Vịnh Nha Trang có nguy cơ bị ô nhiễm. Vịnh được khai thác du lịch thì nhiều, mà bảo tồn thì ít. Nếu chúng ta không xuất phát từ bảo tồn thì tương lai sẽ không còn gì để khai thác |
||
Ông Trương Kỉnh - Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang |
||
Biển bị đầu độc
Từ năm 2004, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các tàu chở khách du lịch hoạt động trên vịnh Nha Trang phải có phòng vệ sinh với két chứa kín nhưng đến nay đa số các tàu vẫn chưa thực hiện. Một chủ tàu du lịch cho biết hầu hết các tàu đưa khách tham quan vịnh Nha Trang được hoán cải từ tàu cá, vốn không có chỗ chứa chất thải. Cả chục năm nay, du khách tham quan tuyến du lịch biển đảo trên vịnh Nha Trang đều xả thải xuống biển.
Điều này khiến không ít du khách khó chịu. Anh Lê Đức Thanh, một khách du lịch đến từ Quảng Bình, cho biết: “Mình lúc nào cũng dạy con và học trò rằng phải bảo vệ môi trường, nhưng ở đây nhà vệ sinh trên tàu thiết kế rất sơ sài, chỉ có tác dụng che cho người khác khỏi nhìn thấy nên việc tiểu tiện, đại tiện đành xả thẳng ra biển. Việc này khiến nhiều người rất ngại, nhưng không thể “nín” được. Xả thải trực tiếp ra biển không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn làm xấu đi hình ảnh du lịch Nha Trang”. Tương tự, chị Sveta, một du khách Nga vừa tham quan các đảo thuộc vịnh Nha Trang, bức xúc: “Vịnh Nha Trang quá đẹp. Tôi không thể có hành động nào khiến vịnh bị tổn thương. Có lúc, tôi muốn đi vệ sinh, nhưng không tìm thấy nhà vệ sinh đúng nghĩa trên tàu nên đành về lại chỗ ngồi và cố gắng đợi khi tàu vào bờ”.
Ông Nguyễn Khắc Hà - Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang - cho biết UBND thành phố vừa gia hạn thời gian để các chủ tàu du lịch hoàn thành lắp đặt két chứa chất thải. Theo đó, các tàu trên 40 khách phải lắp đặt két chứa trước ngày 1.11.2013, tàu dưới 40 khách giữ nguyên mốc thời gian hoàn thành trước ngày 1.1.2014. Sau các mốc thời gian này, nếu những chủ tàu không chấp hành sẽ bị xử lý. “Vào tháng 4.2013, UBND TP.Nha Trang đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương lắp két chứa chất thải cho tàu du lịch trước ngày 30.6. Tuy nhiên, do việc lắp đặt trạm trung chuyển chất thải tại bến tàu du lịch Cầu Đá chậm (vừa hoàn thành trong tháng 6) nên chủ tàu chưa lắp két chứa. Bên cạnh đó, tháng 6-7 là mùa cao điểm phục vụ du lịch nên việc lắp két chứa sẽ ảnh hưởng đến hoạt động và doanh thu các chủ tàu nên phải gia hạn thêm thời gian”, ông Hà cho biết.
Ngoài việc các tàu du lịch xả thải, hiện nay các cống nước thải nằm dọc đường Phạm Văn Đồng vẫn ngày đêm chảy thẳng ra biển Nha Trang, bốc mùi hôi thối. Nước từ các cống này chảy ra biển từ lâu, giờ mương nước, ngày càng rộng. Người dân và du khách không dám tắm tại các bãi biển gần khu vực này vì sợ bị bệnh. Từ năm 2007, dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP.Nha Trang được triển khai và một trong những mục tiêu của dự án này là thu gom, xử lý nước thải, không để nước thải chưa được xử lý chảy ra biển. Tuy nhiên, bà Lý Ngọc Dung, Giám đốc Ban Quản lý dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP.Nha Trang, cho biết dự kiến đến năm 2014 dự án mới hoàn thành.
|
Khai thác nhiều, bảo tồn ít
Nhiều người nhận định, hiện nay vịnh Nha Trang đang chịu nhiều áp lực từ những hoạt động của con người, đặc biệt là hoạt động khai thác du lịch. PGS-TS Võ Sĩ Tuấn - Phó viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, tài nguyên đa dạng sinh học vịnh Nha Trang đang bị khai thác quá mức, nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, các loài quý hiếm như: rùa biển, trai tai tượng, ốc tù và... gần như không còn. "Các công ty du lịch phải có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Vịnh Nha Trang có nhiều loại sinh vật quý hiếm, nhưng một số tour du lịch lặn biển lại bắt những con vật đó lên để chiêu đãi khách, họ làm như là đặc sản của tour mình”, ông Tuấn nói. Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang Trương Kỉnh cũng thừa nhận: “Vịnh Nha Trang có nguy cơ bị ô nhiễm. Vịnh được khai thác du lịch thì nhiều, mà bảo tồn thì ít. Nếu chúng ta không xuất phát từ bảo tồn thì tương lai sẽ không còn gì để khai thác”.
Nghiên cứu gần đây của Viện Hải dương học Nha Trang về biến động đa dạng sinh học rạn san hô vịnh Nha Trang, cho thấy tình trạng hư hại hệ sinh thái mới diễn ra gần đây do xây dựng các công trình phục vụ du lịch và khu dân cư; độ phủ của san hô đang xấu đi ở các vùng không được bảo vệ và vùng gần bờ; sinh vật đáy trên rạn tiếp tục ở mức rất thấp do khai thác quá mức... Theo PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, rạn san hô đóng vai trò quyết định cho sự thịnh vượng của du lịch biển ở vịnh Nha Trang nhưng các doanh nghiệp du lịch chưa nhận thức sự cần thiết phát triển bền vững và chỉ chú trọng vào lợi ích trước mắt. Áp lực của hoạt động du lịch ngày càng gia tăng và nguy cơ vượt quá sức tải của hệ sinh thái rạn san hô đang hiện hữu. Vì vậy, cần phải tìm kiếm và tạo dựng những điểm du lịch mới với các giải pháp như phục hồi, quản lý các vùng rạn đã bị suy thoái; thiết lập rạn nhân tạo...
Nguyễn Chung - Hiền Lương
Bình luận (0)