Phải đến Minamisanriku, thị trấn biến mất trong 'du lịch thảm họa'

18/03/2017 14:02 GMT+7

Thảm họa thiên nhiên từng san bằng nhiều vùng đất trên thế giới nhưng vẫn có những nơi đã hồi sinh mạnh mẽ sau cơn thịnh nộ của thiên tai.

Minamisanriku, những ngày giữa tháng 3.2011 được gọi là “thị trấn biến mất” khi động đất và sóng thần ập đến bất ngờ, đã và đang “trở lại” đầy ngoạn mục khiến du khách phải ngỡ ngàng. Chuyến đi đến Minamisanriku với chúng tôi là trải nghiệm tour du lịch có một không hai - “Du lịch thảm họa”.
Trong những ngày lang thang ở Miyagi, ngoài việc khám phá các làng nghề truyền thống, chúng tôi đã tìm đến thị trấn Minamisanriku, và thật sự cảm động trước sự hồi sinh của thị trấn này sau 6 năm gánh chịu thảm họa kép.
Sau gần 1 giờ bay từ Tokyo, chúng tôi đã đặt chân đến Miyagi, một tỉnh vùng đông bắc của Nhật Bản, nơi đây vào tháng 3.2011 đã hứng chịu thảm họa kép động đất - sóng thần gây chấn động thế giới.
Phải đến Minamisanriku! 1
Tan hoang sau sóng thần
Cũng giống như Fukushima, thị trấn Minamisanriku là một trong những địa danh được nhắc đến nhiều nhất trong thảm họa kép động đất, sóng thần và nơi đây là trung tâm của sự tàn phá do sóng thần vào tháng 3.2011. Trong cơn cuồng nộ của mẹ thiên nhiên, hàng ngàn người vô gia cư, hàng trăm người mất tích, nhiều ngôi làng ở Ishinomaki giờ đã trở nên hoang vắng. Rất nhiều gia đình đã bỏ làng, tìm đến những vùng an toàn hơn để sinh sống. Thế nhưng, khi đặt chân đến đây, điều chúng tôi cảm nhận là sự hồi sinh mạnh mẽ sau thảm họa kinh hoàng. Nếu không chú ý, có lẽ ít ai nghĩ rằng đây là nơi từng là đống đổ nát sau trận sóng thần định mệnh năm xưa.
Nhắc đến câu chuyện tang thương của Miyagi vì sóng thần, chúng tôi tìm về tâm điểm của vùng thiên tai, đó là thị trấn Minamisanriku. Sau gần 5 năm, thị trấn này giờ đã được nâng cao thêm 15 m so với trước, từng dòng người lặng lẽ đứng hàng giờ trước đống đổ nát như bày tỏ lòng tiếc thương đến những nạn nhân xấu số.
Phải đến Minamisanriku! 2
Ngôi trường dù trên cao nhưng vẫn bị sóng thần dâng lên ngập gần 3 m
Phải đến Minamisanriku! 3
Tình nguyện viên nói về thảm họa, phía sau lưng ông là tòa nhà 3 tầng bị sóng thần đánh
Đón chúng tôi tại một bưu điện tạm thời gần trung tâm của sóng thần, bà Sachiko - một trong những tình nguyện viên kể cho những người khách mới đến từ phương xa: Tất cả những nhà cửa nơi đây bị san bằng bởi sóng thần, hàng chục ngàn người hiện vẫn còn mất tích, gần 5 năm trôi qua, nhiều người vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh của đợt sóng thần này.
Ngày nay, nhiều người vẫn còn chưa hết bàng hoàng sau sự kiện ấy. Bà Fujiko cầm tấm ảnh tòa nhà làm việc của thị trấn trước khi sóng thần ập tới, run run kể với chúng tôi: “Lúc ấy có mặt ông thị trưởng cùng với những nhân viên công quyền đang tổ chức cuộc họp quan trọng thì sóng thần ập đến, có người chạy lên báo cáo, tuy nhiên mọi việc đã quá muộn và toàn bộ những người trong tòa nhà này đã vĩnh viễn ra đi. Người nhà của tôi đã leo lên tầng thượng tòa nhà chụp ảnh và thấy sóng thần ập đến, dâng cao dần, trong số những người trong ủy ban, có những người có kinh nghiệm khi thấy sóng ập vào họ leo lên trên mái nhà, hối thúc những người khác leo lên, tuy nhiên tất cả đều đã quá muộn, con sóng đã nuốt chửng tòa nhà cao khoảng 12 m này”.
Sở dĩ có những tour du lịch về vùng thiên tai vì người Nhật muốn đưa tới cho du khách những trải nghiệm quý báu, và hơn ai hết, họ có thể rút ra những bài học kinh nghiệm đối phó với thảm họa thông qua những câu chuyện có thật từ hướng dẫn viên là những người tình nguyện viên sau khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Trong cái giá rét đầu đông, thị trấn Minamisanriku luôn nhộn nhịp với tốc độ xây dựng, những người công nhân làm việc hầu như liên tục trong gần 5 năm qua để tái thiết thị trấn này. Và thời gian xây dựng dự kiến sẽ mất khoảng 20 năm, tức là sau 15 năm nữa thị trấn hoang tàn này mới có được vóc dáng như trước tháng 3.2011.
Nhiều người thường gọi đùa Minamisanriku là thị trấn không ngủ bởi xe tải chở hàng triệu khối đá san lấp với ý định nâng cao thị trấn lên 15 m so với hiện tại vẫn đang hoạt động, những nhà ga đang được xây mới, những tuyến đường cao tốc đang gấp rút hoàn thiện. Tuy nhiên, mối lo ngại duy nhất là khi thị trấn được hình thành có giữ chân người dân ở lại hay không khi mà họ đã bị ám ảnh bởi một quá khứ tang thương khủng khiếp. Hiện giờ chỉ còn không đến một nửa dân số còn bám trụ lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Phải đến Minamisanriku! 4
Thành viên fisherman Japan đưa du khách trải nghiệm đánh cá
Phải đến Minamisanriku! 5
Trường học duy nhất còn sót lại
Người Nhật không hề bi thương trước thảm họa, họ coi đó là định mệnh và biến thương đau thành những hành động cụ thể, đó là việc đưa những đoàn khách tham quan đến địa điểm từng xảy ra thảm họa tàn khốc nhất trong lịch sử của nước Nhật.
Chúng tôi đã tìm đến khách sạn Minamisanriku Kanyo và được nghe những câu chuyện cảm động về sự tương thân từ bà Keiko Abe, bà tâm sự: “Đây là khách sạn do cha tôi để lại, nó đã vượt qua được trận động đất, sóng thần vào năm 2011. Vào thời điểm ấy, nơi đây là mái nhà chung cho cả ngàn người vô gia cư. Vào thời điểm đó chắc các bạn khó mà tưởng tượng được chúng tôi phải đối mặt với những khó khăn như thế nào, thế nhưng chúng tôi chỉ duy nhất nghĩ đến một điều: làm sao phải giúp đỡ càng nhiều người càng tốt”.
Một trong những hành động nổi bật đó là việc hình thành những mô hình liên kết giữa thanh niên Nhật Bản lại với nhau, những người trẻ có tâm huyết vực dậy sự phát triển - đó là câu lạc bộ Fisherman, bao gồm những bạn trẻ làm trong nhiều lĩnh vực, từ nhiều địa phương khác nhau.
Họ không hô vang khẩu hiệu mà cặm cụi làm việc nhằm tái thiết các làng nghề đánh bắt cá, nuôi trồng hải sản truyền thống. Chính vì thế, sau 5 năm, những gia đình làm nghề nuôi trồng, đánh bắt đã dần dần trở lại với công việc nhờ sự tương thân tương ái từ những người trẻ có tâm huyết khắp nước Nhật.
Giờ đây, sau 5 năm kể từ ngày thảm họa ập đến, cuộc sống vẫn hối hả bởi những công trình đang được tái thiết nơi thị trấn nằm kề vịnh biển Shizugawa này, theo dự kiến có lẽ phải mất hơn 10 năm nữa thì Minamisanriku mới có lại được diện mạo như xưa.
Chia tay vùng đất đang hồi sinh, chúng tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói của bà chủ khách sạn Kanyo khi được hỏi về nghĩa cử cao đẹp của mình: “Việc làm của chúng tôi hôm nay chỉ là thực thi những gì mà cha ông chúng tôi đã truyền lại. Hy vọng thế hệ trẻ sau này của chúng tôi cũng luôn có được tinh thần đó trước những hoàn cảnh khó khăn cần được chia sẻ, giúp đỡ”. Tính cách của người Nhật là vậy, chính vì thế họ đã vượt qua những khó khăn để hồi sinh một cách ngoan cường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.