Tại sao thầy Park không gặp riêng Tấn Trường nữa ?
Hầu hết các tuyển thủ Việt Nam đều sử dụng các nền tảng thông dụng như Facebook, Instagram, TikTok… như một kênh đắc dụng để đến gần hơn với khán giả. Nhưng có lẽ Tấn Trường gây ồn ào nhất bởi cách chia sẻ đời tư của anh qua mạng xã hội rất… không giống ai. Thậm chí gần đây, anh còn được đặt cho một biệt danh là “thánh TikTok”, bởi mật độ livestream trên nền tảng này là tương đối nhiều và đều được thực hiện khi mọi người sắp đi ngủ. Vấn đề nằm ở chỗ, Tấn Trường hay tương tác với khán giả trong thời điểm đội tuyển tập trung. Dĩ nhiên, khi thành tích đội tuyển không tốt và có những bàn thua lại xuất phát từ một phần lỗi cá nhân của Tấn Trường thì mũi dùi dư luận lại nhắm vào anh.
Thủ môn Tấn Trường (24) là một mảnh ghép của tuyển Việt Nam và anh nên tôn trọng nội quy nội bộ |
THÁI NINH |
Khi phải nhận vô số những lời chỉ trích, Tấn Trường lại livestream để giãi bày mà gần đây nhất, anh lại than thở trên TikTok: “Mệt lắm anh em ạ, thật sự rất là mệt. Muốn sống cuộc sống bình thường nhưng khó khăn lắm, cực kỳ khó khăn luôn. Bây giờ họ vô họ chửi suốt, làm gì được họ. Mà lạ là tôi không live vào lúc tập luyện, đang tập thì sao live được, đang họp đội thì cũng sao live được mà tôi cứ bị chửi. Tôi chỉ live khi nào rảnh. Họ ngồi chỉ bấm bàn phím xem live xong họ tức họ chửi thôi. Tôi đâu có làm gì đâu mà tự nhiên mọi người lại ghét tôi, mọi người lại chửi tôi. Thời xưa mình sai người ta chửi mình thì là đúng. Mình sai thì người ta chửi, người ta nói này nói kia, tôi có nói gì đâu. Nhưng mà tôi đã cố gắng rồi, tôi đã cố gắng trở lại cống hiến cho đội tuyển, và cố gắng tập luyện, cố gắng thi đấu. Tôi có chửi ai bao giờ đâu. Tôi cũng không nói. Sao tự nhiên thua xong rồi cái lôi tôi ra chửi quá trời quá đất luôn. Bóng đá phải có thắng có thua, gặp đội mạnh hơn thì thua cũng là chuyện bình thường trong bóng đá mà”.
Nhưng với HLV Park Hang-seo, hành động dùng TikTok của học trò kèm những phát ngôn về đội tuyển, có thể được xem là không bình thường. Trước khi đội tuyển tập trung trở lại tại Bà Rịa-Vũng Tàu để chuẩn bị cho AFF Cup, ở cuộc họp ban huấn luyện, ông đã đề nghị các trợ lý người Việt Nam nên có cuộc nói chuyện cởi mở, thẳng thắn và chân thành với Tấn Trường, để nắm bắt tâm tư xem hướng sắp tới của Tấn Trường về việc này như thế nào. Sau buổi tập đầu tiên của đội tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tối 21.11, các trợ lý đã gặp riêng Tấn Trường, phân tích rõ việc chơi TikTok không sai và đội tuyển không có quyền ngăn cản nhưng hành động này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh đội tuyển. Tấn Trường đã hiểu ra vấn đề và hứa sẽ dừng livestream trong thời gian đội tuyển chuẩn bị và thi đấu ở các giải, cam kết sẽ dành sự tập trung tốt nhất cho đội tuyển, không bao giờ để những việc cá nhân làm xao nhãng việc chung và sẽ tiếp tục tập luyện chăm chỉ.
Ban huấn luyện đã báo cáo với HLV Park Hang-seo nội dung cuộc làm việc. Dựa trên tinh thần này, ông Park sẽ không làm việc riêng với Tấn Trường như dự kiến ban đầu. Ông vẫn rất vui vẻ và tạo cho đội tuyển bầu không khí khá thoải mái.
Tuyển Việt Nam đang quản trị nội bộ rất tốt
Từng nhiều năm làm trưởng đoàn tuyển Việt Nam, kinh qua nhiều đời HLV trưởng, nguyên Phó chủ tịch VFF Dương Vũ Lâm bày tỏ: “HLV Park Hang-seo khi đến Việt Nam đã đề cao tính kỷ luật và áp dụng nó tùy lúc mềm rắn khác nhau nhưng luôn rất rõ ràng và hiệu quả. Nội quy của đội tuyển Việt Nam yêu cầu rõ những nguyên tắc bắt buộc khi sinh hoạt chung như đi ăn không cho phép bất kỳ ai được sử dụng điện thoại, dù đó là cầu thủ, ban huấn luyện hay trưởng đoàn. Khi tôi còn làm trưởng đoàn tuyển Việt Nam, đội cũng đã bầu ra ban cán sự, trong đó Xuân Trường, Duy Mạnh còn kiêm cả “thủ quỹ”, chuyên xử lý những ca xuống tập trung muộn, ra xe trễ, cầm điện thoại vào nhà ăn và khi tập...
Bản thân ông Park cũng bị phạt nếu như vi phạm nội quy. Có lần ông Park ra xe muộn giờ cũng phải nộp phạt. Số tiền phạt của mỗi vi phạm là không lớn, chỉ vài trăm nghìn thôi nhưng tôi biết tuyển Việt Nam vẫn duy trì nghiêm túc đến lúc này. Đó là một trong những nét nghệ thuật quản trị nội bộ của HLV Park Hang-seo. Ngày xưa có thời đội tuyển Việt Nam cấm cầu thủ đọc báo vì sẽ có khen, có chê và dù thế nào cũng sẽ có khả năng gây tác dụng phụ. Nhưng bây giờ không thể như vậy được. Công nghệ phát triển khiến cầu thủ dễ dàng bị bao vây bởi ma trận thông tin. Nhưng tôi biết ông Park luôn khuyến khích các cầu thủ đừng quá bận tâm đến những tác động khách quan bên ngoài, tránh sự phân tâm, áp lực không cần thiết”.
Ông Dương Vũ Lâm nói tiếp: “Vấn đề hồi phục thể lực rất quan trọng, cầu thủ cần ý thức được việc thư giãn cơ thể và đầu óc, vì thế ông Park luôn đòi hỏi cầu thủ phải có những cách nghỉ ngơi tích cực nhằm lấy lại thể trạng tốt nhất. Việc sa đà vào mạng xã hội, YouTube, TikTok... về lâu dài cũng có thể ảnh hưởng phần nào đến trí não, khiến con người ta căng thẳng hơn. Tất nhiên, việc livestream là một phát sinh mới gần đây, chưa hề có tiền lệ và chế tài. Nhưng cá nhân tôi nghĩ đội tuyển Việt Nam đã phản ứng và xử lý điều này một cách nhẹ nhàng, chừng mực và hiệu quả. Đó là lời góp ý cảnh tỉnh cần thiết không riêng Tấn Trường mà cho toàn bộ mọi thành viên tuyển Việt Nam trước thềm giải đấu lớn như AFF Cup 2020”.
Bình luận (0)