Phá 575 ha rừng để... chăn nuôi: Sẽ trả giá đắt nếu cứ phá rừng!

11/08/2016 10:32 GMT+7

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Phá 575 ha rừng để... chăn nuôi: Tỉnh Bình Phước có làm trái chỉ đạo của Thủ tướng? đăng trên Thanh Niên ngày 10.8.

Nên lắng nghe dân
Người dân ở xã Phước Thiện, H.Bù Đốp mong mỏi dừng ngay dự án này lại, tức dừng ngay việc phá rừng. Lý do đơn giản là diện tích rừng ở Bù Đốp hiện còn rất ít, tình trạng hạn hán, lũ lụt ngày càng gia tăng, nay phá rừng nữa thì hậu quả dân gánh chịu sẽ hết sức nặng nề. Thiết nghĩ, ý kiến của người dân cần được lắng nghe. Tỉnh Bình Phước cần xem xét lại lợi ích cũng như thiệt hại từ dự án này. Không nơi đâu có kiểu làm kinh tế lạ lùng là chặt phá rừng để trồng cao su, chăn nuôi.
Đoàn Văn Hải (Q.7, TP.HCM)
Cần quyết liệt xử lý
Qua mô tả của phóng viên thì rừng bị chặt là rừng rậm, có nhiều gỗ quý như khộp, dầu và khu rừng bị chặt phá là nơi trú ngụ của nhiều thú rừng. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy giá trị của rừng nơi đây. Thế mà đành lòng cho phép tàn phá rừng để làm chăn nuôi? Cần phải quyết liệt xử lý vụ phá rừng này. Vụ phá rừng gỗ quý ở Quảng Nam vừa rồi, Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt. Với vụ phá gần 600 ha rừng ở Bình Phước, cũng phải làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh. Rừng cứ bị phá như vậy, thì biết bao hệ lụy sẽ xảy ra!
Nguyễn Thị Tuyết Vân (P.5, Q.6, TP.HCM)
Còn gì cho thế hệ mai sau ?
Thiết nghĩ cần dừng ngay việc phá rừng ở Bù Đốp để triển khai thực hiện dự án chăn nuôi. Chờ các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương xem xét thấu đáo sự việc rồi mới cho phép tiếp tục dự án hay dừng hẳn. Là người dân, tôi không đồng ý với việc phá rừng để làm dự án chăn nuôi, trồng cao su. Rừng phải trồng thêm, giữ gìn rừng đã có chứ sao phải tàn phá? Con cháu sau này sẽ sống ra sao khi rừng thì bị tàn phá làm dự án, biển thì bị đầu độc?
Nguyễn Hoàng Minh (TP.Tân An, Long An)
Mất cân bằng sinh thái
Sự mất cân bằng sinh thái ngày càng diễn ra nghiêm trọng, thế mà vì lợi ích nhỏ, con người lại chặt trụi hết rừng. Tôi rất đồng ý với ý kiến của TS Nguyễn Ngọc Lung, nếu có biện pháp gìn giữ, rừng nghèo sẽ phục hồi và phát triển thành rừng rậm. Nếu cứ phá thì đất sẽ càng bị hoang hóa, lũ lụt sẽ bất thường.
Phan Vinh (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Biện minh cho việc phá rừng
Tôi thấy hầu hết các vụ phá rừng mà có lập dự án hẳn hoi, là phá rừng có tổ chức. Ở đâu cũng biện minh việc phá rừng là do rừng nghèo, cũng cho là rừng dây leo… Nhưng lồng vào trong đó là phá rừng quy mô, vì khi đã có tổ chức thì chẳng ai kiểm tra, giám sát được.
Nguyễn Văn Thản (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
       
Nếu lấy lý do rừng nghèo kiệt phải phá đi để làm kinh tế là không ổn về tư duy. Phải đặt câu hỏi vì sao rừng nghèo kiệt? Một khi rừng nghèo kiệt thì phải làm sao giữ gìn, bảo vệ, cải thiện để rừng ngày càng giàu hơn, giá trị hơn. Nếu chúng ta biết quý, biết bảo vệ rừng thì rừng sẽ bảo vệ chúng ta; ngược lại chúng ta hại rừng thì rừng sẽ bỏ mặc chúng ta trong thiên tai, vậy thôi.
Trần Văn Lời (TP.Long Xuyên, An Giang)
       
Dù là làm gì thì việc phá rừng là không thể chấp nhận được. Khí hậu ngày một xấu đi, hạn hán, lũ lụt ngày càng kinh khủng. Trong bối cảnh đó thì rừng phải được giữ gìn, trồng thêm chứ sao lại có chủ trương chặt phá để trồng cao su, trồng cỏ? Rừng mất, người dân khu vực này sẽ phải thật cẩn trọng khi mùa mưa lũ đến. Không còn rừng, những cơn lũ quét sẽ vô cùng nguy hiểm. Xét cho cùng thì chỉ có dân là ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc rừng bị phá mà thôi.
Phan Văn Kiên (Q.8, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.