản và một số doanh nghiệp có khả năng tương tự về mặt công nghệ. Khi chúng tôi công bố việc hàn tấm kim loại với độ dày chỉ 0,03 mm, nhiều chuyên gia quốc tế đã chia sẻ và chúc mừng với thành quả nghiên cứu này.
Trong nước, khi chúng tôi công bố kết quả thì ngay lập tức nhận được nhiều lời mời của các doanh nghiệp để cùng hợp tác, chia sẻ và phát triển sản phẩm. Có thể mọi người chưa chú ý, những sản phẩm được sản xuất bởi chứa đựng công nghệ cao như chân của các linh kiện điện tử, vi xử lý... đều được làm từ kim loại tấm mỏng. Vì vậy, làm chủ công nghệ hàn tấm mỏng và siêu mỏng có thể mang đến sự đột phá lớn cho công nghiệp sản xuất trong nước.
Theo anh, trong thời đại gắn liền với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lĩnh vực cơ khí đang và sẽ có những thay đổi gì?
-Không chỉ riêng trong lĩnh vực cơ khí, mà nhìn chung trong kỷ nguyên số ngày nay, các ngành hầu như không có sự phát triển thuần túy như trước kia nữa, mà phải liên kết với nhau (liên ngành) thì mới có đủ nguồn lực và khả năng tạo ra được các sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Riêng trong lĩnh vực cơ khí, gắn với điện tử thì sẽ có ngành cơ điện tử; gắn với tin học sẽ ngành cơ tin; hay gắn với tự động hóa sẽ thành cơ khí - tự động hóa...
Chuyển đổi xanh trong cơ khí có sứ mệnh phải tạo ra được các sản phẩm mới như thiết bị, vật liệu mới, hay tái chế sản phẩm cũ, chuyển đổi quy trình để việc sản xuất và sử dụng trở nên thân thiện hơn với môi trường. Những sản phẩm mới này không những phải đáp ứng được các nhu cầu như trước mà thậm chí còn phải đảm bảo có nhiều ưu điểm vượt trội hơn. Một ví dụ là các dòng máy CNC hiện nay ngoài việc thực hiện được các chức năng truyền thống, có thể được điều khiển và vận hành hoàn toàn từ xa thông qua wifi...
Sự liên ngành có khả năng tạo ra những phương pháp gia công mới, công nghệ chế tạo mới giúp tiết kiệm năng lượng và vật liệu quý. Đặc biệt, có thể mang tới những công nghệ mới, phương pháp mới phi truyền thống, đi ngược lại hoàn toàn các công nghệ, phương pháp truyền thống trước đây. Chẳng hạn trong công nghệ in 3D kim loại: trước đây người ta đơn giản chỉ bồi đắp kim loại lỏng lên các cấu kiện, nhưng hiện nay đã phát triển tới mức có thể sản xuất liên tục 24/24 để tạo ra các sản phẩm rất phức tạp với chất lượng tốt như in cả một ngôi nhà, một cây cầu. Công nghệ phát triển giúp tiết kiệm thời gian và tăng năng suất lao động, bởi máy móc có thể làm việc liên tục mà không cần nghỉ.
Để làm chủ, tiếp cận các công nghệ và phương pháp gia công mới, thì việc bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực cũng ngày càng trở nên quan trọng. Làm sao đội ngũ kỹ sư, chuyên gia có thể tiếp cận công nghệ nhanh hơn, tạo ra nhiều sản phẩm mới hơn, khả năng tiết kiệm nguyên vật liệu và bảo vệ môi trường hơn. Sau cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là 5.0 nên đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên mới cần được đào tạo bài bản và học tập liên tục suốt đời mới có thể tiếp cận và đáp ứng tốt yêu cầu thực tế.
Xin cảm ơn anh!
Bình luận (0)