Phái đoàn ASEAN lần đầu đến Myanmar từ chính biến

03/06/2021 22:34 GMT+7

Phái đoàn ngoại giao của ASEAN đã đến Myanmar và chuẩn bị có cuộc gặp giới lãnh đạo chính quyền quân sự nước này.

Hãng Delta News của Myanmar ngày 3.6 đưa tin Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei - nước chủ tịch ASEAN, ông Erywan Yusof đã đến Myanmar.
Hai quan chức dự kiến gặp Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing trong ngày 4.6. Đây là chuyến thăm Myanmar đầu tiên của đại diện ASEAN từ khi chính biến nổ ra ngày 1.2.
ASEAN đang đóng vai trò chính trong nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết khủng hoảng tại Myanmar, sau khi đạt được đồng thuận 5 điểm tại Indonesia hồi tháng 4.
Nội dung của đồng thuận gồm kêu gọi chấm dứt bạo lực, đối thoại xây dựng giữa các bên, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để hỗ trợ đối thoại, tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo và cho phép đặc phái viên đến Myanmar.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, các bên vẫn chưa đạt được tiến triển đáng chú ý nào trong khi biểu tình và xung đột vẫn xảy ra tại Myanmar. Theo Reuters, khoảng 400 người đã tụ tập biểu tình tại thành phố Yangon trong ngày 3.6 nhằm chống lại chính quyền quân sự.

Total và Chevron ngừng thanh toán cho quân đội Myanmar

Một tổ chức quan sát cho biết từ khi chính biến nổ ra đến nay đã có 842 người thiệt mạng. Tuy nhiên, chính quyền nói rằng con số chỉ gần 300 người, trong đó có 47 cảnh sát.
Ngoài các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tại thành phố, xung đột giữa các tổ chức vũ trang thiểu số và quân chính phủ cũng đang diễn ra, khiến hàng chục ngàn người rời bỏ nhà cửa.
Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách đối ngoại Josep Borrell ngày 3.6 trả lời phỏng vấn Reuters rằng EU sẽ ban hành lệnh cấm vận thứ 3 lên Myanmar trong vài ngày tới, nhắm vào chính quyền quân sự và các tổ chức đại diện lợi ích kinh tế của quân đội.
Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) Peter Maurer đã gặp Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing tại Naypyitaw ngày 3.6. Ông Maurer thông báo đã bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo hiện nay. Ông Maurer đưa ra 2 yêu cầu gồm khôi phục các chuyến thăm của ICRC đến nhà tù tại Myanmar và cho phép tiếp cận nhân đạo tại vùng xung đột, theo tờ Nikkei Asia. Tổng tư lệnh Aung Hlaing không cam kết nhưng cũng không từ chối các yêu cầu này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.