Giá tăng vượt mọi dự đoán
Trong quý đầu năm nay, thị trường thế giới đã chứng kiến các cơn bão giá như thực phẩm, nhiên liệu, chất dẻo, kim loại liên tục leo thang. Đặc biệt kể từ cuối tháng 2 sau khi xung đột quân sự giữa Nga với Ukraine diễn ra đã đẩy giá xăng dầu tăng phi mã. Hiện giá dầu vẫn ở mức cao, trên 120 USD/thùng.
Từ đó, nhiều công ty phải cắt giảm công suất hoạt động do mức lãi không bù đắp được chi phí tăng cao. Chẳng hạn, các nhà máy thép ở châu Âu sử dụng hồ quang điện cũng đang phải thu hẹp quy mô sản xuất do chi phí điện năng tăng cao, khiến giá kim loại này trở nên quá đắt đỏ. Hay việc Trung Quốc quyết định đưa khu vực sản xuất thép hàng đầu của nước này vào diện “phong tỏa” do đại dịch Covid-19 đã gây ra hạn chế nguồn cung và đẩy giá các mặt hàng cơ bản như đồ gia dụng và ô tô tăng cao.
Vật liệu xây dựng tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay |
Nhật Thịnh |
Còn theo LHQ, giá lương thực toàn cầu đã lập kỷ lục vào tháng 2 khi cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine làm gián đoạn nguồn cung ứng 1/4 lượng ngũ cốc và phần lớn dầu ăn của thế giới. Tại các nước phát triển, áp lực chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao buộc các hộ gia đình cắt giảm nhiều hoạt động chi tiêu như du lịch, nghỉ dưỡng hoặc mua sắm. Nói chung, không chỉ buộc người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng, việc nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm có thể đẩy các nền kinh tế vốn đã bị đại dịch và chiến tranh tàn phá rơi vào suy thoái...
Tại VN, giá các loại hàng hóa cũng nhảy vọt. Cụ thể như giá xăng đã lên mức kỷ lục hơn 31.000 đồng/lít, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Hay theo dữ liệu của Trading Economic, giá than đá cuối tháng 5 vừa qua ở mức 401 USD/tấn, 237,26% so với cùng kỳ năm trước... Các doanh nghiệp sản xuất đều cho rằng việc tăng giá bán là cần thiết để bù đắp chi phí đầu vào dù nhu cầu trong nước vẫn yếu. Đại diện một công ty sản xuất thép giải thích, nguyên liệu đầu vào của ngành này có gần 80% phải nhập khẩu. Vì vậy dù sức tiêu thụ trong nước ở mức thấp thì giá bán cũng phải tăng theo thế giới. Đó là chưa kể giá xăng dầu liên tục tăng đã đẩy chi phí vận chuyển lên cao, tạo thêm áp lực tăng giá trên nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng.
Doanh nghiệp cần dự báo, dự phòng rủi ro về giá
Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch cho rằng vấn đề quản lý rủi ro về giá thuộc về quản trị của từng doanh nghiệp. Theo quy luật chung, mọi hợp đồng đều đã được bàn thảo mới đi đến ký kết. Khi đó chính các doanh nghiệp phải có dự báo về biến động giá để cam kết thực hiện đúng hợp đồng. Nếu đặt vấn đề giá cả tăng cao để tăng giá thực hiện thì khi giá xuống có giảm giá hay không? Ngoại trừ trong hợp đồng đã đưa vào điều khoản điều chỉnh giá theo biến động thị trường hay các điều kiện về thiên tai, chiến tranh và dịch bệnh thì sẽ xem xét lại để cùng thương thảo giữa hai bên.
Dù là các dự án thực hiện vốn đầu tư công hay tư nhân thì cũng nên dựa theo các điều khoản chi tiết theo hợp đồng để thực hiện. Bởi tình hình giá cả trên thị trường sẽ luôn biến động và ngay VN không có sự can thiệp nào ngoài việc phải chấp nhận theo giá thế giới, nhất là với những hàng hóa mà đa số nguyên vật liệu đều phải nhập khẩu.
TS Trần Du Lịch
“Dù là các dự án thực hiện vốn đầu tư công hay tư nhân thì cũng nên dựa theo các điều khoản chi tiết theo hợp đồng để thực hiện. Bởi tình hình giá cả trên thị trường sẽ luôn biến động và ngay VN không có sự can thiệp nào ngoài việc phải chấp nhận theo giá thế giới, nhất là với những hàng hóa mà đa số nguyên vật liệu đều phải nhập khẩu”, ông Lịch nói.
Còn theo ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN, nguyên tắc của các nhà thầu khi nhận hợp đồng xây dựng là phải có giải pháp để giảm thiểu các rủi ro trong quá trình thực hiện, nhất là về biến động giá vật liệu xây dựng. Chẳng hạn như ký hợp đồng có điều khoản trượt giá hay chốt giá với nhà cung cấp sau khi đã ký hợp đồng xây dựng với chủ đầu tư. Bên cạnh đó, một giải pháp khác là mua trước vật liệu xây dựng chính sau khi ký hợp đồng. Dù vậy, vấn đề thương lượng để có các điều khoản trượt giá theo hợp đồng hay việc chốt giá mua vật liệu xây dựng thì phải ứng trước 30 - 50% giá trị không phải đơn vị nào cũng thực hiện được. Vì vậy, quan trọng nhất là giữa chủ đầu tư và nhà thầu cần có mối quan hệ hợp tác chiến lược để hỗ trợ lẫn nhau khi thực tế giá cả mọi hàng hóa đều tăng quá cao, vượt qua mọi dự báo như từ đầu năm đến nay.
Bình luận (0)