Thưa bà, trong dự luật PCTN sửa đổi lần này chỉ quy định một câu ngắn gọn việc bảo vệ người tố cáo PCTN áp dụng theo luật Tố cáo hiện hành, như vậy đã đủ để khuyến khích, bảo vệ được người dũng cảm tố giác tham nhũng trong bối cảnh tình hình tham nhũng diễn ra ngày một nghiêm trọng, cần có những giải pháp quyết liệt phòng chống?
|
Tôi cho rằng nếu không có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ an toàn, người dân sẽ không dám phản ánh, tố giác tham nhũng, nhất là khi họ chỉ là những người dân bình thường, không được giao trách nhiệm làm việc này. Người ta có trách nhiệm, dũng cảm mới dám tố cáo, nếu họ bị trả thù thì người khác nhìn vào đã thấy sợ, không ai còn dám tố giác, dũng cảm đấu tranh với tham nhũng.
Nhưng để bảo vệ được họ thì phải giữ bí mật thông tin họ cung cấp, đó là biện pháp đầu tiên, vì nếu thông tin bị lộ ra thì dù có cho công an bí mật bảo vệ người tố cáo tham nhũng cũng không làm nổi. Cho nên phải bảo vệ bí mật thông tin khi tiếp cận, quá trình điều tra, thẩm tra cũng phải khéo léo, không bao giờ nhắc đến người tố cáo và phải có quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn để bảo vệ được người tố cáo.
Vậy cần biện pháp như thế nào để bảo vệ được người tố cáo, vì trên thực tế, các quy định bảo vệ người tố cáo dù đã có nhưng không ít trường hợp người tố cáo vẫn bị hệ lụy theo cách này hay cách khác do đối tượng bị tố cáo thường là những người có quyền hạn, chức vụ để có thể mua chuộc, đe dọa, tìm cách giấu tội?
Để khắc phục tình trạng này thì phải quy định người tố cáo có quyền tố cáo tới người chức vụ cao hơn đối tượng bị tố cáo, bởi nếu tố cáo tới một người hoặc một bộ phận được giao tiếp nhận đơn tố cáo trong đơn vị đó mà đơn lại tố cáo thủ trưởng đơn vị thì cấp phó, người thừa hành làm sao dám điều tra, xử lý, sẽ dẫn tới chuyện bao che cho nhau để che giấu sự việc.
Hoặc luật phải quy định theo hướng người tiếp nhận đơn tố cáo, ý kiến phản ánh về tham nhũng trong thẩm quyền của mình, nếu anh chưa đủ khả năng giải quyết, được quyền báo cáo thẳng với cấp có thẩm quyền cao hơn đối tượng bị tố cáo tham nhũng mà anh tín nhiệm, tin tưởng. Ví dụ, ông thứ trưởng nhận được tố cáo bộ trưởng tham nhũng thì có quyền báo cáo thẳng tới thủ tướng chứ không phải báo cáo bộ trưởng.
|
Nếu theo hướng như bà nói thì có nên quy định lập đường dây nóng ở Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN để tiếp nhận đơn thư tố cáo, ý kiến phản ánh của người dân, cán bộ, công chức để đảm bảo việc tố cáo của dân không bị chặn bởi đơn vị tiếp nhận tố cáo thuộc cơ quan hành pháp mà đối tượng bị tố cáo lại giữ chức vụ điều hành trực tiếp trong bộ máy nhà nước?
Tôi nghĩ bảo vệ người tố cáo, quy định của luật chỉ là một vế, quan trọng là khâu tổ chức thực hiện. Việc lập đường dây nóng ở Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN là cần thiết nhưng người tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng này phải được lựa chọn trong số những người tiêu biểu, chí công vô tư, chấp hành nghiêm túc pháp luật, nếu không người ta tiếp nhận tố cáo xong sẽ mật báo cho người bị tố cáo để trao đổi vụ lợi. Nếu quy định về người tiếp nhận tố cáo không chặt chẽ, bảo đảm khả thi trong thực hiện thì bất kể lúc nào, người tiếp nhận tố cáo nếu không có lương tâm trách nhiệm cũng sẽ tìm cách tiết lộ bí mật thông tin người tố cáo, về nội dung tố cáo. Vì vậy, luật PCTN sửa đổi cần quy định rõ chức vụ quyền hạn lẫn trách nhiệm của người tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo, nếu để lộ bí mật, ảnh hưởng tới người tố cáo thì phải bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật với hình thức nào, mức độ nào, chứ không chỉ nêu chung chung là phải có trách nhiệm bảo vệ nhân chứng.
Ngoài việc lập đường dây nóng tiếp nhận tố cáo ở Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, tôi nghĩ cũng phải có cơ chế hòm thư tiếp nhận ý kiến như thế nào đó ở các cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư để khuyến khích người dân phát hiện, tố giác tham nhũng và quy định rõ ai là người giữ chìa khóa hòm thư đó, tiếp nhận, xử lý thông tin. Người dân nắm bắt được rất nhiều thông tin, nhất là nơi cán bộ công chức cư trú, nếu gia đình nào có lối sống xa hoa, con cái đua đòi, hưởng thụ... sẽ phát hiện được ngay. Giờ phải phát động làm sao để mỗi người dân là một chiến sĩ chống tham nhũng, muốn vậy phải bảo vệ được họ, có cơ chế tiếp nhận thông tin tố giác tham nhũng rõ ràng, đáng tin cậy, quy định rõ trách nhiệm từng khâu, từng cấp trong bảo vệ người tố cáo cũng như chế tài trách nhiệm đi kèm. Có như vậy, chúng ta mới khuyến khích được sự tham gia của toàn dân trong đấu tranh PCTN thời gian tới.
Bổ sung quy định trù úm người tố cáo sẽ bị phạt tù
Để bảo vệ được người tố cáo tham nhũng, sửa bộ luật Hình sự tới đây phải bổ sung thêm tội trù úm người cung cấp thông tin tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng, theo hướng: Người nào trù dập người tố cáo tội phạm sẽ bị phạt tù, như vậy sẽ răn đe mạnh mẽ người có ý định trù úm người tố cáo mình, chứ như hiện nay chẳng có quy định nào. Trước đây, những năm 1970 có tình trạng cán bộ cấp xã, cấp phường trù úm người dân tố cáo mình, lúc bấy giờ Pháp lệnh trừng trị tội phạm đã quy định rõ tội trù úm, giờ để tăng cường hiệu quả bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tội phạm, phải quy định lại trong bộ luật Hình sự. Ngoài ra, khi sửa luật PCTN hay bộ luật Hình sự cũng phải xác định rõ các hành vi trù úm bao gồm những hành vi nào, ví dụ anh bị người ta tố cáo tham nhũng, phạm tội và anh dùng quyền hạn của anh đưa ra cớ này, cớ kia để xử lý người ta, hạ thấp uy tín cán bộ, gây sức ép từ phía người thân trong gia đình khiến người ta lâm vào cảnh khốn cùng, đó là cách trù úm phổ biến. Trù úm là làm cho người đó lâm vào tình trạng sống dở chết dở, muốn rời bỏ nhiệm sở, từ bỏ con đường phấn đấu, không còn có cơ hội thăng tiến. Việc trù úm này nếu thực hiện trót lọt thì nó chẳng khác nào răn đe người khác đừng tố cáo nữa, đó là điều hết sức nguy hiểm. Cho nên, khẳng định bảo vệ người tố cáo mà không thể chế hóa bằng pháp luật để có cơ sở thực thi, như ai bảo vệ, bảo vệ ai thì sẽ rất khó khuyến khích người dân tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Bởi vì nếu bảo vệ theo cách phải có người đi theo hằng ngày thì không thể làm được, ngay cả cán bộ cao cấp còn không thể bảo vệ được như thế. ĐB Đỗ Văn Đương |
Cần có Ủy ban độc lập chống tham nhũng
Bảo vệ người tố cáo dù đã được quy định tương đối kỹ trong luật Tố cáo nhưng với tính chất đặc biệt quan trọng của công cuộc đấu tranh PCTN thì chúng ta cũng nên có những quy định bảo đảm tính khả thi cao nhất để bảo vệ được người tố cáo tham nhũng trong luật PCTN sửa đổi. Bởi thực tế lâu nay, các vụ việc phát hiện được về tiêu cực, tham nhũng chủ yếu là qua phản ánh, tố cáo của người dân, của báo chí, qua các đợt thanh tra, kiểm tra, chứ tự các cơ quan phát hiện được rất ít. Việc bảo vệ người tố cáo thời gian qua chưa đạt được yêu cầu đặt ra có nhiều nguyên nhân, từ việc tổ chức thực hiện luật chưa kiên quyết, trong khi những người bị trù dập do tố cáo thường là nhân viên bên dưới, người trù dập là cấp trên, họ có rất nhiều cách tinh vi để trù dập người tố cáo nên rất khó phát hiện, xử lý. Nếu không có cơ chế làm rõ những hành vi trù úm, trù dập đó thì sẽ rất khó bảo vệ người tố cáo. Nguyên nhân khác là quyết tâm chính trị chưa thật sự kiên quyết, còn có sự bao che, nể nang lẫn nhau, giữa cấp trên và cấp dưới còn có quan hệ ràng buộc về quyền lợi. Để bảo vệ người tố cáo cũng như PCTN hiệu quả, tôi rất muốn QH thành lập cơ quan độc lập đủ sức mạnh chống tham nhũng, ngoài vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng. Nếu công dân tố cáo hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn đến Ủy ban độc lập chống tham nhũng sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn, người tố cáo cũng có cơ hội được bảo vệ tốt hơn. Trung tướng Trần Văn Độ |
Bảo Cầm (thực hiện)
Bình luận (0)