Phải bố trí tác phẩm mỹ thuật trong công trình công cộng?

18/01/2013 03:55 GMT+7

Việc đưa mỹ thuật vào các công trình công cộng được đề cập trong dự thảo nghị định hoạt động mỹ thuật của Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh (Bộ VH-TT-DL) đã nhận được nhiều ý kiến bàn luận của các kiến trúc sư, nhà hoạt động mỹ thuật.

Việc đưa mỹ thuật vào các công trình công cộng được đề cập trong dự thảo nghị định hoạt động mỹ thuật của Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh (Bộ VH-TT-DL) đã nhận được nhiều ý kiến bàn luận của các kiến trúc sư, nhà hoạt động mỹ thuật. 

KTS Hoàng Thúc Hào, giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội cho rằng nhiều công trình công cộng ở nước ta còn thiếu tính thẩm mỹ, và do đó cũng ít tính nhân văn khi không thân thiện với con người.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng không thực sự bằng lòng với sự thiếu thân thiện, thiếu đẹp của nhiều tòa nhà lớn khác. Xu hướng nhà không mỹ thuật theo ông Cương sẽ còn lan rộng hơn ở các khu đất vàng. Đơn giản, bởi với những khu đất giá cao ngất, nhà đầu tư muốn tận dụng không gian tối đa vào kinh doanh. Do đó, nếu không thành luật, sẽ chẳng ai nhường đất cho không gian mỹ thuật. Vì thế, ông Cương mau chóng bằng lòng với quy định tại điều 8 của dự thảo nghị định hoạt động mỹ thuật. Theo đó, “Khi xây dựng công trình công cộng, chủ đầu tư phải có thiết kế và bố trí tác phẩm mỹ thuật trong công trình”.

Phải bố trí tác phẩm mỹ thuật trong công trình công cộng?
Một tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương có thể đặt ở không gian công cộng - Ảnh: Trinh Nguyễn

Tuy nhiên, KTS Đặng Việt Long, giảng viên Đại học Xây dựng, cho rằng quy định này không cần thiết, bởi bản thân các công trình kiến trúc đã là một chỉnh thể thẩm mỹ rồi. “Trước đây, kiến trúc cổ điển thường dùng thêm những phù điêu, tượng trang trí. Kiến trúc hiện đại hoàn toàn khác. Chúng lấy chính những đường nét của mình để tạo hiệu quả thẩm mỹ, trang trí mà không cần phụ trợ như kiến trúc trước đây”, ông Long nói.

 

Kiến trúc cổ điển thường dùng thêm những phù điêu, tượng trang trí. Kiến trúc hiện đại hoàn toàn khác. Chúng lấy chính những đường nét của mình để tạo hiệu quả thẩm mỹ, trang trí

KTS Đặng Việt Long, Đại học Xây dựng

Thu hẹp phạm vi

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh (Bộ VH-TT-DL), cho biết ban soạn thảo muốn đưa mỹ thuật vào các công trình công cộng bao gồm nhà văn hóa, rạp chiếu phim, thư viện, rạp hát, ga tàu điện, bệnh viện… Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại cho rằng như vậy quá nhiều. Phạm vi rộng này khiến quy định trở nên khó khả thi. “Chính vì thế, chúng tôi nghĩ có thể thỏa hiệp bằng cách thu hẹp phạm vi của quy định xuống chỉ còn công trình công cộng liên quan đến văn hóa, du lịch”, ông Thành nói.

Như vậy, bệnh viện và trường học cũng như trung tâm thương mại sẽ rơi vào nhóm “bị loại”. Phạm vi này có vẻ lại quá hẹp so với ý kiến mà ông Lê Thiết Cương đưa ra. Theo đó, ông Cương cho rằng phải có quy định để “áp” với các trung tâm thương mại - nơi tất cả diện tích đều chạy theo guồng quay lợi nhuận. Có gì bảo đảm các tòa nhà cực lớn sẽ không mọc lên khô cứng tại những khu trung tâm lớn nếu không có quy định phòng ngừa? Nhà điêu khắc Phạm Thái Bình lại tha thiết có không gian đẹp tại các bệnh viện để bệnh nhân thư giãn. Còn học sinh - công chúng tiềm năng của mỹ thuật cũng sẽ đứng bên lề hay sao?

Trước đó, bản thân nhóm soạn thảo nghị định cũng đã thỏa hiệp khi bỏ điều khoản quy định về tỷ lệ kinh phí cho mỹ thuật trong xây dựng công trình công cộng. “Trước đây, dự kiến tỷ lệ chi sẽ khoảng 3% chi phí công trình. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không thuận vì còn liên quan đến ngân sách. Nếu có quy định tỷ lệ này, dù còn 1% thì cũng rõ ràng, dễ áp dụng”, ông Thành nói.

Ông Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, cho rằng nếu không quy định tỷ lệ cụ thể, việc đưa nghệ thuật vào công trình công cộng như trường học, bệnh viện và nhiều nơi khác sẽ mãi mãi là quy định “chờ”, quy định “treo”.

Trinh Nguyễn

>> ĐH Mỹ thuật TP.HCM thi tuyển năng khiếu sau kỳ thi đại học đợt 2
>> Triển lãm mừng ngày truyền thống Mỹ thuật VN
>> 265 tác phẩm Mỹ thuật thủ đô 2012
>> Triển lãm mỹ thuật nam miền Trung - Tây nguyên
>> Thưởng lãm sáng tạo của học sinh, sinh viên mỹ thuật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.