Những hình ảnh quay lại cảnh bạo tàn của hai bảo mẫu đối với những đứa bé ở độ tuổi mầm non, mẫu giáo tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh - Thủ Đức - khiến cộng đồng sôi sục, điên tiết. Điều đó hoàn toàn đúng, các bảo mẫu kia cần sự chế tài nghiêm minh của luật pháp bởi những hành động phi đạo đức, trái lương tâm do mình gây ra.
>> Vụ hành hạ trẻ mầm non: Thành ủy TP.HCM yêu cầu điều tra, xét xử nghiêm
>> Vụ hành hạ trẻ mầm non ở Thủ Đức: Chủ tịch quận nói gì?
>> Tạm giam 2 người hành hạ trẻ tại trường mầm non
Những hình ảnh đau lòng do nạn bạo hành trẻ em gây ra |
Từ những cảnh thấy được đau lòng đó, dư luận tiếp tục mổ xẻ, phân tích đến những liên đới trách nhiệm xung quanh vụ việc và đặt ra những nghi vấn.
Sao những người làm cha, làm mẹ của các bé chủ quan đến thế, chỉ cần tinh ý để mắt đến những biểu hiện không bình thường của các cháu là biết ngay thôi mà…?
Sao việc giáo dục mầm non mẫu giáo xuống cấp quá vậy, đầu vào đã thấp, lại đào tạo ra những giáo viên thiếu kỹ năng và tình yêu trẻ…?
Sao các cơ quan hữu trách đã giám sát kiểu gì, chính quyền địa phương sở tại quản lý ở đâu và láng giềng hàng xóm xung quanh cơ sở tai tiếng ấy cũng lạ, họ vẫn vô tư tự tại cả một thời gian dài…?
Những câu hỏi hoài nghi trên là vô cùng hợp lý, công luận hoàn toàn có quyền đó. Song có cảm giác như rằng, những bức xúc đó rất quen, rất thường thấy và hình như chưa đủ thấm, chưa giải quyết được triệt để nguyên nhân gốc, nguyên nhân sâu xa của sự vụ.
Hãy cùng nhau ngược thời gian về năm 2008, tác phẩm Cảnh báo nạn bạo hành trẻ em của nhóm tác giả Minh Thu, Lê Kiệt (Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai) được vinh danh giải A báo chí, hình ảnh bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa với kiểu nuôi dạy trẻ tàn bạo khiến không biết bao nhiêu bạn xem truyền hình rơi nước mắt, thịnh nộ và căm phẫn. Tưởng chừng như, cái giải thưởng cao quý kia sẽ đánh động kịp thời được dư luận và các cấp quản lý, để mọi người chung tay góp bàn và giải quyết triệt để rốt ráo câu chuyện tiêu cực này. Thế nhưng, từ đó đến nay thỉnh thoảng vẫn và ngay tại thời điểm bây giờ lại tiếp tục xảy ra những hình ảnh đau lòng tương tự, thậm chí đã xuất hiện những cái chết thương tâm.
Tiếp tục cùng nhau ngược thời gian về quá khứ lâu hơn, thời bao cấp. Khi ấy, công việc chăm sóc trẻ được giao trách nhiệm trực tiếp cho Ủy ban chăm sóc và bảo vệ bà mẹ và trẻ em, họ đã làm tốt, rất tốt công việc này, thời kỳ của những con người đầy nhiệt huyết, có lý tưởng hoài bão, hết lòng yêu thương trẻ, hết lòng với sự nghiệp chung của dân tộc. Thời kỳ đổi mới, việc “chăm sóc trẻ” được sáp nhập vào Bộ Giáo dục, do “mệt mỏi” vì “kham không nổi” hay vì một nguyên nhân nào khác mà trách nhiệm ấy ngày càng mờ nhạt, giảm sút, sao lãng, buông lỏng, thiếu sự quan tâm cần thiết đúng mực và công bằng như các cấp phổ cập khác.
Hãy nhìn thẳng vào thực tế, theo quy định của nhà nước trẻ em được hưởng bảo hiểm xã hội và tiêm chủng miễn phí, còn lại hầu như mọi chuyện khác các gia đình phải tự lo, tự đảm nhận.
Từ 4 tháng tuổi cho đến 18 tháng tuổi, trẻ biết gửi ở đâu nếu không phải trong vòng tay các bà mẹ, nhưng nếu các bà mẹ ở nhà, thu nhập gia đình giảm sút đáng kể, thậm chí có người còn mất việc, bị buộc thôi việc… Trẻ lớn thêm một tí thì gia đình lại đối mặt với vô vàn khó khăn khác, trường công lập mầm non mẫu giáo thiếu một cách nghiêm trọng, trường tư thục đủ chất lượng cũng thiếu và đâu phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để đáp ứng. Đã thế, nhiều trường còn viện cớ “lách luât” để từ chối nhận trẻ nếu thấy “dấu hiệu” khó quá. Yếu tố hộ khẩu cùng những điều kiện “cần và đủ” khác khiến nạn “chạy trường, chạy lớp” diễn ra khốc liệt và chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại.
Kinh tế thị trường khiến sự phân hóa giàu nghèo tăng nhanh, tăng mạnh. Người giàu đối với việc chăm sóc con cái có muôn vàn phương án, nhưng đối với người nghèo, công nhân, lao động phổ thổng dù có “liệu cơm gắp mắm” lắm thì cuối cùng cũng phải ngậm ngùi cho trẻ gửi vào các cở sở chăm sóc trẻ “chui”, học phí thấp, thiếu thốn cơ sở vật chất cũng như những điều kiện tinh thần cơ bản khác… nhằm có được khoảng thời gian trống mà kiếm thêm thu nhập để kéo dài sự “tồn tại” của bản thân mình cùng với gia đình chừng nào hay chừng ấy.
Và thực tế, người giàu thì ít, người nghèo thì nhiều, nhu cầu “gửi trẻ” kia là bất tận, lại đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng xấu đi.
Hãy tạm dừng hành trình ngược thời gian ở thời đại phong kiến, khi các minh quân muốn ra được những quyết sách đúng, thực tế, hợp lòng dân, họ thường chọn cách giả dạng dân thường để vi hành. Và kinh nghiệm đó không thừa hay nói chính xác hơn là rất cần thiết trong thời đại hiện nay, thời đại mà chúng ta thỉnh thoảng hay bỉu môi than thở rằng “ngồi phòng máy lạnh mà ra chính sách à”.
Muốn có những chủ trương hợp thực tiễn, các quan chuyên trách phải “vi hành” trong vai trò của người đi gửi trẻ và nhận giữ trẻ, đừng khoác vét tông hay cà vạt mà xuống thăm địa phương cơ sở, điều đó rất khó có được những báo cáo trung thực, đúng hiện thực.
Muốn giải quyết thấu tình đạt lý bài toàn “ác mẫu” này, các quan hãy đến trực tiếp gặp các bà mẹ khổ cực ấy và cả những bảo mẫu “linh hoạt” ấy để tìm hiểu họ, lắng nghe họ có những khó khăn gì, ước nguyện gì, mong muốn gì. Cần tạo một diễn đàn, một môi trường để những người mẹ ấy, những người bảo mẫu ấy có thể trút được những tâm tư nguyện vọng cũng như thổ lộ được những trớ trêu, éo le, nghịch cảnh mà họ đang phải âm thầm cam chịu. Từ đó mới sáng ra được, mới ra đời những văn bản minh triết được.
Mới đây, đọc một bản tin cực ngắn của báo chí mà chạnh lòng “65 năm qua chưa có đại biểu Quốc hội nào trình sáng kiến pháp luật”, đó là nhận định của tiến sĩ Võ Trí Hảo tại Hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu chuyên đề do Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức ngày 18.12 tại TP.HCM. Bản tin đúng là cực ngắn nhưng thông điệp truyền tải “không nhỏ” chút nào. Vậy những đại biểu nhân dân đã làm gì trong suốt thời gian đương nhiệm và bạn đọc thấy có đủ tạo nên một “làn sóng phẫn nộ” như câu chuyện “ác mẫu” vừa qua hay không?
Chăm sóc trẻ là việc tối quan trọng của mọi quốc gia, nhưng cái “lỗ hổng” lớn nhất của giáo dục nước nhà lại nằm ngay cái khâu tối quan trọng ấy, cái khâu cơ bản cần thiết nhất tạo nên những nền tảng thể chất và tinh thần cho những mầm non tương lai đất nước. Để rồi cứ mỗi lần có chuyện, từ quan to đến dân thường lại “lên án” bàn tán xôn xao những “nỗi đau” vốn dĩ đã lặp đi lặp lại nhiều lần, tái hiện lại nhiều lần, ồn ào một thời gian mà chẳng việc nào “triệt để” việc nào. Vẫn cách giáo dục ấy, vẫn thói quen cam chịu ấy, vẫn những cái “gật gù” ấy trong cả những vấn đề mà ai cũng biết là “vũ như cẫn”, không thực tiễn và kiềm hãm sự phát triển.
Có ai đã từng nghĩ rằng, một xã hội cứ tái hiện lặp lại những phẫn nộ, bức xúc của những sự việc tương tự như nhau thì phải chăng xã hội đó đang tụt lùi.
Nguyễn Minh Phước *
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là một người viết tự do đang sống tại Đà Nẵng.
>> Tạm giam bảo mẫu và quản lý hành hạ dã man trẻ mầm non
>> Lập hồ sơ xử lý hình sự bảo mẫu hành hạ dã man trẻ mầm non
>> Vụ bảo mẫu hành hạ bé 18 tháng tuổi chết thảm: Những câu hỏi 'mẹ đâu?' cứ vang vọng
>> Bé 18 tháng tuổi bị bảo mẫu hành hạ chết: Nỗi đau tột cùng của cha mẹ
>> Cháu bé 18 tháng tuổi bị bảo mẫu hành hạ chết thảm
Bình luận (0)