Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tạo ra sự thay đổi lớn trong cơ cấu kinh tế toàn cầu. Với lợi thế thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh trước các quốc gia khác, Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ trở thành hấp lực đầu tư mới sau đại dịch. Thế nhưng, tất cả những lợi thế đó chỉ là khách quan, còn rất nhiều việc nội tại mà Việt Nam phải làm để biến cơ hội thành hiện thực.
|
Nhiều ý kiến cho rằng, thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh cho phép Việt Nam có thời gian để phục hồi trước những quốc gia khác như thế nào, ông có thể phân tích cụ thể về lợi thế của Việt Nam và chúng ta phải làm gì để tận dụng lợi thế (nếu có) này?
Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện tốt vai trò chủ công trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Nhóm việc thứ hai là tích cực nối thông với thị trường thế giới và nỗ lực tạo liên kết với các đối tác chiến lược “xứng tầm”. Cả thế giới đang thận trọng, nhưng nhiều nước đang cải thiện rất tốt tình hình và đã sẵn sàng mở cửa kết nối. Việt Nam cần tích cực chuẩn bị các điều kiện và chủ động nắm bắt thời cơ để “nối chuỗi” sớm nhất có thể.
Đối với nhiệm vụ thứ nhất, cần lưu ý thêm rằng lúc này, vấn đề không chỉ là “cứu” các DN vốn có.
Phải dành nguồn lực và sự quan tâm chính sách đặc biệt để hỗ trợ, thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các DN khởi nghiệp - sáng tạo, định hướng công nghệ cao. Tóm lại, thoát khỏi đại dịch tạo tình thế phát triển có tính cơ may. Sau dịch, kinh tế Việt Nam phải đứng dậy với một lực lượng DN có tư thế và nội lực mới. “Cơ trong nguy” tầm nhìn chiến lược là như vậy.
Chúng ta cũng đang tràn đầy kỳ vọng để đón dòng vốn đầu tư mới trong việc thiết lập lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông đánh giá thế nào về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với Ấn Độ, Indonesia cũng như kỳ vọng trở thành công xưởng của thế giới thay thế cho Trung Quốc?
Kỳ vọng Việt Nam thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu có lẽ hơi “lãng mạn”. Hiện tại, khó có nền kinh tế nào, kể cả khối liên kết ASEAN, có đủ năng lực thay thế chức năng của Trung Quốc trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Nhưng có hai điều cần khẳng định. Một là xu thế thay thế Trung Quốc đang là tất yếu ở nhiều khâu, nhiều chuỗi. Hai là Việt Nam có cơ hội và điều kiện thuận lợi để tham gia xu thế đó.
|
Trên nhiều mặt, chúng ta đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để hiện thực hóa các cơ hội đó. Nhưng để đạt được mức “thực sự sẵn sàng”, nhất là ở tầm chiến lược, gắn với yêu cầu thu hút FDI “thế hệ mới”, Việt Nam còn phải làm nhiều việc. Ta hay nói đến việc “làm tổ đón đại bàng”, song chưa định hình rõ thế nào là “tổ đại bàng” đúng nghĩa. Nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống logistics tốt, môi trường kinh doanh thông thoáng, và đặc biệt là lực lượng DN bản địa đủ năng lực - những yếu tố chủ chốt cấu thành nên cái gọi là “tổ đại bàng” đích thực - của ta còn khá thiếu và yếu.
Tất nhiên, Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh như Ấn Độ, Indonesia trong thu hút đầu tư nước ngoài. Gần kề thị trường Trung Quốc, là thành viên CPTPP, đã ký FTA với EU, hay độ tin cậy của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, kinh tế toàn cầu đang suy yếu… tất cả những điều này đang mang lại cho Việt Nam sức hấp dẫn đầu tư và thương mại vượt trội.
Nhưng xin lưu ý rằng bấy nhiêu thôi - cả điểm yếu và điểm mạnh - là chưa đủ cho một cuộc chơi lớn và đẳng cấp. Cơ hội tốt chỉ là điều kiện “cần” của thành công. Phải có điều kiện “đủ”: đó là năng lực chuyển hóa cơ hội thành lợi ích.
Việt Nam có cơ hội đón làn sóng chuyển dịch đầu tư
|
Ta đang có cơ hội đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế trên cả hai khía cạnh: cơ cấu (ngành) và thể chế kinh tế. Hai nhiệm vụ sống còn này được đặt ra cả chục năm nay mà chưa giải quyết xong. Về cơ cấu ngành, định hướng chuyển dịch được nhận diện nói chung là rõ. Công nghệ cao, kinh tế số, thông minh là trục dẫn dắt. Sự chuyển dịch trong lĩnh vực nông nghiệp - vốn là lĩnh vực “chậm tiến”, yếu kém và khó xoay chuyển nhất - đang là một ví dụ tốt của quá trình này. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch mạnh và hiệu quả theo hướng công nghệ cao,sạch, đặc sản và phục vụ thị trường thế giới đang làm thay đổi sâu sắc đẳng cấp phát triển của nhiều lĩnh vực nông nghiệp.
Tình trạng đứt các chuỗi cung ứng toàn cầu đang buộc hầu như tất cả các ngành phải thay đổi thực chất hoạt động - cả đẳng cấp lẫn cấu trúc. Các ngành “gia công, lắp ráp” đang chịu sức ép ngày càng dữ dội của xu hướng tự động hóa. Du lịch và hàng không sẽ phải cấu trúc lại thị trường và tổ chức hoạt động chứ không thể tiếp tục bài ca “sản lượng” và “chuỗi du lịch không đồng” như trước…
Về vấn đề thể chế kinh tế, hệ thống phân bổ nguồn lực đang chịu áp lực cải cách rất mạnh. Vốn đầu tư công đang đối mặt với nhu cầu tăng tốc giải ngân để “cứu” nền kinh tế. Đây là tình thế vừa tạo áp lực, vừa cung cấp các điều kiện để giải quyết vấn đề thể chế một cách căn cơ.
Nhưng tôi đặc biệt nhấn mạnh: Phải xác lập “trạng thái bình thường mới” cho nền kinh tế. Đây được coi là cơ hội thúc đẩy hoạt động đổi mới - khởi nghiệp - sáng tạo - giúp nền kinh tế bắt đầu quá trình “thay máu”, để có thể đứng dậy hậu Covid-19 với thế và lực mới. Để đạt được như thế, cần đưa vào trọng tâm Chiến lược phát triển đất nước hai chương trình quốc gia. Một là chương trình “Phát triển lực lượng DN Việt”; Hai là chương trình “Phát triển khoa học - công nghệ là trục chính của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”.
Thực tế, thời gian qua, Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục, ban hành các cơ chế chính sách hấp dẫn để mời gọi “đại bàng” về làm tổ. Thế nhưng, làm thế nào để có đón được các “đại bàng” thực sự theo ông?
Đến nay, chúng ta vẫn chưa có chiến lược phát triển lực lượng DN quốc gia đúng nghĩa. Tôi xin nhấn mạnh khái niệm “lực lượng DN”. Về căn bản, ta mới có nỗ lực phát triển DN, chủ yếu thiên về số lượng, dựa trên nền tảng “xin - cho” và phân biệt đối xử. Kết cục là sức mạnh của lực lượng chủ công - DN nhà nước - bị bào mòn, DN tư nhân Việt yếu kém kéo dài, thiếu động lực vươn lên. Việc thu hút đầu tư nước ngoài dựa trên căn bản “trao lợi thế” và “dành ưu đãi”, tuy giúp kéo về một lượng lớn DN nhưng đa phần là “chim sẻ”, sức ăn lớn, lợi ích mang lại cho phát triển quốc gia không tương xứng.
Ta thực tâm muốn kéo “đại bàng” về nhưng mục tiêu ngắn hạn - cục bộ (tạo nhiều việc làm nhưng chất lượng thấp, tiền lương thấp; thu ngân sách nhưng ưu đãi cao…) đã lấn át mục tiêu chiến lược (nâng cao vị thế và đẳng cấp nền kinh tế, thúc đẩy phát triển khu vực bản địa). Cho đến nay “tổ đại bàng” đích thực vẫn chưa xây xong. Kết cục là “đại bàng” đúng nghĩa vẫn còn do dự chưa đến, trong khi “chim sẻ” về nhiều, cạnh tranh chia lợi thế và giành lợi ích với đàn chim bản địa đang nhỏ yếu.
Muốn thực sự đón được các “đại bàng”, tạo ra lợi ích thực tế thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, cần nhanh chóng thực hiện các đầu việc sau: Một là định hình lại chiến lược phát triển, trong đó xác định cho đúng, cho rõ chức năng, vai trò của các loại hình DN, chủ thể kinh tế trong sơ đồ phát triển quốc gia trong giai đoạn mới. Hai là phải nỗ lực xây dựng hệ thống thị trường và cơ chế vận hành và cạnh tranh thị trường lành mạnh, để cho “đại bàng” không bị “chim sẻ” lấn át. Ba là phải đặc biệt chú ý xây dựng “tổ đại bàng” đúng nghĩa, như đã nêu ở trên. “Tổ đại bàng” không phải chỉ là những khu công nghiệp tốt, được “lót ổ” bằng hệ thống cơ chế chính sách dựa nhiều vào ưu đãi mà phải hiểu theo nghĩa rộng là toàn bộ môi trường kinh doanh cùng các điều kiện hoạt động (thể chế) bình đẳng, công khai và minh bạch.
Bốn là - và đây là điểm tôi đặc biệt nhấn mạnh - phải có những “đại bàng quốc tịch Việt”. Đó là những tập đoàn kinh tế Việt Nam thực sự hùng mạnh, đủ năng lực lôi kéo và dẫn dắt đàn chim Việt trong cuộc đua tranh quốc tế. Tôi chưa thấy nền kinh tế nào trở thành hùng mạnh, mà không dựa vào những “con đại bàng” dẫn dắt của chính mình.
Bình luận (0)