Chuyến xúc tiến đầu tư của đoàn công tác TP.Đà Nẵng tại châu Âu hồi cuối tháng 5 vừa qua đã có những kết quả tích cực. Làm việc với chính quyền TP.Birmingham và ĐH Aston (Vương quốc Anh), lãnh đạo TP.Đà Nẵng mong muốn TP.Birmingham cùng các đối tác mở đường bay, kết nối ĐH Aston với các trường tại Đà Nẵng nhằm đào tạo nguồn nhân lực về tài chính quốc tế, trung tâm công nghệ tài chính (Fintech)… chuẩn bị cho Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.Đà Nẵng. Hai thành phố ký biên bản hợp tác 5 lĩnh vực, trong đó nổi bật là phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư; cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đổi mới sáng tạo và công nghệ, Fintech; giáo dục và đào tạo…
TP.Đà Nẵng và Trung tâm Tài chính, công nghệ và khởi nghiệp (CFTE) vốn có nhiều kinh nghiệm dự án tài chính quốc tế tại Pháp, Hồng Kông, Abu Dhabi cũng đã thống nhất các chương trình đào tạo nguồn nhân lực tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và hợp tác hình thành Fintech. "Yếu tố con người luôn rất quan trọng. Đây là bước đi thiết thực, mở đường cho việc đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực ngành tài chính như trí tuệ nhân tạo, giao diện lập trình ứng dụng, mã hóa, chuỗi khối… hướng đến xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng. TP.Đà Nẵng sẽ dành phần lớn diện tích tại Khu công viên phần mềm số 2 để phát triển Fintech", ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, nói.
Cũng tại Vương quốc Anh, đoàn công tác TP.Đà Nẵng giới thiệu dự án Trung tâm tài chính quốc tế và đề nghị tổ chức The CityUK London hỗ trợ, kết nối với các tập đoàn, nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính hàng đầu thế giới kết nối, thành lập các tổ chức kinh tế tại Đà Nẵng. Hồi tháng 2.2023, The CityUK London được Chính phủ Anh chỉ định hỗ trợ thực hiện tầm nhìn phát triển TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính và kinh doanh cấp khu vực, và nay cam kết sẽ tiếp tục kết nối hỗ trợ Đà Nẵng trong thời gian đến.
CHÍNH SÁCH MINH BẠCH, LINH HOẠT
Tọa đàm "Đà Nẵng - Trung tâm tài chính tương lai" cũng mở tại Geneva (Thụy Sĩ) dịp này. TP.Đà Nẵng đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ các cơ chế, chính sách đặc thù để hình thành Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng. Trong đó, Nghị quyết phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại VN lựa chọn Đà Nẵng là một trong những địa phương được định hướng trở thành Trung tâm tài chính quốc tế, thành lập Hội đồng phát triển trung tâm tài chính quốc tế VN để đảm bảo công tác quản lý cho quốc gia và tại từng địa phương.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng phái đoàn thường trực VN bên cạnh Liên Hiệp Quốc, cho rằng dự án Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng được xây dựng trên cơ sở các lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng về vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, hạ tầng đô thị và nguồn nhân lực… Trên thực tế, Đà Nẵng được định hướng là trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, có đủ nền tảng và lợi thế về hạ tầng để trở thành Fintech trong tương lai.
Tại tọa đàm, các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các tổ chức quốc tế khác tại Geneva cùng đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, quản lý tài sản, công nghệ thông tin, luật, tư vấn đầu tư... cũng bày tỏ quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư vào VN nói chung, TP.Đà Nẵng nói riêng, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Fintech, đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử... Các nhà đầu tư châu Âu khuyến nghị TP.Đà Nẵng cần có những cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư và sự hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Bình luận (0)