'Việc giải quyết trật tự lòng lề đường, vỉa hè tại một số quận, huyện như bắt cóc bỏ đĩa, ra quân triển khai thì rầm rộ, có kết quả trước mắt nhưng thời gian sau lại vẫn y như cũ, tình trạng lấn chiếm lại tiếp diễn'
Lề đường Phạm Văn Đồng đoạn qua P.3, Q.Gò Vấp bị lấn chiếm gần hết - Ảnh: Công Nguyên |
Ngày 26.2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2016 trên địa bàn TP.
Một vấn đề được hội nghị tập trung đề cập, đó là tình trạng “cát cứ” lòng lề đường để kinh doanh, lập bến bãi giữ xe, đỗ xe trái phép... mà Báo Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh trong những ngày vừa qua.
“Đã ở mức báo động”
Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, nhìn nhận tình trạng “cát cứ” lòng lề đường “đã ở mức báo động”, dẫn đến “đường bộ TP quá tải rồi”, giao thông đi lại khó khăn, ùn tắc, nguy cơ tai nạn rất cao...
Trong số 3.712 vụ tai nạn giao thông làm chết 702 người và bị thương 3.302 người trong năm 2015 tại TP, bộ hành là đối tượng gây ra tai nạn giao thông có tỷ lệ cao thứ ba, sau xe 2 bánh gắn máy và xe tải. “Việc giải quyết trật tự lòng lề đường, vỉa hè tại một số quận, huyện như bắt cóc bỏ đĩa, ra quân triển khai thì rầm rộ, có kết quả trước mắt nhưng thời gian sau lại vẫn y như cũ, tình trạng tái lấn chiếm lại tiếp diễn”, ông Tường bức xúc.
Theo ông Tường, trong năm 2016, TP thực hiện chủ đề an toàn giao thông là “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
Trong vòng 10 ngày phải báo cáo
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa thừa nhận: “Lòng lề đường thì đúng là chúng ta còn rất nhiều vấn đề để giải quyết. Ở đây chúng ta nói thẳng thắn với nhau là các quận, huyện, phường, xã, các đồng chí quản lý không xuể, có những lúc tập trung thì có khá lên nhưng rồi vì lý do này lý do khác thì nó trở lại như cũ. Những dịp đi đường Nguyễn Trãi nối Q.1 với Q.5 vào chiều tối thì tôi nói thẳng là trông nó như cái chợ mua sắm vậy, lộn xộn ghê gớm”. “Nói cái này để các đồng chí thấy rằng đó không phải là chuyện lòng lề đường không mà phải thấy chuyện đó tác động tiêu cực đến an toàn giao thông. Lề đường bị chiếm hết rồi thì lấy đâu chỗ mà người dân đi bộ, vậy là buộc phải xuống lòng đường, mà đi như vậy thì dễ bị tai nạn. Những cái đó đều là nguyên nhân tiêu cực mà chúng ta phải giải quyết trước mắt cũng như lâu dài”, ông Khoa phân tích thêm.
Ông Khoa khẳng định TP đã giao trách nhiệm quản lý trật tự lòng lề đường cho chủ tịch UBND các quận, huyện, nhưng “với nạn lấn chiếm lòng lề đường, hình như cũng chưa ai chịu trách nhiệm. Lúc nào chúng ta cũng nói là người đứng đầu chịu trách nhiệm, là chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm nhưng thực tế vài năm nay có ai chịu trách nhiệm đâu?”. Theo ông Khoa, tình trạng buông lỏng quản lý, chia đều trách nhiệm phải chấm dứt ngay, phải dẹp hết nạn lấn chiếm, “cát cứ” lòng lề đường.
Giải quyết các vấn đề nổi cộm về trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới, ông Khoa cũng khẳng định TP đã thống nhất kế hoạch chung. Theo đó, các sở ngành, quận, huyện phải cập nhật, xây dựng kế hoạch triển khai với giải pháp, mục tiêu, thời gian hết sức cụ thể, trong vòng 10 ngày làm việc phải báo cáo kết quả lên TP.
Liên quan đến bài “Đầu gấu” chiếm đường giữ xe đăng trên Báo Thanh Niên ngày 22.2, ngày 26.2, Công an P.Bến Nghé cho biết đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi “lấn chiếm lòng đường làm nơi trông giữ xe trái phép”, đề xuất Ban Chỉ huy Công an Q.1 xử phạt bà Vũ Thị Hoa 4 triệu đồng. Một đương sự khác có liên quan là Hà Văn Tiến (34 tuổi, ngụ Bình Dương) cũng đã bị Công an P.Bến Nghé lập hồ sơ xử lý, yêu cầu cam kết không tái phạm hành vi giữ xe trái phép tại khu vực đường Nguyễn Văn Chiêm.
|
Bình luận (0)